Mùa hè năm nay thời tiết trở nên khắc nghiệt với chuỗi những ngày nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Trong tháng 6, số lượng ngày nắng nóng được dự báo sẽ kéo dài hơn trung bình cùng thời kỳ các năm trước với nhiệt độ phổ biến từ 36 đến 39 độ C, tại các đô thị, nhiệt độ có thể lên đến trên 40 độ C. Nắng nóng gay gắt phủ kín cả địa bàn tỉnh dẫn đến nhu cầu sử dụng điện của nhân dân tăng cao đột biến, tạo ra áp lực lớn về cung ứng điện năng đối với ngành Điện. Số liệu đo đếm tại Trung tâm điều độ hệ thống điện thuộc Cty Điện lực Nam Định cho thấy, công suất cực đại trên hệ thống điện của tỉnh là 315MW, sản lượng điện toàn tỉnh tiêu thụ mỗi ngày đạt mức 6,3 triệu kWh, vượt gần 12% so với thời điểm sử dụng nhiều nhất của mùa hè năm trước. Điều đáng lo ngại đó là công suất cực đại trên hệ thống điện của tỉnh đã tăng cao nhưng lại kéo dài bất thường trong nhiều giờ nên dễ tạo ra nguy cơ xấu đối với hệ thống điện. Chính vì vậy, trong những ngày vừa qua tại một số khu vực đông dân cư trên địa bàn tỉnh đã xảy ra sự cố mất điện cục bộ do chập cháy máy biến áp, nóng chảy vỏ bọc của hệ thống cáp vặn xoắn hoặc thiết bị bảo vệ tự ngắt vì sử dụng điện vượt ngưỡng an toàn. Tất cả các nguyên nhân này đều xuất phát từ nhu cầu sử dụng điện tăng cao của nhân dân chạy các thiết bị làm mát như hệ thống thông gió, quạt điện, quạt hơi nước, điều hoà nhiệt độ.
Thay thế máy biến áp có công suất lớn hơn tại thôn Vạn Diệp, xã Nam Phong (TP Nam Định) đáp ứng nhu cầu dùng điện tăng cao của nhân dân. |
Tại địa bàn Thành phố Nam Định, cùng với nhu cầu dùng điện của các cơ quan, bệnh viện, trường học, các khu, CCN là gần 84 nghìn hộ dân ở 25 phường, xã thường xuyên tiêu thụ sản lượng điện chiếm gần 40% tổng sản lượng điện toàn tỉnh nên việc bảo đảm an toàn cho hệ thống điện trở nên rất quan trọng. Trong tháng 5 vừa qua, toàn thành phố đã tiêu thụ 39,47 triệu kWh điện năng, tăng 4,8% so với tháng 4. Dự kiến trong tháng 6 này sản lượng điện thương phẩm thành phố sẽ đạt mức 47 triệu kWh, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2014. Trước thực trạng hệ thống cung ứng đang quá tải, Điện lực thành phố đã đề ra 3 giải pháp cấp bách nhằm hạn chế tối đa những rủi ro có thể gây nên mất điện trên diện rộng. Trước hết, Điện lực thành phố đã hoàn thành gia cường hệ thống kỹ thuật dẫn điện đầu nguồn từ 4 trạm biến áp 110kV: Trình Xuyên, Mỹ Lộc, Mỹ Xá, Phi Trường về thành phố theo phương thức đấu nối mạch vòng khép kín. Đối với gần 800 trạm biến áp hạ thế trên địa bàn, Điện lực thành phố thường xuyên tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện những ẩn hoạ sẽ gây nên sự cố lớn. Cùng với đó, thành phố đã tập trung lực lượng, phương tiện kỹ thuật tiến hành thay thế 12 trạm biến áp tại các vị trí quá tải như: Mả Chói, Vạn Diệp, Cửa Nam, Hoà Vượng 8, Đông Mạc 2… bằng các máy có công suất lớn hơn. Ngay trong tuần đầu tháng 6 này, 10 vị trí máy biến áp mới phát sinh quá tải cũng tiếp tục được thay thế theo lộ trình bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu dùng điện của nhân dân. Đối với hệ thống dây dẫn, do thành phố có số lượng cáp bọc và cáp vặn xoắn dài tới hơn 1.400km nên việc sớm phát hiện các tuyến dây phát nhiệt tăng cao rất quan trọng. Do vậy, Điện lực thành phố đã huy động 100% nhân lực thực hiện đo định kỳ công suất cao điểm vào thời gian giữa trưa, chiều tối và lúc 22 giờ đêm nhằm sớm phát hiện những bất thường trên hệ thống, bảo đảm an toàn trong cung ứng điện năng.
Nắng nóng như lửa đốt vẫn tiếp tục kéo dài. Nhu cầu sử dụng điện tăng cao của nhân dân vẫn tiếp tục tiếp diễn. Trước những diễn biến khắc nghiệt của thời tiết, Cty Điện lực Nam Định đang khẩn trương đầu tư thêm nguồn lực, kinh phí để thực hiện củng cố lưới điện toàn tỉnh bằng nhiều giải pháp đồng bộ như thay thế máy biến áp nhỏ bằng máy công suất lớn hơn, kéo thêm đường điện đến các khu vực có nhu cầu sử dụng điện lớn, tăng cường đội ngũ kỹ thuật tại 10 Điện lực huyện, thành phố, kiểm tra, xử lý ngay các sự cố mất điện, bất kể ngày hay đêm. Với những ngày nắng nóng trên 36 độ C, ngành Điện chỉ đạo dừng mọi công tác sửa chữa liên quan đến lưới điện. Mặc dù vậy, do thời gian cao điểm dùng điện diễn ra ban đêm khi các gia đình đều đồng loạt vận hành máy điều hoà nhiệt độ chống nóng nên ngành Điện đề nghị khách hàng cần sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả bằng cách không dùng đồng thời các thiết bị tiêu tốn điện năng như đun nước, điều hoà nhiệt độ, bàn là vào cùng một thời điểm, nhằm tránh để lưới điện xảy ra sự cố bất ngờ. Về nguồn điện, mặc dù nhu cầu sử dụng tăng cao nhưng ngành Điện vẫn cam kết bảo đảm cung ứng đủ điện đến mọi thành phần phụ tải từ sinh hoạt, sản xuất đến các hoạt động khác, góp phần bảo đảm tốt cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh./.
Bài và ảnh: Xuân Thu