Trong khí thế sôi nổi kỷ niệm 40 năm Chiến thắng 30-4, chúng tôi về thăm gia đình cụ Phạm Thị Nguyệt, ở xóm Xuân Hy, xã Xuân Thủy (Xuân Trường). Cụ Nguyệt là vợ của liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Đặng Ngọc Ngự. Chúng tôi cảm động được cụ kể cho nghe những kỷ niệm của thời chống Mỹ nhiều vất vả, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào.
Ngày ấy, cô gái trẻ Phạm Thị Nguyệt đem lòng cảm mến rồi kết duyên với người con trai cùng thôn Đặng Ngọc Ngự. Cưới nhau được 2 năm, năm 1959, anh lên đường nhập ngũ, khi ấy, cô con gái đầu lòng mới được 6 tháng tuổi. Ở lại hậu phương chị vừa chăm sóc bố mẹ già, nuôi con nhỏ, vừa tích cực tham gia đội dân quân và các đoàn thể ở địa phương. Chị luôn tự dặn lòng “dù khó khăn đến mấy cũng phải cố gắng khắc phục để chồng yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Sau thời gian huấn luyện, chồng chị được về thăm nhà trước khi sang Liên Xô học lái máy bay. Năm 1966, anh được điều về Trung đoàn 921, Sư đoàn 371, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân. Từ tháng 4-1966 đến tháng 2-1972, anh tham gia chiến đấu 14 trận. Trong mọi tình huống, anh luôn bình tĩnh, dũng cảm, mưu trí, kiên quyết tiến công địch. Anh đã trực tiếp bắn rơi 7 máy bay Mỹ, ngoài ra còn chỉ huy và yểm hộ cho biên đội bắn rơi 8 chiếc máy bay khác. Tiêu biểu là trận đánh ngày 8-1-1967, trên vùng trời Hà Bắc, mặc dù địch dàn 12 máy bay, anh đã chỉ huy biên đội xông thẳng vào đội hình địch, bắn rơi 2 máy bay F-4 của địch, trong đó anh bắn rơi 1 chiếc bằng tên lửa, làm chúng hoảng sợ phải tháo chạy. Ngày 10-5-1972, địch cho nhiều máy bay cường kích vào đánh phá Thị xã Bắc Giang và cho máy bay tiêm kích vào khống chế sân bay Kép. Lúc này, biên đội của anh vừa cất cánh, tốc độ còn chậm, độ cao còn thấp, bị máy bay địch liên tiếp phóng tên lửa vào đội hình. Chiến sĩ lái số 2 hy sinh, còn một mình, anh bình tĩnh, nhanh chóng cho máy bay lên cao, mưu trí lừa địch, giành thế chủ động, bám sát, bắn rơi một máy bay F-4 của địch. Trận đánh ngày 8-7-1972, ở vùng trời Hòa Bình, anh chỉ huy biên đội 2 máy bay MiG-21 xông vào đội hình 8 máy bay F-4 của địch. Sau khi yểm hộ và tích cực tạo điều kiện cho máy bay số 2 bắn rơi 1 máy bay địch, máy bay của anh bị tên lửa địch bắn trúng. Anh đã anh dũng hy sinh. Khi ấy, anh là đại úy, đại đội trưởng, đại đội 7 máy bay tiêm kích MiG-21, Trung đoàn 921, Sư đoàn 371, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân. Với những chiến công xuất sắc, anh được Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 5 Huân chương Chiến công hạng Ba, 7 lần được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người, 3 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Ngày 11-1-1973, liệt sĩ Đặng Ngọc Ngự vinh dự được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Cụ Phạm Thị Nguyệt, xóm Xuân Hy, xã Xuân Thuỷ (Xuân Trường) vợ liệt sĩ Anh hùng LLVTND Đặng Ngọc Ngự và các con xem lại những kỷ vật của người chồng, người cha thân yêu. |
Nhận được tin chồng hy sinh, cụ Phạm Thị Nguyệt nén nỗi đau, tích cực tham gia công tác xã hội và tần tảo sớm khuya vê đay dệt chiếu, nuôi thêm con lợn, đàn gà… để nuôi dạy các con khôn lớn. Hai cụ có 4 người con, riêng người con gái thứ 3 được đặt tên là Đặng Thị Mích để ghi nhớ kỷ niệm đầy tự hào về người cha lái máy bay MiG anh hùng. Thương mẹ vất vả, từ nhỏ các con của cụ đều chăm ngoan, học giỏi và luôn tranh thủ thời gian giúp mẹ việc nhà. Anh Đặng Ngọc Dinh, con trai thứ 2 của cụ cho biết: “Hồi ấy, cả đại gia đình 10 người (cả bà nội và gia đình chú em) ở trong căn nhà chỉ chừng 30m2, tôi và chị gái mới 10-13 tuổi đã xin cùng mẹ đóng 2 lò gạch để xây căn nhà mới. Mẹ tôi luôn nhắc nhở các con cháu về truyền thống gia đình, phải biết vươn lên trong cuộc sống, xứng đáng với những hy sinh của cha ông”.
Cũng trong dịp này, chúng tôi đến thăm thương binh Phạm Thanh Lãng, 66 tuổi, ở xóm 11, xã Xuân Thành (Xuân Trường), là một trong 3 đối tượng chính sách, người có công của tỉnh đi dự Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc, tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào trung tuần tháng 4-2015.
Cách đây 47 năm, cả nước sôi sục chuẩn bị cho Chiến dịch Mậu Thân 1968, khi ấy đang là học sinh cấp 3, sức trẻ căng đầy nhiệt huyết được cống hiến, người thanh niên Phạm Thanh Lãng đã làm đơn xung phong nhập ngũ và được biên chế vào đơn vị đặc công nước. Sau khi huấn luyện, cả đơn vị viết đơn bằng máu xin được vào chiến trường miền Nam. Ông được vào đơn vị K10 Sư 2, Đoàn 10 nay là đoàn Rừng Sác - Đơn vị Anh hùng, đóng quân trong rừng Sác sình lầy, có rất nhiều cá sấu dữ và là chiến trường đặc biệt ác liệt. Trong suốt quá trình tham gia chiến đấu ông đã 2 lần bị thương. Sống trong điều kiện sình lầy, quân thù rải đầy chất độc nên sức khỏe bị giảm sút trầm trọng không thể tiếp tục chiến đấu, năm 1976, ông được đơn vị cử đi học nhưng vì điều kiện sức khỏe và điều kiện gia đình, ông xin phục viên. Rời quân ngũ về địa phương, là bệnh binh hạng 2/3 với tỷ lệ mất sức lao động 61%, sức khoẻ yếu, kinh tế gia đình vô cùng khó khăn nhưng thực hiện theo lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế ”, ông luôn phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ động viên gia đình phấn đấu, vượt lên mọi khó khăn, chăm chỉ làm ăn và tích cực tham gia các phong trào thi đua ở địa phương. Năm 1976, ông được tín nhiệm bầu làm đội trưởng sản xuất, rồi làm chủ nhiệm HTXNN, chủ nhiệm HTX mua bán xã Xuân Thành. Năm 1993, do kinh tế gia đình khó khăn, 3 người con của ông đều đang tuổi ăn, tuổi học, ông trở lại đơn vị cũ, tham gia sản xuất, làm kinh tế trên chính chiến trường xưa. Năm 1999, ông trở về địa phương cùng vợ, con chịu khó làm ăn trên chính mảnh đất quê hương. Đến năm 2005 ông nhận đấu thầu 2ha đất ruộng, quy hoạch nuôi tôm cá và chăn nuôi lợn gà. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông có thu nhập trên 200 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ bà con trong xóm kinh nghiệm sản xuất, làm ăn. Cùng với phát triển kinh tế, ông nhiệt tình tham gia công tác đoàn thể ở địa phương. Hiện nay, ông là chi hội trưởng chi Hội CCB, Hội CTĐ, Trưởng ban công tác Mặt trận xóm 11 xã Xuân Thành, Phó chủ tịch Hội NCT xã và một số nhiệm vụ khác… Ông luôn gương mẫu đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Ông có 5 người con, đến nay đều đã có việc làm ổn định, trong đó 2 người tốt nghiệp đại học, 1 người tốt nghiệp cao đẳng.
Cùng với sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, phát huy truyền thống cách mạng, các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực vươn lên ổn định cuộc sống, giáo dục cho thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống, tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Bài và ảnh: Minh Tân