Với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”, Tháng hành động vì ATTP năm 2015 tập trung vào các mục tiêu: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp, người quản lý, người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP đối với rau, thịt; tăng cường thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATTP rau, thịt tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm.
Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP tỉnh kiểm tra thực phẩm tại bếp ăn tập thể Cty CP May Sông Hồng, đóng trên địa bàn huyện Hải Hậu. |
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, các ngành quản lý Nhà nước về ATTP trong tỉnh đã thường xuyên tổ chức thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về ATTP. Các sở: Y tế, Công thương, NN và PTNT đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh như Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP, đồng thời chỉ đạo các đơn vị trong ngành tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú như: thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, tập huấn, hội thảo, truyền thông lưu động và thông qua các băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, tờ gấp, băng đĩa hình, băng đĩa âm, pa nô. Nội dung tập trung tuyên truyền Luật ATTP, các nghị định của Chính phủ hướng dẫn Luật ATTP, các thông tư của Bộ Y tế, Bộ NN và PTNT, Bộ Công thương và của liên bộ về bảo đảm ATTP theo từng lĩnh vực cụ thể. Ngoài ra, các ngành còn tuyên truyền, phổ biến các mô hình, hệ thống quản lý, kiểm soát ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm như: HACCP (ISO 22000), GMP, GHP, VietGAP; tuyên truyền, hướng dẫn cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn, nâng cao vai trò trách nhiệm, tầm quan trọng của việc thực hiện tốt các quy định về vệ sinh cơ sở, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm, vệ sinh cá nhân trong phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm; tuyên truyền, phổ biến, giám sát việc thực hiện điều kiện cơ sở, kiến thức và sức khỏe của người trực tiếp chế biến thực phẩm, vệ sinh an toàn trong chế biến, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh, sử dụng thực phẩm và phụ gia thực phẩm góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm (NĐTP). Trong năm 2014 và 4 tháng đầu năm 2015, Sở Y tế đã mở nhiều lớp tập huấn cho các cơ quan liên quan, cho mạng lưới cán bộ y tế tuyến huyện, xã, chủ các doanh nghiệp và các đối tượng tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm để cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, nhằm thực hiện đúng, nghiêm túc đối với các quy định của pháp luật về công tác ATTP. Riêng trong năm 2014, Chi cục ATVSTP tỉnh tổ chức tập huấn cho 350 lượt học viên là cán bộ y tế tuyến dưới 3 chuyên đề về công tác thanh tra, NĐTP, văn bản quy phạm pháp luật về ATTP. Sở Y tế cũng tập trung phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới về lĩnh vực ATTP cho các cơ quan liên quan, chủ các doanh nghiệp và các đối tượng tham gia sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm để họ thực hiện đúng, nghiêm túc đối với các quy định của pháp luật về công tác ATTP. Cùng với việc triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về ATTP thông qua các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở, công tác thông tin tuyên truyền còn được thông qua “kênh” truyền thông trực tiếp là đội ngũ cán bộ ngành Y tế, ngành NN và PTNT, các ban, ngành, đoàn thể như MTTQ, Hội CTĐ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, lực lượng vũ trang, cộng tác viên y tế thôn… với các hình thức dễ tiếp thu như hướng dẫn thực hành cụ thể theo nhóm, nói chuyện, hội thảo, hội diễn, hội thi quần chúng, hội thi cộng tác viên tuyên truyền về ATTP. Công tác truyền thông, giáo dục, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP được tập trung cao độ vào 3 thời điểm: trước và trong dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì chất lượng ATTP, Tết Trung thu... tại các khu dân cư. Qua công tác tuyên truyền đã góp phần phổ biến kịp thời các chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước tới mọi người dân và cơ quan quản lý liên quan về vấn đề đảm bảo ATTP, góp phần nâng cao ý thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Từ đó, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đã chú ý cải tạo, nâng cấp điều kiện cơ sở vật chất, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo đúng quy định. Tỷ lệ cơ sở vi phạm VSATTP đã giảm hẳn. Qua thanh tra, kiểm tra công tác ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi và mùa Lễ hội Xuân 2015, chỉ còn 2,5% cơ sở qua thanh tra, kiểm tra vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm, 0,4% cơ sở vi phạm quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm, 2% cơ sở vi phạm quy định về tiêu chuẩn sức khỏe trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, 0,03% cơ sở vi phạm quy định về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP… Ngoài ra quá trình thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành cho thấy đa số các cơ sở đều chấp hành các quy định pháp luật về ATTP; cơ sở vi phạm đã chấp nhận việc xử lý những sai phạm và sửa chữa khắc phục các lỗi về vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP.
Mục tiêu Chương trình quốc gia VSATTP năm 2015 đặt ra là: Nâng cao kiến thức, thực hành VSATTP và ý thức trách nhiệm của các nhóm đối tượng: người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng và người quản lý, lãnh đạo để tạo ra môi trường thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh. Để tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về ATTP, các ngành chức năng đang triển khai đồng bộ các hoạt động. Trong đó chú trọng việc phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý như: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP, nghị định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP, phối hợp chặt chẽ giữa các phòng, ban, ngành liên quan trong lĩnh vực ATTP để đạt được chỉ tiêu: 68% người sản xuất, 68% người kinh doanh, 68% người tiêu dùng và 77% cán bộ quản lý, lãnh đạo hiểu và thực hành đúng về ATTP đã đề ra./.
Bài và ảnh: Minh Thuận