"Tháng công nhân" và vấn đề việc làm, đời sống của người lao động trong các khu công nghiệp

08:05, 25/05/2015

Tỉnh ta được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đến năm 2020 có 9 KCN với tổng diện tích 1.954ha, trong đó 3 KCN: Hoà Xá, Mỹ Trung, Bảo Minh đã đi vào hoạt động trên tổng diện tích 590,5ha thu hút 163 dự án đầu tư, dự kiến tạo việc làm cho trên 50 nghìn lao động. Tuy nhiên, thực tế hiện nay mới chỉ có 115 doanh nghiệp đi vào hoạt động chính thức, sử dụng gần 27 nghìn lao động; trong đó 60% nhân lực đang làm việc ở lĩnh vực dệt may với phần lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; số lao động còn lại tham gia sản xuất cơ khí, giầy dép, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm tiêu dùng, chế biến gỗ. Hằng năm, các doanh nghiệp KCN đều có tỷ lệ tăng về giá trị sản xuất công nghiệp cao hơn tỷ lệ bình quân chung của tỉnh, đóng góp 25% về giá trị sản xuất công nghiệp và gần 50% về giá trị xuất khẩu ở tỉnh. Năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp KCN đạt 4.555 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 220 triệu USD.

Dây chuyền sản xuất nến xuất khẩu tại Cty TNHH Universal Candle Việt Nam (KCN Hoà Xá).
Dây chuyền sản xuất nến xuất khẩu tại Cty TNHH Universal Candle Việt Nam (KCN Hoà Xá).

Triển khai “Tháng công nhân 2015” với chủ đề: “Công đoàn đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vì việc làm, đời sống của người lao động”, Công đoàn các KCN tỉnh đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nội dung, ý nghĩa các ngày lễ lớn của Đảng, của đất nước, đồng thời giới thiệu, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động; tăng cường tổ chức các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đoàn viên công đoàn. Tính đến nay, ở 115 doanh nghiệp KCN đã có 67 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn cơ sở, trong đó Công đoàn KCN quản lý 39 đơn vị với 10.604 đoàn viên. Khảo sát thực tế trong “Tháng công nhân”, Công đoàn các KCN nhận thấy phần lớn người lao động làm việc tại các KCN đều có tuổi đời còn trẻ từ 18 đến 30 tuổi, mới chuyển từ nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp; một bộ phận lao động chưa được đào tạo nghề ở các trường chuyên nghiệp mà được các doanh nghiệp tự đào tạo tại chỗ rồi đưa vào dây chuyền sản xuất ngay dẫn đến hiểu biết về xã hội, pháp luật còn hạn chế. Về đời sống, nhìn chung công nhân lao động còn gặp nhiều khó khăn do mức thu nhập thấp so với thực tế cần chi tiêu phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Năm 2010, thu nhập bình quân hằng tháng bao gồm tiền lương và làm thêm giờ của mỗi lao động đạt 1,65 triệu đồng; năm 2011 tăng lên 2,3 triệu đồng; năm 2012 đạt 3,2 triệu đồng; năm 2013 đạt 3,4 triệu đồng; năm 2014 đạt 3,6 triệu đồng, dự kiến 2015 đạt trên 4 triệu đồng. Về bữa cơm ca, phần lớn các doanh nghiệp đều duy trì ăn ca cho công nhân với chi phí dao động từ 12 nghìn đồng đến 15 nghìn đồng/suất. Tuy nhiên, tình hình lạm phát, giá cả tăng cao nên với mức ăn này khó bảo đảm giúp công nhân bù đắp hao tổn sức lao động cũng như sức khoẻ để làm việc lâu dài. Một số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính thực sự chăm lo, quan tâm đến người lao động nên đã hỗ trợ 100% chi phí ăn ca cho công nhân như Cty TNHH Youngor Smart Shirts, Cty TNHH Sunrise Spinning, Cty CP Nam Dược, Cty May Garnet. Các doanh nghiệp còn lại chỉ hỗ trợ từ 50 đến 80% chi phí ăn ca cho người lao động. Vấn đề nhà ở của công nhân KCN đang gặp rất nhiều khó khăn. Thống kê cho thấy, công nhân KCN có nhu cầu ở trọ chiếm 30%, khoảng 7.950 người. Hiện nay, phần lớn công nhân có nhu cầu ở trọ đang phải thuê nhà ở của các hộ dân lân cận ven các KCN thuộc các xã Mỹ Xá (TP Nam Định), Mỹ Trung (Mỹ Lộc), Liên Minh, Kim Thái (Vụ Bản). Điều kiện nhà trọ của công nhân còn nhiều thiếu thốn, chật chội, tối tăm, không có các điều kiện giải trí, sinh hoạt văn hoá, thể thao…

Xác định nguyên nhân của những khó khăn này, Công đoàn các KCN tỉnh nhận thấy phần lớn các doanh nghiệp KCN đều mới hình thành và đi vào hoạt động, đang trong giai đoạn hoàn thiện đầu tư, lắp đặt thiết bị, đào tạo công nhân. Một số doanh nghiệp đã đi vào sản xuất nhưng tính ổn định không cao, số lao động thường xuyên biến động. Các doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ trong nước không quan tâm tới hoạt động công đoàn, chưa thực hiện đầy đủ pháp luật lao động và quy chế dân chủ ở cơ sở như mở hội nghị người lao động hằng năm, đối thoại định kỳ, ký kết thoả ước lao động tập thể. Đa số công nhân là lao động trẻ, chưa qua đào tạo, trình độ tay nghề còn hạn chế, tác phong làm việc công nghiệp chưa cao, hiểu biết về chính sách, pháp luật rất hạn chế. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ công đoàn đều kiêm nhiệm, không có tính ổn định, phụ thuộc nhiều vào chủ doanh nghiệp, nghiệp vụ công đoàn hạn chế cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm lo đời sống người lao động. Chính vì vậy, trong thời gian tới Công đoàn các KCN đề nghị với tỉnh và các ngành hữu quan cần tiếp tục tăng cường giám sát, phối hợp liên ngành kiểm tra việc thực thi pháp luật, thực hiện các chế độ chính sách đối với công nhân lao động để chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót, xử lý những vi phạm trong thực hiện chính sách về việc làm, tiền lương, thời gian làm việc, BHXH, an toàn vệ sinh lao động, quy chế dân chủ. Tiếp đó, các tổ chức công đoàn sẽ chủ động trong nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để đề xuất, thương lượng với người sử dụng lao động hiệu quả hơn nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp, hạn chế tới mức thấp nhất các cuộc ngừng việc tập thể, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 20 của BCH Trung ương về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”./.

Bài và ảnh: Xuân Thu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com