Tạo sân chơi bổ ích cho học sinh từ hoạt động ngoại khóa

09:05, 26/05/2015

Hoạt động ngoại khóa trong các nhà trường có vai trò quan trọng giúp học sinh nâng cao hiểu biết về các lĩnh vực của đời sống xã hội, tích lũy thêm kinh nghiệm giao tiếp và hoạt động tập thể. Hoạt động ngoại khóa còn góp phần vào việc giáo dục đạo đức, phát triển năng lực, bồi dưỡng năng khiếu, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động và sẵn sàng tham gia các hoạt động tập thể của học sinh, giúp học sinh từng bước phát triển toàn diện.

Cùng tham dự một buổi sinh hoạt Đội TNTP Hồ Chí Minh của Truờng Tiểu học Nam Mỹ (Nam Trực), chúng tôi thấy được không khí vui nhộn, hào hứng của các em thiếu nhi. Thông qua các chủ đề: Truyền thống nhà trường, kính yêu thầy cô giáo, tìm hiểu về ATGT, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc..., nhà trường lồng ghép vào các hoạt động phù hợp như: tìm hiểu về trường, thi làm đẹp bằng cách trang trí lớp học, thi văn nghệ, thi tiểu phẩm, vẽ tranh, tham gia các trò chơi dân gian… Những hoạt động đó giúp các em thoải mái, nhẹ nhàng sau các tiết học căng thẳng, đồng thời có thêm hiểu biết về Đội, về trường; giáo dục cho các em tình yêu quê hương và các kỹ năng sống. Để hoạt động ngoài giờ lên lớp đạt hiệu quả, ngay từ đầu năm học, nhà trường cùng Liên Đội đã đề ra các kế hoạch cụ thể, theo từng chủ đề của tháng, triển khai đến từng giáo viên để xem xét, lựa chọn nội dung, hình thức hoạt động ngoài giờ cho phù hợp với điều kiện của lớp và trình độ của học sinh. Bên cạnh đó, các hoạt động “chơi mà học, học mà chơi” qua việc tham gia các CLB học tập, nhóm học tập, đôi bạn cùng tiến… đã mang lại cho đội viên niềm ham thích tìm hiểu, học hỏi. Cô giáo Hoàng Thị Dung, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Trong việc giáo dục hoạt động ngoài giờ lên lớp nhà trường đã kết hợp rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Khi giáo viên chủ nhiệm lên kế hoạch cũng như hướng dẫn học sinh thì các em đều tham gia tích cực”. Thông qua các buổi hoạt động ngoài giờ, học sinh có cơ hội tìm hiểu thêm nhiều kiến thức bổ ích, nâng cao chất lượng học tập, đồng thời hình thành và phát triển những kỹ năng cơ bản như: giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng nhận thức, giải quyết vấn đề... Các đội viên trong trường ngày càng tự tin hơn, chất lượng giáo dục ngày càng tăng, tỷ lệ học sinh giỏi năm sau cao hơn năm trước. Hoạt động ngoại khóa không chỉ diễn ra sôi nổi ở các trường tiểu học mà còn ở tất cả các cấp học.

Cô và trò Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (TP Nam Định).
Cô và trò Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (TP Nam Định).

Đối với Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, ở đây không chỉ có phong trào “dạy tốt - học tốt” mà các hoạt động ngoại khóa diễn ra sôi nổi theo từng tuần, từng tháng. Tất cả các khối lớp chuyên đều có chuyên mục riêng về các hoạt động ngoại khóa. Các chuyên mục đều có ý nghĩa thiết thực đối với các em, mang tính chất “vừa học vừa chơi” và rèn kỹ năng sống như: Thi gói bánh chưng vào dịp Tết, chương trình tập làm chiến sĩ đối với học sinh nội trú, hội thảo “bạn, tôi và facebook”, chuyên mục chắp cánh ước mơ với các diễn đàn, các buổi biểu diễn văn nghệ, thời trang hay hành trình về quê hương các nhà văn… Những hoạt động đó đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi để các em vươn lên trong học tập.

Từ nhiều năm qua, hoạt động ngoại khóa trong các nhà trường đã được Sở GD và ĐT triển khai thực hiện trong toàn tỉnh nhằm thu hút học sinh đến trường, giúp các em gắn bó với bạn bè, trường lớp, đồng thời bồi dưỡng nhân cách, đạo đức, kỹ năng sống cho các em. Các hoạt động tập trung vào sinh hoạt VHVN, vui chơi giải trí, TDTT, các hoạt động xã hội như tham gia công tác từ thiện, quỹ nhi đồng, tham gia các CLB, đóng góp ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, làm vệ sinh môi trường, tham quan các làng quê, các di tích lịch sử - văn hóa, qua đó giúp các em nâng cao hiểu biết về đời sống xã hội, giáo dục tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Ngoài ra, nội dung của hoạt động ngoại khóa còn giúp học sinh được tiếp cận khoa học như sưu tầm những bài toán vui, tham gia các cuộc thi tìm hiểu khoa học, tìm hiểu các danh nhân, các nhà khoa học..., giúp các em có sự say mê tìm tòi, có tác dụng kích thích các em học tập tốt hơn... Hình thức chủ yếu của hoạt động ngoại khóa thông qua giờ sinh hoạt lớp, qua các hoạt động tự chọn, qua hình thức sinh hoạt theo chủ điểm… Đặc biệt, từ khi ngành GD và ĐT phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, các nhà trường cũng đã chú trọng tổ chức các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống, các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh cho học sinh. Trong các dịp khai giảng, các trường đều lồng ghép cả phần “lễ” trang trọng, gọn gàng và phần “hội” vui tươi, thoải mái với các trò chơi dân gian, hát dân ca; tổ chức “Lễ tri ân và trưởng thành” cho học sinh lớp 12 để tri ân cha mẹ, thầy, cô giáo và trau dồi đạo đức, rèn luyện kỹ năng ứng xử chuẩn bị cho việc học tập, lao động ở giai đoạn tiếp theo cho học sinh... Bên cạnh đó, các cấp học cũng thường niên tổ chức Đại hội “Cháu ngoan Bác Hồ”, “Liên hoan đàn và hát dân ca”, “Liên hoan các trò chơi dân gian”, “Giai điệu tuổi hồng”, tìm hiểu về ATGT… thu hút học sinh tham gia. Hiện mỗi trường trong tỉnh đều có 1 đội văn nghệ học sinh, 100% số trường đã đưa trò chơi dân gian vào trường học và tổ chức thường xuyên các hoạt động tập thể cho học sinh. Các trường: THCS Nam Hồng, THCS Nghĩa Minh, Tiểu học Nam Toàn (Nam Trực)… còn tập huấn 11 trò chơi dân gian cho giáo viên, tổ chức thi các trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca cho giáo viên, học sinh, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn và tạo niềm phấn khởi cho học sinh. Nhiều nhà trường cũng đã xây dựng mô hình lớp học chủ động, tích cực, sạch sẽ, ngăn nắp; giáo dục trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ trong trường tiểu học thông qua hoạt động nhóm và sao nhi đồng... đồng thời, thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục về bảo vệ, xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp và an toàn. Việc tổ chức cho học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá, cách mạng ở địa phương cũng được ngành quan tâm thực hiện. Toàn ngành đã nhận chăm sóc 490 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 74 di tích lịch sử cấp quốc gia, 119 cấp tỉnh và 299 nghĩa trang liệt sĩ, đền thờ, đài tưởng niệm và 68 gia đình thương binh, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Thông qua hoạt động này, giúp học sinh biết trân trọng lịch sử, hun đúc lòng tự hào dân tộc... Thực hiện đổi mới giáo dục ở bậc tiểu học, ngành GD và ĐT chủ trương giảm dần việc học trong lớp theo kiểu truyền thống, sẽ tăng cường các hoạt động học ngoài lớp với nội dung và hình thức phong phú tại sân trường, thư viện hoặc các phòng chức năng trong trường..., tạo cho các tiết học sinh động, có liên hệ với thực tế và tăng cường kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử trong cuộc sống cho các em.

Các hình thức tổ chức hoạt động ngoại khóa hấp dẫn, phù hợp tâm lý của học sinh sẽ góp phần giáo dục kỹ năng sống cho học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com