Hội Phụ nữ xã Nam Hồng (Nam Trực) có tổng số 2.178 hội viên sinh hoạt ở 21 chi hội. Thời gian qua, Hội Phụ nữ xã đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc.
Từ vốn vay tiết kiệm, chị Trần Thị Sen (bên trái), thôn Hồng Đại, xã Nam Hồng mở cửa hàng kinh doanh, buôn bán nhỏ tại gia đình. |
Để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, hằng năm, Hội Phụ nữ xã đã tiến hành rà soát, lập danh sách hộ gia đình hội viên nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ để xây dựng kế hoạch giúp đỡ. Trên cơ sở đó, phân công mỗi chi hội giúp đỡ từ 1-2 hộ gia đình hội viên nghèo phát triển kinh tế và đề ra chỉ tiêu phấn đấu mỗi năm có từ 1-2 gia đình hội viên vươn lên thoát nghèo. Thực tế cho thấy, các hộ nghèo phần lớn là do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất. Do vậy, Hội Phụ nữ xã đã tích cực phối hợp với HND xã tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật với các nội dung chủ yếu như kỹ thuật gieo mạ, kỹ thuật cấy, cách phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc gia súc, gia cầm… thu hút hàng trăm hội viên tham gia. Từ năm 2014 đến nay, Hội Phụ nữ xã đã phối hợp tổ chức 4 lớp tập huấn; mỗi lớp thu hút khoảng 80 hội viên tham gia giúp hội viên nâng cao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Với đối tượng hộ nghèo thiếu vốn, Hội Phụ nữ xã đã chủ động phối hợp với các ngân hàng: CSXH, NN và PTNT, quỹ TYM... tạo nguồn vốn giúp hội viên có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế, giảm nghèo. Hiện Hội Phụ nữ xã đang quản lý, điều hành gần 800 triệu đồng vốn hộ nghèo hỗ trợ cho 46 hộ vay; trên 1 tỷ đồng vốn hộ cận nghèo hỗ trợ 47 hộ vay; 60 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm hỗ trợ 3 hộ hội viên vay; trên 3 tỷ đồng từ quỹ TYM hỗ trợ cho gần 300 hội viên vay vốn; trên 1 tỷ đồng vốn nước sạch vệ sinh môi trường hỗ trợ cho trên 150 hộ vay. Vốn vay đều sử dụng có hiệu quả như: đầu tư phát triển chăn nuôi, kinh doanh, buôn bán nhỏ và phát triển ngành nghề phụ mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó, các chi hội còn phát động hội viên thực hành tiết kiệm bằng hình thức thành lập các tổ, nhóm tiết kiệm để hỗ trợ hội viên vay không lãi phát triển kinh tế gia đình. Hiện, toàn xã đã thành lập 21 tổ tiết kiệm, trong đó có 2 tổ tiết kiệm bằng tiền; 12 tổ tiết kiệm vàng, 7 tổ tiết kiệm thóc. Ngoài việc triển khai nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, Hội Phụ nữ xã còn vận động hội viên khá giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn hơn về giống, vốn, vật tư nông nghiệp bằng hình thức trả chậm không lãi. Từ đó, nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững. Tiêu biểu như gia đình chị Nguyễn Thị Lụa, thôn Hồng Cát thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm 2007, chồng chị qua đời để lại cho chị 2 cậu con trai đang tuổi ăn học. Mất đi trụ cột trong gia đình, gánh nặng đè lên vai chị. Tần tảo sớm hôm, cày thuê, cuốc mướn, tuy nhiên, cuộc sống của ba mẹ con chị vẫn rơi vào cảnh túng bấn quanh năm. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị, Hội Phụ nữ xã đã đứng ra tín chấp ngân hàng cho chị vay 24 triệu đồng để phát triển kinh tế đồng thời tạo điều kiện cho chị tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật. Có vốn lại nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, chị đầu tư vào chăn nuôi 20 con lợn giống và lợn thịt, 100 con gà công nghiệp thương phẩm. Năm 2012, chị được vay 7 triệu đồng từ quỹ TYM chi nhánh Nam Trực. Cùng với số vốn tích lũy được, chị đầu tư mở một cửa hàng tạp hóa, quần áo. Nhờ bản tính chăm chỉ, cần cù, đến nay, gia đình chị đã có nguồn thu nhập ổn định trên 50 triệu đồng/năm. Không những thoát nghèo, chị còn sửa sang được nhà cửa, nuôi con ăn học. Đến nay, cậu con trai lớn của chị học lớp 11, cậu bé học lớp 9, cả hai cháu đều chăm ngoan học giỏi. Gia đình chị Trần Thị Sen, thôn Hồng Đại ngoài vài sào ruộng, gia đình chị trông chờ vào mô hình chăn nuôi lợn. Tham gia vào tổ tiết kiệm vàng, chị được ưu tiên lấy ngay đợt đầu tiên 1 cây vàng với tổng số tiền tương đương 43 triệu đồng. Chị bàn với chồng xây dựng chuồng trại, mở rộng mô hình chăn nuôi lợn, ban đầu từ 5 con lên tới 40 con cả lợn giống và lợn thịt; đồng thời, gia đình chị còn kinh doanh thêm thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu… Nhờ đó, thu nhập của gia đình chị tăng lên rõ rệt, đạt 100 triệu đồng/năm. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, hằng năm, gia đình chị Trần Thị Sen còn hỗ trợ 70-80 hội viên phụ nữ trong và ngoài xã về thức ăn, vật tư nông nghiệp theo hình thức trả chậm không lãi giúp chị em yên tâm phát triển kinh tế. Đồng chí Phạm Thị Nhân, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Đến nay, 100% hội viên trong xã đã xây được nhà kiên cố với đầy đủ tiện nghi phục vụ cuộc sống gia đình. 100% gia đình hội viên có phương tiện nghe nhìn, con cái có điều kiện học hành; trên 90% gia đình hội viên xây dựng nhà vệ sinh tự hoại, sử dụng nước sạch đảm bảo môi trường, bảo vệ sức khỏe của gia đình và cộng đồng. Đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, hội viên được nâng cao; tình trạng bạo lực gia đình giảm thiểu rõ rệt, góp phần giúp hội viên xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả trong hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ trong xã ngày càng được nâng cao, Hội Phụ nữ xã đã thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc cho hội viên, nhất là những hội viên có hoàn cảnh khó khăn./.
Bài và ảnh: Hoàng Dung