Mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng tại Giao Thủy

08:05, 30/05/2015

Nam Định là một trong số ít tỉnh ven biển có hệ sinh thái biển và ven biển đa dạng bao gồm rừng ngập mặn, các đầm nuôi thủy sản, ngao, vạng ven biển và nhiều khu vực bãi triều, cửa sông. Bên cạnh giá trị về kinh tế - xã hội, hệ sinh thái biển đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, điều tiết khí hậu, giảm xói lở bờ biển. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, hệ sinh thái biển của Việt Nam, trong đó có vùng rừng ngập mặn tại huyện Giao Thủy đang bị suy thoái cả về chất lượng và số lượng, đặc biệt hệ sinh thái rừng ngập mặn đang giảm mạnh, theo đó lượng thủy sản tự nhiên cũng giảm nhanh chóng. Huyện Giao Thủy có bờ biển trải dài qua 9 xã, thị trấn song chỉ có 5 xã thuộc vùng đệm Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy có diện tích rừng ngập mặn, riêng vùng lõi của VQG Xuân Thủy rộng 7.100ha đã và đang được Ban quản lý vườn, cấp ủy, chính quyền các địa phương tập trung quản lý và sử dụng nhằm phát huy những giá trị về lâu dài bảo vệ cuộc sống cho chính cộng đồng người dân ven biển. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) và VQG Xuân Thủy cho thấy, hiện tại khu vực rừng ngập mặn thuộc VQG Xuân Thủy có giá trị tài nguyên thủy sản lên tới 60 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của lao động làm nghề khai thác thủ công các nguồn lợi thủy sản tự nhiên từ rừng đạt 35-40 triệu đồng/năm, lợi nhuận bình quân của các đầm tôm tự nhiên đạt 10-15 triệu đồng/ha/năm. Cá, vây vạng có lợi nhuận khá hơn với khoảng 300 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, rừng ngập mặn còn cung cấp nhiều dược phẩm quý.

Các đầm nuôi ngao vạng tại khu vực vùng đệm VQG Xuân Thủy (Giao Thủy).
Các đầm nuôi ngao vạng tại khu vực vùng đệm VQG Xuân Thủy (Giao Thủy).

Mặc dù lợi ích của rừng là rất lớn cả về giá trị kinh tế đến tự nhiên xã hội, song việc quản lý, khai thác và bảo vệ của các xã và nhân dân có rừng ngập mặn trước đây còn xem nhẹ, nhiều người dân vẫn chưa nhận thức rõ về giá trị của rừng ngập mặn nên đã tự do khai thác, chặt phá rừng một cách bừa bãi dẫn đến xói lở bờ biển, suy thoái hệ sinh thái. Trước thực trạng đó, những năm qua, các cấp, các ngành, các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các địa phương ven biển trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ rừng hiệu quả căn cứ theo đặc điểm địa lý của từng địa phương. Tại huyện Giao Thủy, sau khi học tập rút kinh nghiệm tại các địa phương có rừng ngập mặn trong cả nước như Thái Bình, Hải Phòng đã rút ra được những cách làm phù hợp trong quá trình tuyên truyền và triển khai thực hiện nhằm đem lại hiệu quả thiết thực. Đến nay tại 2 xã Giao Thiện và Giao An, mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn (chính quyền xã và nhân dân cùng quản lý) bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực thông qua việc giao quản lý, trông coi, bảo vệ rừng gắn với khai thác nguồn tài nguyên dưới tán rừng cho nhân dân địa phương. Riêng tại xã Giao An - địa phương làm điểm mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn tại Giao Thủy do Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng MCD tài trợ, sau gần hai năm triển khai đã thu được kết quả bước đầu tích cực. Nếu như trước đây người dân tự do khai thác dưới tán rừng, đến nay địa phương đã giao khoán cho 21 hộ là những người dân bản địa có nhiều năm gắn bó với rừng vì mục đích mưu sinh. Tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Bổng, một trong những hộ nhận khoán với diện tích lớn nhất lên tới hơn 30ha. Theo ông Bổng, từ khi nhận khoán bảo vệ rừng, ông đã dựng chòi trông coi và hằng ngày khai thác thủy sản dưới tán rừng bằng các phương tiện thủ công. Nếu phát hiện những hành vi xâm hại, chặt phá rừng, ông cùng anh em bảo vệ sẽ thông tin tới địa phương và cán bộ kiểm lâm Giao Xuân Hải can thiệp kịp thời. Chính vì vậy, 2 năm qua không còn tình trạng chặt phá rừng, diện tích rừng đã được khép tán, hạn chế tối đa những tác động do biến đổi khí hậu, phát huy vai trò phòng hộ bảo tồn đa dạng sinh học ở khu vực. Cũng chính nhờ mô hình đồng quản lý nên việc đánh bắt thủy sản bằng các phương tiện hủy diệt không diễn ra. Đến nay tại xã Giao An đã lập xong bản đồ hiện trạng quản lý rừng ngập mặn, theo đó các bên có liên quan cùng trách nhiệm trong quản lý bảo vệ phát huy hiệu quả của rừng. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi mà MCD cũng như cấp ủy chính quyền các cấp đang hướng tới vì mục tiêu chống lại biến đổi khí hậu, ngăn nước biển dâng vấn đề quan tâm toàn cầu hiện nay. Ông Nguyễn Văn Công - cán bộ truyền thông của MCD cho biết: việc hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ tại các xã ven biển chủ yếu về phương pháp, cách thức quản lý trước mắt còn về lâu dài thì chính quyền địa phương và các hộ ký hợp đồng nhận khoán có trách nhiệm, do vậy việc nâng cao ý thức tự giác cùng trách nhiệm của các bên phải được đặt lên hàng đầu vì lợi ích và cuộc sống của chính người dân. Là địa phương đi đầu của huyện Giao Thủy trong phong trào trồng rừng ngập mặn ven biển. Với sự giúp đỡ của Hội CTĐ Đan Mạch, nhân dân xã Giao Lạc đã trồng được 165ha cây vẹt vào tháng 4-1997. 3 năm tiếp theo, rừng vẹt nơi đây được mở rộng thêm hơn 182ha, nâng tổng diện tích rừng ngập mặn trong toàn xã lên tới hơn 347ha. Dài gần 3km, rộng hơn 1km, rừng vẹt ở bãi biển Giao Lạc giống như một bức tường xanh chắn sóng, chống sạt lở đê biển. Cùng với 4 xã: Giao Thiện; Giao An; Giao Xuân; Giao Hải, rừng vẹt của Giao Lạc đã góp phần tạo nên một vùng đệm khép kín ven VQG Xuân Thủy.

Mặc dù vậy, ở các xã Giao Lạc, Giao Xuân và một phần của Giao Hải, việc quản lý còn lỏng lẻo, quá trình khai thác dưới tán rừng của nhân dân còn nhiều vấn đề tồn tại thực trạng đầm nuôi trồng thủy sản, ngao, vạng “mọc” giữa rừng ngập mặn xuất hiện rải rác ở xã Giao An, Giao Thiện và phổ biến ở Giao Lạc với diện tích gần 9ha. Phần lớn các chủ đầm ở đây có hộ khẩu ở xã khác, các loại cây trồng rừng ngập mặn có xu hướng bị thu hẹp. Qua nắm bắt và thống kê chưa đầy đủ hiện Giao Lạc có 349 ha, Giao Xuân có 60ha rừng ngập mặn với cây trồng chủ yếu là trang và đước. Việc trông coi bảo vệ rừng chưa được giao cụ thể cho người dân, mà chủ yếu vẫn là do Hội CTĐ xã quản lý. Chính vì vậy, nguyện vọng của các địa phương có rừng trong thời gian tới là tiếp tục tổ chức việc số hóa bản đồ giao khoán rừng cho hộ dân, hạn chế việc khai thác bừa bãi. Đặc biệt cần có sự phối kết hợp giữa VQG Xuân Thủy, Hạt Kiểm lâm, Công an các địa phương tạo hành lang pháp lý trong bảo vệ rừng ngày càng hiệu quả. Từ mô hình điểm tại xã Giao An, các địa phương cần rút kinh nghiệm triển khai tại đơn vị mình sao cho hiệu quả thiết thực nhất. Phấn đấu trong năm 2015, các xã còn lại sẽ tiếp tục áp dụng mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn, bảo vệ hệ sinh thái, lá phổi xanh cho chính chúng ta./.

Bài và ảnh: Vũ Hoàng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com