Những năm qua, cùng với việc chú trọng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm chú trọng đến công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN), cải thiện môi trường làm việc. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp, người lao động chưa quan tâm đầu tư đúng mức và chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATVSLĐ-PCCN.
Người lao động tại Cty TNHH Đông Nam, xã Xuân Tiến (Xuân Trường) luôn sử dụng đầy đủ bảo hộ lao động cá nhân khi sản xuất. |
Nhằm đẩy mạnh công tác ATVSLĐ-PCCN, hằng năm, UBND tỉnh đều kiện toàn BCĐ Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN tỉnh, xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về ATVSLĐ như: Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động; chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN. Năm 2015 là năm thứ 17 tổ chức Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN, với chủ đề: “Mỗi doanh nghiệp, người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp và xã hội”, BCĐ Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, treo băng rôn, khẩu hiệu, pa-nô, áp phích; tổ chức các cuộc thi, tọa đàm, hội thảo về công tác ATVSLĐ-PCCN. Toàn tỉnh đã tổ chức 10 cuộc thi tìm hiểu về ATVSLĐ-PCCN thu hút trên 600 người tham gia; 32 cuộc tọa đàm, 8 cuộc hội thảo, đăng tải hàng trăm tin, bài, phóng sự về công tác ATVSLĐ; kẻ vẽ, chăng treo 3.650 pa-nô, khẩu hiệu, băng rôn, áp phích tại trung tâm các huyện, thành phố, các khu, CCN, làng nghề; biên soạn, phát hành hơn 23.600 tờ gấp hướng dẫn thực hiện công tác ATVSLĐ cho doanh nghiệp và người lao động. Trong Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN, các ngành chức năng, các huyện, thành phố và một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực có yêu cầu cao về ATVSLĐ-PCCN đã tổ chức 34 cuộc mít tinh hưởng ứng thu hút gần 3.000 người tham gia. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của người sử dụng lao động cũng như người lao động trong việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ-PCCN. Cùng với công tác tuyên truyền, các ngành chức năng, các huyện, thành phố tăng cường phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ-PCCN; tập huấn, huấn luyện cho người lao động về công tác ATVSLĐ-PCCN. Tính đến hết tháng 4-2015, toàn tỉnh đã tổ chức tập huấn cho 223 cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ của các doanh nghiệp về xây dựng, triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN; tập huấn cho 786 chủ sử dụng lao động và cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ của doanh nghiệp về công tác ATVSLĐ-PCCN; tập huấn, huấn luyện các quy định, kỹ năng thực hiện ATVSLĐ-PCCN cho 19.854 người lao động; tổ chức 55 cuộc thao diễn kỹ thuật PCCC, với 8.666 người tham gia. Qua đó đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động đối với công tác ATVSLĐ-PCCN; tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ-PCCN bảo đảm an toàn, sức khoẻ tại nơi làm việc cho người lao động. Các doanh nghiệp đều củng cố, kiện toàn Hội đồng bảo hộ lao động, mạng lưới an toàn viên; xây dựng, triển khai kế hoạch bảo hộ lao động, các biện pháp ATLĐ-PCCN, cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Các doanh nghiệp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, đôn đốc, nhắc nhở người lao động thực hiện nghiêm các quy định về ATVSLĐ-PCCN, sử dụng đầy đủ bảo hộ lao động cá nhân khi làm việc; trang bị bảo hộ lao động cá nhân cho người lao động theo yêu cầu công việc, nhất là đối với người lao động làm việc trong điều kiện có các yếu tố nguy hiểm, độc hại; bổ sung các phương tiện, thiết bị ATVSLĐ-PCCN như: máy thông gió, làm mát, hút bụi, đèn chiếu sáng, bình bọt chữa cháy… Riêng trong Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN đã có 858 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tự tổ chức kiểm tra công tác ATVSLĐ-PCCN tại khu vực sản xuất, kinh doanh, 81 doanh nghiệp tiến hành đo kiểm môi trường lao động, kịp thời phát hiện, khắc phục các thiếu sót, hạn chế tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 32.315 lao động, tổ chức thăm hỏi, động viên 93 cá nhân và gia đình người bị tai nạn lao động, người bị bệnh nghề nghiệp có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác ATVSLĐ-PCCN trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vẫn còn tồn tại những bất cập. Một số người sử dụng lao động, người lao động chưa thực sự quan tâm đến công tác ATVSLĐ-PCCN, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ-PCCN. Việc lập hồ sơ theo dõi về công tác ATVSLĐ-PCCN chưa đầy đủ, công tác đảm bảo an toàn điện trong sản xuất chưa được quan tâm đúng mức. Ở một số làng nghề, người lao động phải làm việc trong điều kiện tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tuy đã được quan tâm phòng ngừa nhưng diễn biến khá phức tạp. Trong quý I-2015, toàn tỉnh vẫn xảy ra 91 vụ tai nạn lao động, làm 3 người bị thương nặng (không có người chết). Để khắc phục những tồn tại trên, các cấp, các ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động trong việc thực hiện ATVSLĐ-PCCN; hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện kỹ năng ATVSLĐ, diễn tâp các phương án PCCC cho người lao động. Hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp xây dựng, triển khai kế hoạch ATVSLĐ-PCCN và tự kiểm tra, phát hiện, khắc phục kịp thời các thiếu sót. Tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác ATVSLĐ-PCCN tại các doanh nghiệp để kịp thời phát hiện những sai sót, kiến nghị các doanh nghiệp khắc phục nhằm phòng, tránh tai nạn lao động, cháy nổ; nghiêm khắc xử lý đối với các trường hợp cố tình vi phạm./.
Bài và ảnh: Minh Tân