Đâu phải là "giao thoa" văn hóa (?)

09:05, 15/05/2015

Với nhiều người dân thôn Thị, đám tang mẹ anh Vân tổ chức thật “hoành tráng” (!). Là một chủ doanh nghiệp tư nhân trên tỉnh, được tiếng là người thành đạt nên anh Vân cũng có ý tổ chức tang lễ của mẹ khác với đám tang khác ở quê cho tương xứng với “danh phận” và cũng là để tỏ lòng hiếu đễ với bậc sinh thành. Bên cạnh bàn thờ mẹ, anh cho dựng bàn thờ Phật với đủ lệ bộ, đồ lễ các loại, hương nến, mời nhà sư có tiếng đến cúng; đồng thời cắt cử người nhà hướng dẫn những người đến viếng thắp hương vái lạy Phật trước khi làm lễ với người quá cố. Còn về ban nhạc lễ, anh nhờ người thuê một đội “bát âm” có tiếng trên thành phố với đủ tám loại nhạc cụ mới thể hiện được tròn đầy âm sắc các giai điệu bi ai trong tang lễ truyền thống để có sức lay động lòng người. Anh còn thuê một ban kèn Tây gồm hơn hai chục tay kèn trong lễ phục màu trắng, xếp hàng đôi sau linh cữu mẹ. Sau lễ truy điệu, trong khoảng nửa giờ, ban kèn Tây lần lượt thể hiện các giai điệu và ca khúc mang âm hưởng bi ai để đưa tiễn mẹ…

Thông thường, các đám tang ở thôn Thị xưa nay đều tổ chức đơn giản, chú trọng ở lòng thành, thể hiện sự hiếu nghĩa, tình cảm của con cháu và cộng đồng đối với người đã khuất. Bởi vậy, việc anh Vân tổ chức đám tang cho mẹ theo kiểu “khác người” đã trở thành “tâm điểm” cho những lời đàm tiếu của dân làng. Ông Thái, một nhà giáo nghỉ hưu vốn kiệm lời, rất ghét chuyện thị phi giờ lên tiếng trước: “Bà mẹ anh Vân xưa nay có theo đạo Phật đâu mà gia đình bày bàn thờ Phật trong tang lễ? Mà bà có phải là người Công giáo đâu mà mời ban kèn Tây? Thật chẳng ra làm sao!”. Thấy thái độ ông Thái có vẻ gay gắt, ông Lân từng là cán bộ Phòng Văn hóa huyện bèn dung hoà: “Thôi thì nghĩa tử là nghĩa tận! Những việc anh Vân làm trong đám tang mẹ cũng là để thể hiện lòng hiếu thảo với bậc sinh thành. Ở một góc độ khác, ta cũng nên nhìn nhận đó là sự giao thoa văn hóa”. Ông Thái cự lại: “Ông nói giao thoa văn hóa trong đám tang mẹ anh Vân vừa qua chỉ là bao biện. Chỉ biết rằng, trong đám tang này, những chuẩn mực về đạo đức luân lý, thẩm mỹ trong tập tục mà cộng đồng thôn đã xây dựng từ bao đời nay đã được quy định trong hương ước, quy ước Nếp sống văn hóa, giờ bị đảo lộn là không thể chấp nhận được”.

Câu chuyện và những lời đàm tiếu về việc anh Vân tổ chức đám tang cho mẹ của người dân thôn Thị rồi cũng dần quên đi theo thời gian. Tuy nhiên, trong cuộc sống hôm nay, vẫn còn có những người có điều kiện về kinh tế vì muốn thể hiện mình đã có những việc làm “khác người” thông qua việc tổ chức tang lễ cho cha mẹ rình rang, tốn kém, phản văn hóa. Họ đâu có biết rằng những việc làm đó thể hiện sự thiếu hiểu biết về văn hóa, bị cộng đồng lên án, cho là “Trưởng giả học làm sang” chứ đâu phải là sự giao thoa văn hóa (!)./.

Đức Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com