Chấn chỉnh hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ

09:05, 05/05/2015

Những năm gần đây, nhiều trung tâm, cơ sở ngoại ngữ, tin học trên địa bàn tỉnh đã được thành lập. Để thu hút người học, các cơ sở đã xây dựng và trang trí mặt tiền khá hoành tráng và bắt mắt, với nhiều quảng cáo hấp dẫn như: đạt chuẩn quốc tế, giáo viên nước ngoài, nhiều học sinh đã đoạt giải trong các kỳ thi… Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định về tổ chức đào tạo, kiểm tra, cấp chứng chỉ ngoại ngữ tại một số trung tâm, cơ sở ngoại ngữ còn chưa được coi trọng. Có đơn vị tổ chức liên kết đào tạo không đúng chức năng, không đảm bảo chất lượng; một số đơn vị tổ chức các khóa đào tạo, cấp chứng chỉ không đúng theo quy định.

Giờ học của một Trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn Thành phố Nam Định.
Giờ học của một Trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn Thành phố Nam Định.

Toàn tỉnh hiện có 15 trung tâm, cơ sở đào tạo ngoại ngữ do Sở GD và ĐT quản lý, trong đó 7 trung tâm giáo dục thường xuyên, 4 trung tâm thuộc các trường đại học, cao đẳng, 4 trung tâm của các đơn vị khác có chức năng đào tạo và cấp chứng chỉ ngoại ngữ. Nhiều cơ sở đã quan tâm đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy và học. Đa số các đơn vị đã chủ động xây dựng và đăng ký với Sở GD và ĐT chương trình đào tạo đảm bảo chuẩn kiến thức, giúp học viên tham dự các kỳ kiểm tra cấp chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A, B; các kỳ thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh theo “khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam”. Các trung tâm, cơ sở ngoại ngữ xây dựng các chương trình tiếng Anh giao tiếp phù hợp với thực tế cho học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau... Bên cạnh các trung tâm được cấp phép, nhiều trung tâm, các đơn vị liên kết khác được mở ra trên địa bàn tỉnh, nhất là ở thành phố và các thị trấn đáp ứng nhu cầu học tập của mọi đối tượng học viên. Tuy nhiên, một số trung tâm, cơ sở ngoại ngữ chạy theo lợi nhuận, không chú trọng tới chất lượng đào tạo, việc tổ chức giảng dạy ở một số đơn vị chưa đa dạng, phong phú. Có cơ sở quảng cáo học phí thấp, nhưng chỉ hoạt động được vài năm đã đóng cửa vì không tuyển được học sinh; có lớp học ban đầu học viên đông, sau chỉ còn một nửa do chất lượng đào tạo kém. Có trung tâm quảng cáo 100% giáo viên là người nước ngoài, nhưng khi đến học thì phần lớn giáo viên không phải người bản địa nói tiếng Anh (Anh, Mỹ) mà là người của các nước Xinh-ga-po, Thái Lan, Phi-líp-pin… Có trung tâm đăng ký hoạt động theo mô hình CLB để tăng cường khả năng giao tiếp tiếng Anh, ghi rõ 30% thời lượng tiết học là người bản địa nói tiếng Anh nhưng hầu như đều không đáp ứng đủ lượng tiết học và mô hình dạy vẫn theo lớp học đơn thuần chứ không có nhiều chương trình hoạt động theo mô hình CLB. Phần lớn học viên của các trung tâm này đều là học sinh, sinh viên từ bậc tiểu học đến cao đẳng, đại học và một bộ phận người lớn có nhu cầu được rèn kỹ năng giao tiếp để đi nước ngoài hoặc làm việc ở các đơn vị có liên quan đến người nước ngoài. Bên cạnh đó, các trung tâm còn tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ A, B cho học viên. Trong năm học vừa qua, riêng với các trung tâm giáo dục thường xuyên đã tổ chức giảng dạy và thi cấp chứng chỉ chương trình A tiếng Anh cho 1.607 học viên. Các trung tâm khác cũng tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ cho hàng trăm học viên. Xuất phát từ nhu cầu khi các đơn vị tuyển dụng lao động thường yêu cầu trong hồ sơ xin việc phải có chứng chỉ ngoại ngữ đã dẫn đến tình trạng nhiều người đi “mua” chứng chỉ để đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Chị Lan Anh, nhà ở đường Phù Nghĩa (TP Nam Định) dự định nộp hồ sơ xin việc vào làm nhân viên tại một Cty tại Hà Nội. Theo yêu cầu của nhà tuyển dụng, chị đến một trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn Thành phố Nam Định đăng ký khóa học để đạt trình độ A. Tuy nhiên, khi đến đăng ký, trung tâm lại “bày” cho chị con đường rất ngắn chỉ trong có 5 ngày sẽ có được chứng chỉ mà không cần phải học, bằng cách nộp 500 nghìn đồng và ngồi chép một bài thi có sẵn để trung tâm lưu vào hồ sơ. Chị cho biết, tại đây nếu có nhu cầu gấp hơn thì chỉ cần một ngày cũng có được chứng chỉ và đương nhiên chi phí sẽ phải cao hơn. Anh T, người quản lý trung tâm còn quảng cáo tại đây đã cấp nhiều chứng chỉ B cho công chức, cán bộ xã, phường có nhu cầu để đáp ứng yêu cầu công tác. Theo quy định, việc đào tạo, cấp chứng chỉ ngoại ngữ phải tuân theo các quy định của Bộ GD và ĐT, phải mở lớp học và thành lập hội đồng thi, chấm thi để công nhận kết quả học tập. Việc cấp chứng chỉ không qua đào tạo và thi là trái với quy định của pháp luật.

Trong những năm qua, việc quản lý, chỉ đạo đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ của các trung tâm trực thuộc Sở GD và ĐT đi vào nền nếp. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định về tổ chức đào tạo, kiểm tra, cấp chứng chỉ ngoại ngữ tại một số trung tâm, cơ sở ngoại ngữ còn chưa được coi trọng. Có những đơn vị tổ chức liên kết đào tạo không đúng chức năng, không đảm bảo chất lượng, trình độ ngoại ngữ của học viên qua đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị tuyển dụng; một số đơn vị đã tự in phôi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ không theo quy định của Bộ GD và ĐT. Để chấm dứt tình trạng này, Bộ GD và ĐT đã yêu cầu Sở GD và ĐT chủ trì, phối hợp với các ban, ngành có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định hiện hành về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, hoạt động đào tạo, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học ứng dụng của tất cả các trung tâm đang hoạt động trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của Sở GD và ĐT. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các trung tâm hoạt động hiệu quả, đồng thời kiên quyết xử lý những trung tâm vi phạm các quy định hiện hành. Riêng đối với việc tổ chức các kỳ thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh theo “Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam”, các đơn vị tổ chức các kỳ thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, các Sở GD và ĐT, trường đại học, cao đẳng không được tự in phôi chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi chưa có văn bản ủy quyền của Bộ trưởng Bộ GD và ĐT. Bên cạnh đó, Bộ GD và ĐT cũng đề nghị các Sở GD và ĐT, trường đại học, cao đẳng thực hiện nghiêm túc việc công bố công khai thông tin về danh sách học viên được cấp chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của đơn vị; thông tin phải được cập nhật và lưu trữ, đồng thời phải tổng hợp tình hình hoạt động hằng năm của các trung tâm và báo cáo về Bộ GD và ĐT./.

Bài và ảnh: Thảo Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com