Thực hiện Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh”, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Văn hóa - Xã hội (VH-XH) HĐND tỉnh đã tăng cường công tác giám sát, kịp thời phát hiện những vướng mắc để đề xuất giải pháp tháo gỡ. Qua đó đã tác động tích cực trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động ở các địa phương, đơn vị, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong hoạt động giám sát thường xuyên, Ban VH-XH HĐND tỉnh đã tăng cường các hoạt động giám sát, khảo sát tại cơ sở. Với nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề trọng tâm, được dư luận xã hội quan tâm như: Tình trạng nợ đọng, chậm nộp BHXH tại các doanh nghiệp; Chất lượng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về dạy nghề lao động nông thôn; Việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở; Việc dạy thêm, học thêm; Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân… Trong quá trình giám sát, Ban VH-XH đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của tỉnh và các địa phương xem xét thấu đáo vấn đề được giám sát dưới góc độ chuyên môn để tìm ra những giải pháp khả thi tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, khảo sát thực địa, tiếp xúc trực tiếp với cử tri ở địa bàn có liên quan đến nội dung giám sát để lắng nghe ý kiến phản ánh, góp ý của cử tri. Thông qua hoạt động giám sát, Ban VH-XH đã phát hiện nhiều hạn chế thiếu sót, kịp thời kiến nghị, đề xuất đến các ngành, các cấp để điều chỉnh, giúp HĐND, UBND cùng cấp tăng cường các biện pháp chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ đề ra. Đối với hoạt động thẩm tra báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp, trước mỗi kỳ họp Ban VH-XH HĐND tỉnh đều có chương trình làm việc với UBND, TAND, Viện KSND 2 cấp và các sở, ngành có liên quan. Trong quá trình giám sát, Ban VH-XH HĐND tỉnh luôn tuân thủ các nguyên tắc theo quy định của pháp luật và thẩm quyền, bày tỏ chính kiến từng vấn đề cụ thể đối với các nội dung được phân công thẩm tra. Do đó các kiến nghị, đề xuất của Ban VH-XH đều có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu thực tế, giải quyết được những vấn đề cấp bách và bức xúc trong nhân dân. Cụ thể tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII qua việc thẩm tra các báo cáo, tờ trình, Ban VH-XH đã nêu những khó khăn, hạn chế trên các lĩnh vực VH-XH như: Cán bộ làm công tác bảo trợ xã hội, cộng tác viên dân số gia đình và trẻ em ở cơ sở còn thiếu về số lượng và yếu về trình độ, năng lực. Việc xây dựng cơ chế quản lý lễ hội, quản lý di tích theo kết luận tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh đã được triển khai nhưng còn lúng túng, chưa tìm được các giải pháp lâu dài, đặc biệt là xử lý các nguồn thu từ lễ hội. Các dự án tôn tạo, sửa chữa di tích vẫn không đảm bảo tiến độ, gây băn khoăn trong quần chúng nhân dân. Tình trạng lao động trong một số doanh nghiệp không được đóng BHXH, BHYT chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Tiến độ giải quyết chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở tại một số địa phương còn chậm. Tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân không đạt kế hoạch, nhất là BHYT tự nguyện. Cơ sở vật chất các bệnh viện tuyến tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân, tình trạng khám, chữa bệnh vượt tuyến cao. Tình trạng dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường trên địa bàn Thành phố Nam Định còn nhiều; chưa có định hướng cụ thể về các khoản thu tự nguyện của hội cha mẹ học sinh trong nhà trường… Ban VH-XH đã kiến nghị những giải pháp khắc phục như: HĐND, UBND tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp căn cơ cho công tác quản lý di tích, quản lý lễ hội. Bố trí nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, nhất là dự án Văn hóa Trần và một số di tích lịch sử cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh. Quan tâm đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM bền vững. Đẩy nhanh tiến độ các dự án cải tạo bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện. Có kế hoạch cụ thể đưa nhanh việc ứng dụng kỹ thuật cao, trang thiết bị y tế hiện đại vào khám, chẩn đoán và điều trị bệnh cho nhân dân. Tăng cường giáo dục y đức cho đội ngũ thầy thuốc. Tích cực tuyên truyền vận động nhân dân, học sinh, sinh viên tham gia BHYT, phấn đấu thực hiện mục tiêu đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ BHXH và giải quyết chế độ cho người lao động tại các doanh nghiệp. Kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhân dân… Các ý kiến, kiến nghị của Ban VH-XH HĐND tỉnh nêu đều được UBND tỉnh và các sở ngành, các địa phương tiếp thu giải quyết.
Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh giám sát công tác quản lý Nhà nước về thiết bị dạy học trong các cơ sở giáo dục công lập tại Trung tâm Kỹ thuật, tổng hợp hướng nghiệp tỉnh. |
Trong hoạt động giám sát chuyên đề, hằng năm căn cứ chương trình giám sát, Ban VH-XH HĐND tỉnh lựa chọn những vấn đề nổi cộm được dư luận quan tâm để tập trung giám sát. Cụ thể như: Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; công tác quản lý Nhà nước về thiết bị dạy học trong các cơ sở giáo dục công lập; việc thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh; thực hiện quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước. Qua giám sát, Ban VH-XH đã chỉ ra những tồn tại, khó khăn của các đơn vị, qua đó kiến nghị đối với các đơn vị để có biện pháp khắc phục. Cụ thể, tại cuộc giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 12/2012/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về Quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, Ban VH-XH đã kịp thời kiến nghị một số vấn đề như: Việc áp dụng mức giá dịch vụ với mức bình quân bằng 62% của Thông tư liên tịch số 04 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính, chưa đủ sức tạo sự thay đổi rõ nét đối với toàn bộ hệ thống là các bệnh viện tuyến huyện. Mặt khác, lộ trình đưa ra 100% chi phí khám, chữa bệnh vào viện phí đã tới gần, do đó UBND tỉnh cần tiếp tục điều chỉnh tăng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đạt mức bình quân 80-85% theo Thông tư liên tịch số 04 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính. Đồng thời chú ý bổ sung kịp thời những dịch vụ kỹ thuật mới vào danh mục đảm bảo thuận lợi cho các cơ sở y tế. Các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách BHYT, tiến tới thực hiện BHYT toàn dân. Ngành Y tế cần tích cực cải cách hành chính, giáo dục y đức cho đội ngũ y, bác sĩ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. BHXH tỉnh nghiên cứu đề xuất nâng mức trần thanh toán BHYT cho các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của tỉnh phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để nâng cao quyền lợi cho bệnh nhân và cơ sở khám, chữa bệnh… Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban VH-XH HĐND tỉnh đã thực hiện giám sát 6 chuyên đề với 56 cuộc giám sát tại các địa phương, đơn vị.
Với những kết quả đạt được, hoạt động giám sát của Ban VH-XH HĐND tỉnh đã bắt nhịp với những yêu cầu đặt ra từ thực tiễn cuộc sống và phát huy tác dụng trong việc nâng hiệu lực quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền, góp phần thúc đẩy sự nghiệp VH-XH trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng