Hiện nay, tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đọng BHXH trên địa bàn tỉnh diễn ra khá phổ biến với số tiền nợ của doanh nghiệp đối với người lao động lên tới hàng chục tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc quyền lợi chính đáng của người lao động đang bị xâm phạm. Anh Nguyễn Văn Lưu, quê huyện Bình Lục (Hà Nam) làm việc tại một Cty CP ở Thành phố Nam Định bị tai nạn giao thông trên đường đi làm, phải phẫu thuật, điều trị chi phí gần 50 triệu đồng. Do Cty nợ BHXH, hơn 3 năm nay không có thẻ BHYT nên anh không được hưởng các chế độ BHYT, BHXH theo quy định. Đây là một trong số hàng trăm trường hợp người lao động ở tỉnh ta đã và đang phải chịu thiệt thòi do doanh nghiệp nợ đọng BHXH.
Trước xu hướng nợ đọng BHXH ngày càng gia tăng cả về số đơn vị sử dụng lao động và tổng số tiền nợ đọng, BHXH tỉnh đã thực hiện công khai danh sách các đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp nợ đọng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mặt khác, BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thành phố đã tích cực đôn đốc thu song kết quả còn thấp. Nguyên nhân do tình hình kinh tế - xã hội thời gian qua gặp nhiều khó khăn, sản xuất đình đốn khiến các doanh nghiệp không có khả năng đóng BHXH. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều đơn vị chưa quan tâm đến quyền lợi của người lao động, nhất là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trốn tránh tham gia hoặc tham gia không đầy đủ BHXH, BHYT bắt buộc cho người lao động theo Luật BHXH. Theo số liệu khảo sát năm 2014, toàn tỉnh vẫn còn 688 đơn vị được cấp giấy phép hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hơn 16 nghìn lao động nhưng chưa tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt hành vi vi phạm pháp luật về BHXH chưa đủ mạnh, mức xử phạt thấp, thủ tục xử phạt phức tạp. Theo Luật BHXH, người sử dụng lao động vi phạm luật sẽ bị xử phạt hành chính và buộc phải nộp đủ, đúng số tiền còn thiếu theo quy định, cộng với tiền lãi ngân hàng số tiền nộp chậm; nếu vi phạm với số lượng lớn, thời gian dài có thể bị khởi kiện tại tòa án dân sự. Tuy nhiên, thủ tục khởi kiện phức tạp, một số doanh nghiệp thiếu hợp tác, gây khó khăn, việc chấp hành quyết định xử phạt chưa nghiêm. Cơ chế phạt chậm trả BHXH thấp hơn so với lãi vay ngân hàng nên một số doanh nghiệp mặc dù có điều kiện đóng BHXH cho người lao động nhưng lại tận dụng nguồn kinh phí này để sản xuất, kinh doanh và chấp nhận chịu phạt chậm nộp. Trong khi đó, cơ quan BHXH không được giao chức năng thanh tra và xử phạt các đơn vị vi phạm, do đó khi kiểm tra, phát hiện các đơn vị vi phạm chỉ được phép nhắc nhở. Chính vì vậy, tình trạng nợ đọng dây dưa, kéo dài đang trở thành phổ biến ở các doanh nghiệp. Tính đến ngày 31-3-2015, tổng số nợ BHXH ở các doanh nghiệp trong tỉnh là trên 35 tỷ đồng. Trong đó có nhiều đơn vị nợ thời gian kéo dài với tổng tiền nợ (bao gồm cả lãi) lớn như: Cty CP Xây lắp I Nam Định nợ 63 tháng với tổng số tiền trên 3,3 tỷ đồng, Cty CP Thương mại tổng hợp Nam Định nợ 79 tháng với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng, Cty CP Comma 19 nợ 68 tháng với tổng số tiền trên 2,5 tỷ đồng, Cty CP May Nam Hải nợ 33 tháng với tổng số tiền trên 3,6 tỷ đồng… Tình trạng nợ đọng BHXH đã gây khó khăn và thiệt hại không nhỏ cho người lao động khi cơ quan BHXH xem xét, giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp… Trước thực tế này, BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thành phố đã tăng cường các biện pháp để giảm thiểu tối đa việc nợ đọng tiền BHXH của các đơn vị như: tính lãi suất nộp chậm, cử cán bộ chuyên quản thường xuyên bám sát đơn vị sử dụng lao động đôn đốc, vận động, giải thích để các đơn vị hiểu và thực hiện đóng nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; rà soát, phân loại các đơn vị nợ đọng để có kế hoạch xử lý cụ thể với từng đơn vị. BHXH tỉnh đang thống kê các doanh nghiệp có số nợ lớn, thời gian nợ đọng kéo dài, xây dựng kế hoạch, biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, tổ chức kiểm tra và thực hiện việc khởi kiện đơn vị nợ đọng BHXH ra toà.
Để hạn chế tiến tới giải quyết triệt để tình trạng nợ đọng, BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thành phố cần duy trì báo cáo định kỳ với các cấp uỷ Đảng, chính quyền về tình hình thực hiện thu nộp BHXH, BHYT trên địa bàn; tham mưu với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp để tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH tại các đơn vị sử dụng lao động. Đối với các đơn vị chưa đóng, chậm đóng, đóng không đủ số người, cơ quan BHXH phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, đôn đốc việc thu - nộp, thực hiện tính lãi chậm đóng theo đúng quy định. Bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các đơn vị sử dụng lao động thực hiện tốt chính sách BHXH cho người lao động, BHXH tỉnh tiếp tục phát huy vai trò của tổ thu nợ, tập trung rà soát lại các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng kéo dài để nắm bắt nguyên nhân nợ là do phá sản, làm ăn thua lỗ hay vì lý do nào khác, từ đó có biện pháp xử lý phù hợp. Tìm giải pháp giải quyết số nợ tồn đọng và phát sinh gắn với việc giải quyết kịp thời chế độ chính sách cho người lao động tại các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác thu nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đối với các đơn vị, doanh nghiệp cố tình vi phạm, BHXH tỉnh sẽ khởi kiện ra toà nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của luật pháp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động; đồng thời yêu cầu chủ sử dụng lao động phải có cam kết về lộ trình trả nợ cụ thể. Tới đây, khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016 giao quyền thanh tra việc đóng BHXH cho cơ quan BHXH cùng với thanh tra chuyên ngành LĐ-TB và XH sẽ thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thu tiền đóng BHXH. Luật cũng sẽ góp phần hạn chế tình trạng nợ đọng với việc bổ sung một số nội dung nhằm tăng tính tuân thủ pháp luật về BHXH như: Bổ sung quyền của tổ chức công đoàn khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tăng mức lãi đối với số tiền chậm đóng BHXH lên bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền chậm đóng./.
Lam Hồng