Trong những năm qua, hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã tạo thuận lợi cho người dân, đặc biệt là người lao động không có điều kiện học tập chính quy và người nghèo có cơ hội học tập. Mô hình học tập này đã góp phần phổ biến các kiến thức khoa học - kỹ thuật nuôi, trồng các loại cây, con... đến với người dân được kịp thời, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, xây dựng đời sống văn hóa ở từng gia đình, cộng đồng… Trung bình mỗi năm, đã có hàng nghìn lượt người dân ở các địa phương trong tỉnh được tiếp cận, thụ hưởng các chương trình bồi dưỡng nâng cao hiểu biết, kỹ năng lao động sản xuất và chất lượng cuộc sống. Trong năm học vừa qua, toàn tỉnh có 179.383 lượt người tham gia 2.897 lớp học tập xóa mù chữ và các chuyên đề thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, y tế, pháp luật, chăm sóc sức khoẻ phụ nữ, trẻ em, thực hiện ATGT, phòng, chống tệ nạn xã hội... Một số trung tâm HTCĐ còn tổ chức CLB dưỡng sinh, các hoạt động xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, kết hợp với hoạt động của Hội Khuyến học trong khuyến học, khuyến tài, khuyến khích xây dựng “Gia đình hiếu học’’, “Dòng họ khuyến học’’, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, vấn đề giới và bình đẳng giới, tổ chức các phong trào văn nghệ, TDTT giữa các địa phương. Các trung tâm HTCĐ cũng đã góp phần duy trì kết quả xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau biết chữ cho những người trong độ tuổi lao động, nâng cao tỷ trọng và tỷ lệ phổ cập tiểu học của các địa phương, nhất là các huyện ven biển…
Nhân dân xã Giao Long (Giao Thủy) trong một buổi học tập chuyên đề tại Trung tâm HTCĐ của xã. |
Tuy nhiên, quá trình hoạt động của các trung tâm HTCĐ đã và đang bộc lộ nhiều bất cập. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở và cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò quan trọng của trung tâm HTCĐ nên chưa tích cực quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Hình thức tổ chức học tập ở một số nơi còn đơn điệu, nội dung chưa thực sự phù hợp với nhu cầu người học. Nhiều trung tâm HTCĐ còn lúng túng, khó khăn trong việc xác định nội dung, phương thức hoạt động nên số người đi học chưa nhiều, hiệu quả đạt được thấp. Đội ngũ giảng viên của các trung tâm tuy đông về số lượng, nhiệt tình với công việc nhưng phương pháp giảng dạy còn hạn chế, trong khi đó công tác kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động của trung tâm HTCĐ chưa thường xuyên, còn thiên về làm phong trào, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập của nhân dân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có nguyên nhân do nguồn kinh phí hoạt động của các trung tâm HTCĐ còn quá eo hẹp; trong khi để tổ chức các lớp học, các trung tâm phải mua tài liệu, đầu tư trang thiết bị, mời cán bộ kỹ thuật về dạy... Công tác quản lý trung tâm còn nhiều bất cập, vừa yếu về trình độ, nhiều nơi còn kiêm nhiệm lại chưa thật sự yên tâm vì chế độ phụ cấp quá ít... Cơ sở vật chất của các trung tâm phần lớn là mượn tạm hội trường của UBND xã và HTX; các trang thiết bị, tài liệu phục vụ học tập theo các chuyên đề đều thiếu. Những địa phương có nguồn ngân sách khá thì trung tâm HTCĐ được hỗ trợ thêm kinh phí để tổ chức các lớp học, nhưng cũng chỉ đủ để trả thù lao cho giáo viên chứ không thể đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và liên kết mở rộng ngành nghề... phục vụ cho phát triển kinh tế tại địa phương nên các chương trình học tập của trung tâm còn nghèo nàn, đơn điệu... Trong khi đó, nhu cầu được tiếp cận với các kiến thức khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất, chăn nuôi của người dân là rất lớn.
Để tháo gỡ khó khăn cho các trung tâm HTCĐ, từ năm 2014 đến nay, ngành GD và ĐT đã tích cực phối hợp với Hội Khuyến học các cấp làm tốt công tác tuyên truyền về sự cần thiết của việc cập nhật kiến thức, học tập các chuyên đề phát triển kinh tế - xã hội đến người dân. Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các trung tâm HTCĐ cũng được củng cố, được quan tâm hơn về cơ sở vật chất, các hoạt động có nội dung thiết thực, thể hiện xu hướng xây dựng xã hội học tập. Các Phòng GD và ĐT đã tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên, cập nhật kiến thức kỹ năng, chuyển giao công nghệ, giáo dục pháp luật và giáo dục sức khoẻ cho nhân dân. Trong học kỳ I năm học 2014-2015, toàn tỉnh đã huy động được 131.789 lượt người đến học các chuyên đề tại các trung tâm HTCĐ. Bên cạnh đó, các Phòng GD và ĐT đã tham mưu với các xã, phường, thị trấn kiện toàn ban giám đốc các trung tâm HTCĐ và chọn cử những cán bộ có trình độ nghiệp vụ chuyên môn, có kinh nghiệm, nhiệt tình về giảng dạy các lớp chuyên đề. Từ năm 2014 đến nay, đã có 229 giáo viên THCS và tiểu học được điều động biệt phái sang công tác tại trung tâm HTCĐ ở các xã, phường, thị trấn để cùng với ban giám đốc các trung tâm làm công tác hồ sơ sổ sách, điều tra phổ cập và tổ chức các lớp chuyên đề. Với nguồn kinh phí hỗ trợ 2 tỷ 290 triệu đồng từ Sở GD và ĐT, các trung tâm HTCĐ đã được trang bị thêm bàn, ghế, tủ sách, máy tính, máy in, loa đài... Trong học kỳ I vừa qua, các trung tâm đã được cung cấp thêm các loại sách tham khảo dùng trong trung tâm HTCĐ với tổng kinh phí 200 triệu đồng. Sở GD và ĐT tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, hội… liên quan tổ chức biên soạn học liệu dùng cho trung tâm HTCĐ. Một số trung tâm GDTX đã phân công giáo viên phụ trách tư vấn, giúp đỡ tổ chức các hoạt động cho trung tâm HTCĐ và động viên giáo viên viết chuyên đề để tham gia giảng dạy; tiêu biểu như các trung tâm GDTX Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc, Nghĩa Tân, Trực Ninh… Trong năm qua, các trung tâm HTCĐ cũng được hỗ trợ từ 5 đến 20 triệu đồng theo mức đánh giá xếp loại chất lượng hoạt động từ xuất sắc đến trung bình.
Thời gian tới, Sở GD và ĐT phối hợp với Hội Khuyến học, các địa phương tiếp tục phát triển bền vững các trung tâm HTCĐ theo hướng nâng cao chất lượng hoạt động, gắn với chương trình dạy nghề cho người lao động, tăng tỷ lệ người lao động được đào tạo nghề, tạo việc làm, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.
Bài và ảnh: Hồng Minh