Chị Mai Linh ở đường Điện Biên (TP Nam Định) cho biết: Cách đây khoảng 1 tuần, chị ra chợ Mỹ Tho mua bí xanh về nấu với xương. Sau bữa ăn khoảng 3 giờ thì cả gia đình chị đều bị nôn mửa, tiêu chảy, phải vào viện cấp cứu vì mất nước. Chị Hà Phương ở Mỹ Hà (Mỹ Lộc) lại kể: Mới đây gia đình chị có mua rau muống về xào cho bữa ăn trưa. Tuy nhiên đến chiều tối cả nhà chị gồm 2 cháu nhỏ và 2 vợ chồng có hiện tượng nôn mửa, tiêu chảy. Qua giám sát nguy cơ, ngành chức năng cho biết rau muống mà chị mua đã nhiễm thuốc kích thích. Rau muống là loại rau được nhiều gia đình ưa chuộng trong bữa ăn hằng ngày. Tuy nhiên, thực phẩm này rất dễ trở thành hiểm họa đối với sức khỏe nhiều người, bởi nếu rau trồng bị phun thuốc kích thích hoặc thuốc trừ sâu không đúng quy trình thì rất dễ gây ngộ độc…
Như vậy nguy cơ các vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) do bếp ăn tập thể đang “biến thể” sang bữa ăn gia đình khi thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số vụ NĐTP tại gia đình. Dự báo trong thời gian tới, nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, NĐTP sẽ có chiều hướng gia tăng do thời tiết nóng ẩm của mùa hè; tình trạng thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; điều kiện bảo quản thực phẩm không bảo đảm; nguyên liệu, thực phẩm không có nguồn gốc, tình trạng nhập lậu thực phẩm khó kiểm soát; ô nhiễm môi trường gia tăng; nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống tăng cao ở gia đình.
Nguy cơ NĐTP từ rau xanh luôn là nỗi lo thường trực của người nội trợ (Ảnh chụp tại chợ Hoàng Ngân, Thành phố Nam Định). |
Người tiêu dùng ai cũng hiểu cần hạn chế dùng thực phẩm là thức ăn đường phố mà nên duy trì bữa ăn gia đình cho an toàn. Tuy nhiên, ngay cả những bữa cơm gia đình cũng có thể gây ngộ độc, bởi trong khi người bán thực phẩm vẫn vì lợi ích kinh tế mà bất chấp để đưa ra thị trường những loại thực phẩm bẩn, thực phẩm nhiễm độc; còn người mua thì lại mù mờ nguồn gốc và chất lượng; mặt khác cách chế biến chưa đảm bảo vệ sinh. Chính vì thế, đã xảy ra tình trạng không ít gia đình, các thành viên đều phải nhập viện trong tình trạng do ăn phải thực phẩm bẩn, thực phẩm nhiễm độc. Theo thống kê của Chi cục ATVSTP tỉnh trong 5 năm (từ năm 2010 đến năm 2014), số vụ NĐTP do bữa ăn gia đình trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 25% các vụ NĐTP. Nguyên nhân NĐTP do thức ăn bị nhiễm vi sinh vật, do độc tố và hóa chất tồn dư hoặc do không đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến. Chứng kiến các trường hợp bị ngộ độc do ăn phải rau đã phun thuốc, nhiều người nhà bệnh nhân lo ngại, tuy nhiên “lực bất tòng tâm” bởi không ăn thì biết ăn thực phẩm gì mà ăn thì lại sợ bị NĐTP. Bác Hoa, một người dân ở xã Đồng Sơn (Nam Trực) cho biết: “Chúng tôi rất lo ngại vì rau xanh hiện nay không biết người sản xuất dùng những thứ thuốc gì để phun, tưới mà rau tốt hơn ngày xưa rất nhiều. Chúng tôi là người tiêu dùng cảm thấy lo lắng bởi không ăn thì biết ăn gì” (?).
Các trường hợp ngộ độc được phát hiện, thống kê và đưa đến điều trị chỉ là “bề nổi” của câu chuyện ATTP, còn “tảng băng chìm” phía sau thì ngay cả cơ sở đầu ngành cũng rất khó nắm bắt vì thói quen của người dân khi có các triệu chứng của NĐTP thì thường điều trị ở nhà hoặc các vụ NĐTP do bữa ăn gia đình không diễn ra hàng loạt nên rất khó có số liệu chính xác, trong khi các khâu từ sản xuất đến kinh doanh, chế biến tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ngộ độc. Do vậy mới có chuyện “rau sạch” nhưng chưa chắc đã sạch, bởi những người trồng rau thường có luống để bán, luống để ăn. Một đĩa thịt trong bữa ăn gia đình đã được chế biến rất thơm ngon nhưng chưa chắc đã sạch bởi có thể là miếng thịt đã ôi thiu nhưng qua các công đoạn tẩy rửa và dùng những hóa chất để tẩy trắng rồi đem bán, khi người tiêu dùng mua về lại tẩm ướp, sau khi chế biến lại trở thành những món ăn hấp dẫn. Những thực phẩm “bẩn” trên, cùng với những hóa chất độc hại sẽ phá hủy gan, thận, còn tùy theo mức độ nguy hại của độc chất, nó có thể phá hủy các cơ quan khác trong cơ thể người. Thậm chí một số hóa chất trừ sâu khi nhiễm vào sẽ tồn dư trong quá trình sản xuất thực phẩm thì cũng đã chứng minh về lâu dài sẽ gây ung thư, gây đột biến gien…
Để phòng, chống NĐTP trong bữa ăn gia đình thì người nội trợ nên mua thực phẩm ở những hàng cố định, uy tín hoặc quen biết. Như vậy bữa ăn sẽ được phòng tránh NĐTP ngay từ khâu chọn lựa thực phẩm. Ngoài ra, việc bảo quản thức ăn cũng cần đúng cách để phòng tránh NĐTP. Khi bảo quản thực phẩm, người nội trợ lưu ý nếu thực phẩm mua về chưa sử dụng ngay mà 2-3 ngày sau mới dùng thì nên chọn thực phẩm tươi sống, sau đó bỏ vào tủ lạnh càng sớm càng tốt. Thực phẩm để trong tủ lạnh cần có bao bì hoặc nắp đậy. Để đảm bảo vệ sinh khi chế biến nhằm phòng chống NĐTP, cần rửa sạch tay bằng xà phòng rồi lau khô trước khi chế biến món ăn. Các dụng cụ bếp: xoong, nồi, muỗng, đũa, thớt… cần được đảm bảo vệ sinh, tránh gián và chuột. Thức ăn còn thừa sau 2 giờ sau khi nấu cần cho vào tủ lạnh, lúc nào ăn thì hâm nóng lại thật kỹ. Ngoài ra luôn giữ vệ sinh nhà bếp sạch sẽ: lau rửa sàn nhà, bồn rửa bát, giặt khăn lau tay thường xuyên. Sau khi sử dụng thì rửa sạch kệ bếp và dụng cụ làm bếp bằng nước rửa bát. Bên cạnh đó, việc mở rộng các mô hình ATTP sẽ giúp người sản xuất yên tâm đầu tư cho sản phẩm của mình và người tiêu dùng thuận tiện hơn khi cần mua sản phẩm an toàn./.
Bài và ảnh: Minh Thuận