Những năm qua, đội ngũ cán bộ chuyên trách, CTV dân số ở cơ sở đã thực hiện tốt phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà đối tượng” để tuyên truyền, vận động, đưa chính sách dân số của Đảng, Nhà nước đến với từng người dân, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu công tác Dân số - KHHGĐ.
Chị Trần Thị Thắm, cán bộ chuyên trách dân số Thị trấn Gôi (Vụ Bản) mặc dù mới làm công tác dân số nhưng luôn nhiệt tình, tận tâm với công việc. Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc thực hiện các chính sách dân số của Đảng và Nhà nước, chị và 9 CTV dân số của các tổ dân phố đã dành thời gian tìm hiểu hoàn cảnh, đời sống của từng hộ dân ở các tổ dân phố, từ đó có biện pháp vận động phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Với các gia đình hoàn cảnh khó khăn, nhận thức còn hạn chế, các chị chú trọng vận động sinh ít con để giảm bớt gánh nặng, tập trung phát triển kinh tế. Với nhiều gia đình kinh tế khá giả, muốn sinh thêm con để tránh rủi ro, tai nạn, các chị lại chú trọng phân tích lợi ích của KHHGĐ đối với sức khỏe bà mẹ, trẻ em và đời sống mỗi gia đình. Trong số gần 4.000 cán bộ dân số cơ sở ở tỉnh ta, nhiều chị đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong việc tuyên truyền vận động về dân số như chị Thoa, cán bộ chuyên trách dân số xã Hải Châu (Hải Hậu), chị Thu, xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng), chị Sáu, xã Giao Xuân (Giao Thủy)… Các chị đều cho rằng, làm công tác dân số ở cơ sở phải là những người kiên trì, hết lòng với công việc. Bởi công tác dân số không chỉ đơn thuần đến từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền về chính sách dân số mà phải tuyên truyền, vận động thế nào để thay đổi nhận thức của người dân, từ đó giúp họ tự nguyện thực hiện KHHGĐ. Vì vậy, các chị luôn chan hòa, gần gũi với bà con, thường xuyên rà soát địa bàn được phân công, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, kiên trì thuyết phục, vận động để người dân hiểu được lợi ích của việc sinh ít con. Đối với các cặp vợ chồng sinh con một bề, đặc biệt là sinh con một bề là gái, các chị đến tận nhà trò chuyện, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, kết hợp vận động thực hiện KHHGĐ thông qua việc khéo léo nêu gương những cặp vợ chồng sinh hai con gái, gia đình hạnh phúc, kinh tế khá giả để mọi người học hỏi và làm theo…
Cán bộ dân số Thị trấn Gôi (Vụ Bản) tư vấn cho các bà mẹ cách chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. |
Tỉnh ta hiện có 229 cán bộ chuyên trách dân số xã, phường, thị trấn; 3.707 CTV dân số thôn, xóm. Với vai trò trực tiếp tuyên truyền các chủ trương, đường lối chính sách dân số của Đảng và Nhà nước đến người dân, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh luôn quan tâm nâng cao năng lực cho đội ngũ này. Hằng năm, Chi cục đều tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách dân số cấp xã. Trung tâm Dân số - KHHGĐ các huyện, thành phố tổ chức tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng tuyên truyền, vận động cho đội ngũ CTV. Nội dung tập huấn bao gồm các kiến thức về công tác dân số như: Dân số và phát triển, KHHGĐ, CSSKSS; phương pháp truyền thông, vận động người dân thực hiện chính sách dân số ở cơ sở; cách thu thập thông tin và ghi chép sổ hộ gia đình; thực hành các bài tư vấn trực tiếp cho đối tượng… Đối với cán bộ dân số đã có thâm niên công tác và kinh nghiệm tuyên truyền, vận động; nội dung tập huấn chú trọng bồi dưỡng những kỹ năng, kiến thức mới và chính sách về lĩnh vực dân số. Đối với những cán bộ chuyên trách, CTV dân số mới, các lớp tập huấn trang bị những kiến thức cơ bản để họ có những kỹ năng cần thiết trong việc tuyên truyền hiệu quả công tác Dân số - KHHGĐ tại cơ sở. Ngoài ra, mỗi khi triển khai một đề án, mô hình mới về dân số, các cán bộ chuyên trách và CTV dân số được đào tạo sâu hơn ở lĩnh vực mà mô hình, đề án triển khai. Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh còn phối hợp với Trường Trung cấp Y tế Nam Định đào tạo lớp chuẩn viên chức về dân số cho đội ngũ cán bộ dân số huyện và chuyên trách dân số xã. Từ những kiến thức được tập huấn, những năm qua, đội ngũ cán bộ dân số ở cơ sở đã thường xuyên bám sát địa bàn dân cư, tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân thực hiện tốt chính sách dân số, góp phần vào việc hoàn thành các chỉ tiêu về dân số - KHHGĐ ở mỗi địa phương.
Tuy nhiên, tại tỉnh ta hiện nay, đội ngũ cán bộ dân số cấp xã chưa được tuyển dụng thành viên chức, trong đó vẫn còn một số cán bộ yếu về kiến thức, thiếu kinh nghiệm và các kỹ năng để phục vụ tốt cho công tác tuyên truyền, vận động. Chế độ đãi ngộ cho đội ngũ này cũng chưa phù hợp. Trong khi đó, công tác dân số ngày càng nảy sinh nhiều vấn đề mới cần giải quyết như quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao, việc tiếp tục tăng dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn nghiêm trọng, chất lượng dân số thấp… Từ năm 2014, kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ cho cán bộ chuyên trách cấp xã không có, vì vậy một số cán bộ đã xin nghỉ hoặc chuyển sang làm công tác khác. Đặc biệt, đối với đội ngũ CTV dân số, tại Nghị quyết số 14 ngày 7-12-2012, HĐND tỉnh đã quy định thôn, xóm, tổ dân phố có một CTV dân số, gia đình và trẻ em do chi hội trưởng phụ nữ kiêm nhiệm. Hiện trong số 3.707 CTV dân số, có 981 người do nhân viên y tế thôn đội kiêm nhiệm; 2.165 người do chi hội trưởng phụ nữ kiêm nhiệm; còn lại 561 người do cán bộ ngành khác kiêm nhiệm. Sau khi thực hiện Nghị quyết số 14, đã có 1.086 CTV chuyển sang chi hội trưởng phụ nữ kiêm nhiệm. Đội ngũ cán bộ chuyên trách và CTV có sự biến động lớn nên công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho số cán bộ mới mặc dù đã được triển khai tích cực nhưng chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế. Nhiều CTV là chi hội trưởng phụ nữ, do tuổi đã cao nên việc thống kê, cập nhật thông tin biến động để báo cáo về công tác dân số còn chậm và thiếu chính xác. Ngoài ra, chi hội trưởng phụ nữ được bầu theo nhiệm kỳ, mỗi khi có sự thay đổi lại phải mất thời gian, kinh phí để tập huấn mới, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động tại cơ sở.
Để phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ dân số ở cơ sở, ngành Y tế cần sớm có mô hình tổ chức phù hợp, đưa cán bộ chuyên trách dân số thành viên chức tại trạm y tế, tăng phụ cấp cho CTV thôn xóm. Các địa phương cũng cần đánh giá lại xem mô hình phụ nữ hay y tế thôn làm CTV dân số thì phù hợp hơn với địa phương để việc tuyên truyền, vận động về dân số - KHHGĐ đạt hiệu quả cao./.
Bài và ảnh: Lam Hồng