Hải Hậu là vùng quê biển, giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nhiều người con quê hương Hải Hậu đã anh dũng chiến đấu hy sinh bảo vệ quê hương, đất nước. Để ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, một số địa phương trong huyện đã lấy tên các liệt sĩ đặt tên cho các xóm, tổ dân phố (TDP).
Toàn huyện hiện có 41 xóm, TDP ở các xã Hải Thanh, Hải Phú, Hải Xuân và Thị trấn Cồn mang tên các anh hùng liệt sĩ tiêu biểu của quê hương. Xã Hải Thanh có 13 xóm, cả 13 xóm đều mang tên các liệt sĩ ở địa phương. Đồng chí Vũ Quang Cải, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Thanh cho biết: Năm 2010, xã Hải Thanh vinh dự đón nhận danh hiệu “Anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến chống Pháp”. Là cửa ngõ của huyện, có Quốc lộ 21 đi qua nên trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xã Hải Thanh là địa bàn xung yếu về chính trị, quân sự của huyện chịu nhiều trận đánh phá ác liệt của kẻ thù. Nhân dân và các LLVT Hải Thanh đã chiến đấu ngoan cường, làm tốt công tác phòng gian, bảo mật, tham gia phối hợp tác chiến với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích các xã, lập nhiều chiến công. Trong chiến thắng chung của xã, có những gương anh dũng chiến đấu và hy sinh, tiêu biểu như Anh hùng LLVTND thời kỳ chống Pháp, liệt sĩ Vũ Giao Hoan, các liệt sĩ: Nguyễn Xuân Chẩm, Vũ Ngọc Ba, Nguyễn Viết My, Phạm Văn Xướng... Đồng chí Vũ Giao Hoan, sinh năm 1923 trong một gia đình nông dân nghèo, tại xóm Nhị Trùng (nay là xóm Hoan Huỳnh, xã Hải Thanh). Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí đã tự nguyện gia nhập đội tự vệ, được chính quyền cách mạng địa phương lần lượt giao các chức vụ như Tiểu đội trưởng dân quân tự vệ, sau đó làm Trưởng Ban bảo vệ phụ trách các Ban trật tự làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự thôn, xóm. Năm 1948, lãnh đạo xã Ái Quốc (nay là xã Hải Thanh và Hải Hà) giao nhiệm vụ đồng chí làm Trung đội trưởng Trung đội du kích 44, kiêm thôn đội trưởng thôn Hà Nam. Năm 1949, đồng chí chỉ huy Trung đội du kích của xã Ái Quốc, kết hợp với bộ đội huyện, bộ đội tỉnh đánh địch càn về Hải Hậu, nhận nhiệm vụ ở lại địa phương bám dân, bám đất phá tề, diệt nguỵ, xây dựng cơ sở cách mạng. Từ cuối tháng 10 đến 13-11-1949 địch từ Trung Thành theo đường 21 tấn công đánh chiếm Đông Biên 6 lần. Trung đội du kích do đồng chí Vũ Giao Hoan chỉ huy phối hợp với bộ đội thuộc Đại đội 26, Tiểu đoàn 605 cùng du kích các xã lân cận đã chiến đấu kiên cường, mưu trí, sáng tạo, tiêu diệt hơn 300 tên địch. Tháng 2-1950 đồng chí được bổ sung vào lực lượng tuyên truyền vũ trang huyện Hải Hậu. Đồng chí hy sinh ngày 14-6-1950 khi phục kích đánh địch ở xứ Phạm Pháo, xã Minh Khai (nay là xã Hải Minh). Năm 2010, liệt sĩ Vũ Giao Hoan được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng LLVTND trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp”. Để tri ân và ghi nhớ công lao các anh hùng liệt sĩ, từ năm 1956, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hải Thanh đã lấy tên các liệt sĩ của địa phương đặt cho tất cả các xóm như: Hoan Huỳnh (tên ghép của Anh hùng LLVTND, liệt sĩ Vũ Giao Hoan và liệt sĩ Đỗ Ngọc Huỳnh), Nguyễn Chẩm (liệt sĩ Nguyễn Xuân Chẩm), Nguyễn My (liệt sĩ Nguyễn Viết My)…
Làng quê mang tên liệt sĩ Phạm Vũ Đĩnh, xã Hải Phú hôm nay. |
Xã Hải Phú được Nhà nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng LLVTND trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp” năm 2005. Để nhắc nhở các thế hệ con em phát huy truyền thống quê hương, cuối năm 1956, xã Hải Phú đã lấy tên 12 liệt sĩ đặt cho 12 làng, xóm. Đến năm 1994, thực hiện Hướng dẫn số 8 của UBND huyện Hải Hậu về củng cố thành lập lại các làng, xóm cho phù hợp địa bàn dân cư, xã Hải Phú đã tiến hành tách 12 làng, xóm trước đây thành 17 xóm như ngày nay, tất cả các xóm đặt theo tên các liệt sĩ như: Vũ Đĩnh (liệt sĩ Phạm Vũ Đĩnh), Mai Quyền (liệt sĩ Mai Văn Quyền)… Ở xã Hải Xuân, 2 liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp là: Nguyễn Đức Thuận và Nguyễn Thị Mát (bí danh Kim Liên) được đặt tên cho xóm Đức Thuận và xóm Kim Liên. Ở Thị trấn Cồn, 9/16 TDP mang tên các anh hùng liệt sĩ như: Nguyễn Chẩm (liệt sĩ Nguyễn Thái Chẩm), Cao An (liệt sĩ Cao Văn An), Thị Lý (liệt sĩ Nguyễn Thị Lý)… Hằng năm, vào các dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm truyền thống của đất nước, tại các xóm, TDP mang tên các anh hùng liệt sĩ, thường tổ chức các hoạt động như: viếng nghĩa trang, kể chuyện truyền thống…
Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, các xóm mang tên liệt sĩ ở Hải Hậu đều phấn đấu, vượt qua những khó khăn thách thức, giành nhiều thành tựu trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới. Xóm Nguyễn Chẩm mang tên liệt sĩ Nguyễn Xuân Chẩm, xã Hải Thanh là xóm nhiều năm liền được công nhận danh hiệu “Xóm văn hóa”. Hiện nay, đời sống kinh tế của nhân dân ngày càng được nâng cao, số hộ giàu tăng nhanh, số hộ nghèo theo tiêu chí NTM còn khoảng 2%. Thu nhập bình quân trên 29 triệu đồng/người/năm. Đến nay, số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá xã trên 97%.
Việc đặt tên xóm gắn với tên các anh hùng liệt sĩ đã khơi dậy niềm tự hào truyền thống cách mạng của quê hương, tạo động lực cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các xóm, TDP hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.
Bài và ảnh: Viết Dư