Bằng sự năng động, sáng tạo, trong những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi đã được triển khai thực hiện sâu rộng ở các cấp HND cơ sở; góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh đoàn kết hăng hái thi đua vươn lên làm giàu chính đáng. Nhiều điển hình nông dân SXKD giỏi mới xuất hiện, nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng có sức động viên, lan tỏa sâu rộng trong các hội viên, góp phần nâng cao đời sống vật chất của nông dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Điển hình như hộ chị Trần Thị Thảo, xóm 9, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) là một thành viên tiêu biểu trong phong trào nông dân SXKD giỏi của tỉnh. Bắt tay vào “khởi nghiệp” chăn nuôi từ năm 2011, trên diện tích gần 5.400m2, chị đã bàn với chồng tập trung vốn để quy hoạch lại chuồng trại và mở rộng quy mô chăn nuôi, đào ao thả cá trắm đen; một phần chuồng trại nuôi gà ta. Để đảm bảo con giống, chị liên hệ với Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh để mua 3 con lợn nái và 60-70 lợn con. Sau 2 năm, đàn lợn của gia đình chị Thảo đã phát triển lên 20 lợn nái, 300 lợn thịt. Bình quân mỗi năm chị xuất bán 3 lứa lợn thịt; 2 lứa gà ta (mỗi lứa 5-6 tạ). Diện tích ao nuôi, gia đình chị chuyên thả cá trắm đen để cung cấp cá giống cho thị trường; bình quân 2-3 tháng xuất một lứa cá giống; ước thu nhập hằng năm đạt 250-300 triệu đồng. Vừa tập trung sản xuất, chăn nuôi, gia đình chị còn mở một cửa hàng kinh doanh thuốc thú y và cung cấp thức ăn cho gia súc, gia cầm cho nhân dân trong xã. Chị Thảo chia sẻ: “Để có được thành quả như ngày hôm nay, gia đình tôi đã được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở tạo điều kiện giúp đỡ rất nhiều. Ngoài việc tạo điều kiện cho gia đình được tiếp cận với các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, HND huyện, xã đã giúp đỡ gia đình tôi về khoa học kỹ thuật, tổ chức đi tham quan tập huấn về chăn nuôi, góp phần phát triển sản xuất”. Hiện gia đình chị liên kết với Cty CP Đông Vương (Hà Nội) để chuyên sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm theo công nghệ sinh học. Nếu dự án thành công, trang trại của gia đình chị sẽ giảm bớt được chi phí trung gian, chủ động được nguồn thức ăn, con giống. Anh Phan Văn Khấn, xóm 3, xã Hải Phúc (Hải Hậu) cũng là một điển hình trong phong trào nông dân SXKD giỏi của tỉnh. Năm 2003, thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, anh Khấn đầu tư đào ao thả tôm thẻ chân trắng. Những năm đầu đi vào nuôi tôm, kinh nghiệm chưa có, vốn liếng ít, mọi công sức của anh đều đổ ra sông, ra biển cả. Được HND xã tín chấp cho anh vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH, dù không lớn, nhưng cũng là động lực để anh bắt tay xây dựng lại ao đầm và tập trung vào nuôi vịt đẻ trứng. Do đầu tư đúng hướng, đàn vịt phát triển từ 200 lên đến trên 2.000 con. Mỗi ngày, anh thu được gần 1.700-1.800 quả trứng. Anh đầu tư thêm máy ấp trứng vịt lộn để cung ứng cho thị trường… Với sự cần cù, chịu khó, đầu tư tập trung, trang trại của anh dần “ăn nên, làm ra”, các khoản nợ ngân hàng dần được trả hết. Anh tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, mỗi năm cung cấp cho thị trường 3-4 tấn cá truyền thống, hàng vạn quả trứng vịt thường, trứng vịt lộn… mang lại thu nhập 200-300 triệu đồng mỗi năm.
Trang trại nuôi vịt đẻ trứng của gia đình anh Phan Văn Khấn, xóm 3, xã Hải Phúc (Hải Hậu). |
Từ những điển hình SXKD giỏi, HND các cấp đã tổ chức cho cán bộ, hội viên nông dân đến tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm. Nhằm hỗ trợ các hộ nông dân SXKD, các cấp HND trong tỉnh còn thường xuyên phối hợp tổ chức các chương trình liên kết để các hộ giao lưu, trao đổi giữa các nhà khoa học với nhà nông trong việc hỗ trợ kiến thức nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm…, xây dựng kế hoạch tập huấn, đào tạo nghề, giúp hội viên nông dân tiếp cận và khai thác có hiệu quả các chính sách đầu tư nông nghiệp, góp phần tăng giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh… Phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của các cấp HND trong tỉnh đã thực sự đi vào chiều sâu, có sức lan toả lớn, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Vũ Hoàng