Tỉnh ta hiện có trên 400 nghìn đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), chiếm trên 20% dân số toàn tỉnh. Thực hiện các đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020”, “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm”, thời gian qua, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên luôn được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm và được triển khai với nhiều cách làm sáng tạo, như: Tư vấn, trao đổi định hướng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh khối lớp 12, tư vấn tuyển sinh đại học, cao đẳng, giới thiệu việc làm, hướng nghiệp dạy nghề cho thanh niên, nhất là đối tượng thanh niên khu vực nông thôn…
ĐVTN khối các trường THPT trong tỉnh tìm hiểu thông tin tuyển sinh, nghề nghiệp tại chương trình Ngày hội việc làm do Đoàn Thanh niên tổ chức. |
Trong vai trò là “cầu nối” việc làm cho thanh niên, tổ chức Đoàn các cấp phân loại ra các nhóm đối tượng ĐVTN có nhu cầu tư vấn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm khác nhau để hỗ trợ, giải quyết. Đối với thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn, các cấp bộ Đoàn, Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ĐVTN, hội viên tham gia học nghề, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên lựa chọn ngành nghề phù hợp với nhu cầu và trình độ. Theo đó, từ năm 2014 đến nay, tổ chức Đoàn, Hội các cấp đã giới thiệu việc làm được cho trên 7.000 thanh niên. Cùng với đó, các hoạt động tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT, đào tạo nghề… tiếp tục được các cấp bộ Đoàn, Hội chú trọng. Tổ chức Đoàn các cấp đã phối hợp với Phòng LĐ-TB và XH, các Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề, các Cty, doanh nghiệp, các trường dạy nghề trong và ngoài tỉnh… mở 40 lớp chuyển giao KHKT, 22 lớp tập huấn kiến thức về xây dựng mô hình kinh tế tập thể, HTX cho hơn 2.983 ĐVTN tham gia, tập huấn nâng cao kỹ năng tư vấn hướng nghiệp cho 2.715 cán bộ Đoàn, ĐVTN trong và ngoài tỉnh có nhu cầu nắm bắt thông tin học nghề, tìm kiếm việc làm. Đối với nhóm đối tượng ĐVTN là học sinh, sinh viên, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh khối THPT với sự tham gia tư vấn của 13 trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Tỉnh Đoàn còn phối hợp với Bộ GD và ĐT, Báo Thanh niên tổ chức chương trình tư vấn mùa thi khu vực phía Bắc thu hút hơn 3.000 học sinh khối 12 trên địa bàn thành phố tham gia. Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh có 24.500 thanh niên, học sinh được tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, dạy nghề. Đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, cách làm có hiệu quả góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên như tổ chức ngày hội việc làm, sàn giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm lưu động… thu hút đông đảo ĐVTN tham gia.
Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn các cấp còn phối hợp với Ngân hàng CSXH triển khai có hiệu quả các dự án về vốn vay giải quyết việc làm, tăng dư nợ ủy thác từ Ngân hàng CSXH và số tổ tiết kiệm vay vốn do Đoàn Thanh niên quản lý lên đến trên 100 tỷ đồng. Mặt khác, nguồn vốn 120 do Trung ương Đoàn triển khai cũng được phân bổ về các cơ sở Đoàn giúp nhiều thanh niên có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay, đầu tư vào sản xuất làm giàu trên mảnh đất quê hương. Đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu do thanh niên làm chủ. Điển hình như các mô hình trồng nấm, mộc nhĩ ở Xuân Kiên, chăn nuôi ở Xuân Thành, sản xuất đồ gỗ ở Xuân Bắc (Xuân Trường); các mô hình nuôi thủy hải sản ở Hải Châu (Hải Hậu); mô hình dệt thêu ren ở Trực Ninh; sản xuất cơ khí ở Nam Trực; mây tre đan, sơn mài mỹ nghệ ở Ý Yên. Với những việc làm thiết thực, tổ chức Đoàn, Hội các cấp đang trở thành địa chỉ tin cậy trong công tác đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên, góp phần đa dạng hóa các hoạt động Đoàn, Hội.
Thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên, các cấp bộ Đoàn, Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Nhà nước về dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên, từ đó định hướng cho thanh niên lựa chọn nghề nghiệp, việc làm phù hợp với năng lực, sở trường. Tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, giúp họ nâng cao kiến thức khoa học, kỹ thuật, kỹ năng quản lý, kiến thức thị trường để lựa chọn nghề phù hợp; chia nhóm thanh niên để hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm có hiệu quả, khuyến khích đào tạo nghề tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn, Hội cũng chú trọng xây dựng những mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình./.
Bài và ảnh: Hoa Quyên