Trước thực trạng bất bình đẳng giới vẫn diễn ra trong cộng đồng dân cư, trong đó có nguyên nhân từ sự mất cân bằng giới tính khi sinh, ngày 12-8-2014, Tổng cục Dân số - KHHGĐ đã có Kế hoạch số 66 về việc xây dựng và triển khai mô hình thí điểm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái. Ở tỉnh ta có 3 xã ở huyện Ý Yên là Yên Khánh, Yên Xá, Yên Phú được chọn triển khai mô hình.
Mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái là một trong những giải pháp tích cực của ngành Dân số nhằm góp phần thực hiện bình đẳng giới; ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tỷ số giới tính khi sinh được coi là một trong những chỉ báo quan trọng để đánh giá mức độ bình đẳng giới. Sự gia tăng tỷ số giới tính khi sinh sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về mặt an ninh, xã hội trong tương lai như: thiếu nữ, thừa nam, phụ nữ sẽ phải kết hôn sớm, tỷ lệ ly hôn và tái hôn cao, tình trạng bạo hành giới, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái gia tăng… Tỉnh ta đến cuối năm 2014, mặc dù tỷ số giới tính khi sinh đã giảm song vẫn còn ở mức cao: 115 bé trai/100 bé gái. Tỉnh đã có nhiều giải pháp đồng bộ nhưng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn khó kiểm soát. Cùng với đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh được triển khai nhiều năm qua ở cả 229 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, việc triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái ở Ý Yên từ năm 2014 sẽ góp phần tích cực hơn nữa để từng bước khống chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Cán bộ chuyên trách dân số xã Yên Xá tư vấn trực tiếp tại nhà cho chị em phụ nữ về CSSKSS. |
Trong khuôn khổ mô hình, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã xây dựng 4 CLB các bạn gái tiêu biểu và 4 CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, Chi cục đã triển khai nhiều hoạt động như: tổ chức hội nghị gặp mặt, nêu gương các gia đình sinh con một bề là gái có con thành đạt, nuôi dưỡng, chăm sóc bố mẹ già. Tổ chức hội thảo ký cam kết thực hiện không sinh con thứ 3 trở lên và không lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức và hội thảo chia sẻ kinh nghiệm cho trẻ em gái trong gia đình có con một bề là gái vươn lên học giỏi. Tổ chức nói chuyện chuyên đề cho 800 đối tượng là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nam nông dân, các chức sắc tôn giáo, những người có uy tín trong cộng đồng về bình đẳng giới và vấn đề giới tính khi sinh tại cộng đồng. Cung cấp 40 nghìn tờ rơi các loại tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh và hệ lụy trong tương lai cùng các nội dung liên quan đến bình đẳng giới đến người dân. Mặc dù thời gian triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái ở 3 xã Yên Xá, Yên Khánh, Yên Phú chưa lâu, song bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Chị Vũ Thị Tuyên, cán bộ dân số xã Yên Xá cho biết: Xã có gần 4.000 dân, trong đó có 640 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Thực hiện mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái, vào ngày 25 hằng tháng, chị và 6 cộng tác viên đều có mặt tại trạm y tế xã, tư vấn tuyên truyền trực tiếp cho chị em trong độ tuổi sinh đẻ về cách chăm sóc sức khoẻ sinh sản (CSSKSS) và lựa chọn biện pháp KHHGĐ phù hợp. Các chị còn thường xuyên viết bài tuyên truyền trên đài truyền thanh của xã về giới tính, hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh, thực hiện KHHGĐ và tư vấn trực tiếp cho chị em qua điện thoại các vấn đề liên quan đến CSSKSS. Vào thứ 2 hằng tuần, cán bộ chuyên trách dân số dự họp giao ban tại UBND xã, kịp thời báo cáo, đề xuất những khó khăn trong việc thực hiện công tác dân số - KHHGĐ. Nhờ đó, nhận thức của chị em về vấn đề giới tính khi sinh, CSSKSS/KHHGĐ đã được nâng lên. Ngày càng có thêm nhiều chị em quan tâm đến việc nâng cao sức khỏe bà mẹ, trẻ em, tích cực tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề về công tác dân số - KHHGĐ và các hoạt động trong chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ. Tại các xã Yên Phú, Yên Khánh, các hoạt động của mô hình cũng tác động mạnh mẽ đến nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác dân số - KHHGĐ. Đặc biệt, CLB các bạn gái tiêu biểu và CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên giúp nhau phát triển kinh tế gia đình luôn thu hút đông đảo chị em tham gia; qua đó giúp các chị có thêm kiến thức, kỹ năng về xây dựng mô hình gia đình ít con no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ.
Năm 2015, cùng với việc tập trung mọi nguồn lực để thực hiện giảm tỷ lệ sinh, giảm nhanh tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, nâng cao chất lượng dân số, chất lượng CSSKSS…, tỉnh ta tiếp tục đề ra mục tiêu kiểm soát và khống chế mất cân bằng giới tính khi sinh không vượt quá 115 bé trai/100 bé gái. Bên cạnh sự nỗ lực của địa phương, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, đầu tư bổ sung thêm kinh phí của Tổng cục Dân số - KHHGĐ cho các hoạt động can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và nhân rộng triển khai mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái ở nhiều xã, phường trong tỉnh./.
Bài và ảnh: Lam Hồng