Hiển vinh một đời binh nghiệp

04:04, 30/04/2015

Mùa giao quân thứ ba năm 1963, miền quê biển yên bình Giao Yến, Giao Thủy lại một lần nữa tiễn những người con thân thương lên đường, ra trận. Nguyễn Văn Tình là một trong hàng trăm nghìn thanh niên, học sinh, sinh viên đã tình nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp cao cả “Thống nhất đất nước”.

Qua thời gian ngắn trong quân ngũ, nhờ có sức khỏe tốt, khả năng bơi lội giỏi, Tình được tuyển chọn về đơn vị Đặc công nước.

Phó Đô đốc, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Tình.
Phó Đô đốc, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Tình.

Sau khi đã trải qua các khóa huấn luyện, thành thục các khoa mục, những kỹ thuật của người chiến sĩ Đặc công bộ và Đặc công nước thì Đội I, thuộc Đoàn 126 Đặc công của Quân chủng Hải quân có đợt trình diễn kỹ, chiến thuật tại sông Đuống, để Bác cùng các vị lãnh đạo Trung ương xem, trước khi lên đường ra trận. Đó là mùa thu năm 1966.

Vốn nằm lòng bản lĩnh độc lập tác chiến, bí mật bất ngờ, từng chiến sĩ của Đội I thuộc Đoàn 126 Đặc công nước đều “lặng lẽ tự hành” trên một chiếc xe đạp, tuy không mang theo cờ, nhưng trong lòng ai cũng rạo rực bóng Quốc kỳ đưa tiễn và cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng vẫy gọi.

Vào đến tuyến lửa Quảng Bình, chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Tình như được tiếp thêm nghị lực, anh vinh dự được kết nạp vào Đảng. Anh muốn dâng trọn niềm vinh hạnh này cho cả quê hương, gia đình lẫn đơn vị - những người đã sinh thành, dưỡng dục, giúp đỡ, rèn luyện anh từ khi còn tấm bé cho đến tận ngày 15-9-1966 trọng đại của cuộc đời mình. Dưới cờ Đảng và Quân kỳ, trước toàn thể chi bộ, đảng viên trẻ Nguyễn Văn Tình hứa sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, cùng đơn vị lập nhiều chiến công để dâng lên Đảng Quang vinh và Bác Hồ kính yêu.

Đơn vị được lệnh dừng lại để xây dựng căn cứ ngay sát “vĩ tuyến 17 - Khu phi quân sự” - bờ bắc sông Bến Hải. Cửa Tùng là nơi dòng Bến Hải đổ ra biển.

Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ thì dòng sông Bến Hải chỉ là giới tuyến tạm thời, sẽ bị xóa bỏ sau 2 năm, nhưng nó đã trở thành giới tuyến chia cắt hai miền: Nam, Bắc.

 Cục diện chiến sự phía bờ Nam khi này đã thay đổi hẳn. Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đã gây cho liên quân Mỹ, ngụy những thất bại nặng nề.

Năm 1965, Mỹ và các nước chư hầu ồ ạt đổ quân với số lượng lớn vào đây. Không đơn thuần là phô trương sức mạnh quân sự, mà là ráo riết khai triển chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, để giành thế chủ động tại các chiến trường Nam Việt Nam, trắng trợn thực hiện dã tâm xâm lược.

Trên nghị trường, những chiến lược gia người Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đều nhận thấy: Để kịp thời cung cấp, tăng viện quân, lương, vũ khí, khí tài cho 2 sư đoàn hoạt động tại Trị - Thiên, 1 sư đoàn trấn giữ Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang, sân bay Ái Tử và án ngữ đường 9, cùng 1 sư đoàn Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH) hoạt động tại Quảng Trị và lực lượng Bảo an, địa phương quân, thì không thể trông chờ vào tuyến đường bộ và đường sắt. Vì cả hai tuyến đường độc đạo này đều phải qua hành trình dài, tốn kém và rất dễ tổn hại, lọt vào tay đối phương. Phải mở tuyến vận tải khác ít thời gian, năng suất lớn, chi phí thấp, độ an toàn cao. Chỉ có tuyến vận tải thủy từ Cửa Việt lên Đông Hà mới có ưu thế về mọi mặt.

Và họ đã ra sức đầu tư, xây dựng, bảo vệ tuyến vận tải huyết mạch này.

Về kỹ thuật: Hơn 20km lòng sông Hiếu từ Cửa Việt đến Đông Hà được nạo vét để tàu dưới 400 tấn ra vào dễ dàng. Cửa Việt và Đông Hà được xây dựng thành Quân cảng khá hiện đại. Các loại cần cẩu với nhiều mức nâng khác nhau được trang bị cùng lực lượng bốc vác thủ công đông đảo. Kho, bãi có mái che, ngoài trời có sức chứa đáp ứng tốt cho việc lưu, chuyển hàng hóa với khối lượng lớn liên tục ngày đêm. Các tuyến vận tải bộ có đầu mối từ hai cảng đó tỏa đi các ngả cũng được mở rộng, nâng cấp và kiện toàn, đảm bảo để các xe vận tải nhà binh hạng nặng lũ lượt ra vào khuya sớm.

Về an ninh, quân sự, trên mặt đất, dọc hai bên bờ sông Hiếu, lực lượng Bảo an, các Trung đoàn chủ lực của QLVNCH có sự chỉ đạo trực tiếp của cố vấn Quân sự Mỹ thường xuyên vây ráp, tuần tiễu, lùng sục. Cây nhiệt đới, mìn, lựu đạn vướng nổ được giăng khắp nơi. Trên trời, các loại máy bay trinh sát L19, OV10 quần đảo nghiêng ngó suốt ngày, các loại máy bay tiêm kích F4, A37… sẵn sàng ném bom, bắn phá các mục tiêu do L19, OV10 chỉ điểm bằng pháo khói, cây nhiệt đới phát tín hiệu. Trên mặt sông, các loại giang thuyền, xe lội nước thay nhau rẽ nước tuần tiễu, xăm soi. Ngoài biển, các loại pháo hạm bắn pháo sáng từ chập tối đến sáng rõ làm cho bầu trời đêm tại các trọng điểm sáng như ban ngày. Các loại pháo 105, 155 sẵn sàng cấp tập tới các mục tiêu do các loại máy bay trinh sát chụp ảnh được.

Nguyễn Văn Tình (trước) cùng Trung đội trưởng Võ Nguộc trong một trận đánh tại bờ bắc sông Hiếu (Quảng Trị). Ảnh: Đoàn Nhâm
Nguyễn Văn Tình (trước) cùng Trung đội trưởng Võ Nguộc trong một trận đánh tại bờ bắc sông Hiếu (Quảng Trị). Ảnh: Đoàn Nhâm

Do vậy, tuyến vận tải này được coi như vành đai, vừa để ngăn chặn bộ đội của ta đột nhập, vừa giữ an toàn cho toàn tuyến từ Cửa Việt đến tận Nam Lào.

Với vị thế chiến lược và tầm ảnh hưởng quan trọng của nó, Bộ Tư lệnh Mặt trận coi tuyến vận tải chiến lược Cửa Việt - Đông Hà, là yết hầu, là bao tử của Vùng Một chiến thuật của địch.

Các cán bộ, chiến sĩ Đội I Đoàn 126 Đặc công nước của Tình được giao nhiệm vụ đánh những con tàu lớn, có tải trọng hàng trăm, hàng nghìn và hàng vạn tấn. Đó chính là những con tàu chở vũ khí, chở binh sĩ từ Cửa Việt đến Đông Hà.

Khi cùng với Đội trưởng Mai Năng và một số anh em đi trinh sát thực trạng địa bàn ở cả hai bên bờ sông Hiếu, Tình được thấy tường tận, anh nhận xét: “Về mặt trang bị vũ khí, khí tài và quân lính thì địch 10, ta chưa được 1”. Và anh tự xác định: Muốn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì cùng với lòng dũng cảm, gan dạ, người chiến sĩ Đặc công nước phải đánh địch bằng: Mưu, kế, thế, bí mật, bất ngờ, sáng tạo, đánh hiểm…

Khi anh và anh Thi nhận nhiệm vụ đánh chiếc tàu LCU tải trọng 360 tấn đang giao hàng tại cảng Đông Hà. Mỗi người mang theo một trái mìn nặng 6kg, mỗi trái khi phát nổ sẽ tạo ra sức công phá rất lớn. Mọi vật thể trong phạm vi bán kính gần 90cm sẽ bị “thổi bay”. Hai người tìm hướng an toàn để bơi ngầm đến mục tiêu. Mấy lần Tình áp mìn vào mạn khoang đầu máy (nơi hiểm yếu nhất của con tàu), nhưng dịch chuyển qua nhiều vị trí khác nhau mà mìn vẫn bám không chắc. Xoay trở dưới nước hồi lâu, Tình tìm ra nguyên nhân mà mìn bám không chắc là vì từ trường nam châm bị thất thoát do mìn bị chôn cất lâu dưới đất. “Trở ngại này chính là một thử thách dành cho mình đây.” Tình xác định. “Phải làm sao bây giờ? Nếu cứ gắn mìn với sức bám hờ hờ như vậy thì dễ bị “bóc” ra bất cứ lúc nào và như vậy hiệu quả không chắc ăn, lại dễ gây nguy hiểm đến tính mạng của chính mình khi chưa ra khỏi vùng nguy hiểm, chưa về đến điểm hẹn. Phải làm sao bây giờ?” Câu hỏi ấy cứ lặp đi, lặp lại trong đầu anh. “Làm thế nào để tăng thêm từ trường cho nam châm? Không có cách nào! Nhưng không được phép bó tay, cũng không được phép làm đại cho xong và càng chưa đến mức phải hy sinh tính mạng…”. Tình dìu trái mìn, bơi đến khoang chứa hàng, xem bạn xoay xở ra sao. Thấy Tình, Thi ra hiệu không chắc chắn. Tình ra dấu động viên bạn và bơi trở lại khoang đầu máy. Con tàu vẫn lừng lững như thách thức hai trái mìn. “Không phải! Nó đang thách thức một trong hai người đánh mìn đó thôi, chứ từng trái mìn vẫn “ngoan ngoãn, quanh quẩn” bên cạnh mỗi người cơ mà!” Tình suy nghĩ, anh bỗng giật mình: “Sở dĩ mìn không bị chìm, vẫn lập lờ bên cạnh là nhờ có phao. Anh liền nhớ đến một bài giảng nào đó: Con tàu chịu lực đẩy mạnh nhất của nước là từ dưới đáy lên. Hay! Sẽ có một hợp lực của ba lực: từ trường của nam châm, sức nâng của phao và lực đẩy của nước. Anh lấy hơi, lặn xuống đáy tàu, dùng hai lòng bàn tay và hai ngón tay cái ôm ở hai đầu đường kính trái mìn để nâng nó lên. Tám ngón tay còn lại úp trên mặt trái mìn như một “lớp nệm” để tránh phát ra tiếng động khi kim loại chạm nhau. Tình thả lỏng lòng bàn tay, nâng ngang hai khuỷu. Trái mìn như đang ép xiết “lớp nệm”. Gỡ mìn ra, đưa vào lần nữa, đến lần thứ ba thì anh từ từ rút các ngón tay ra và lay thử. Anh phải dùng một lực khá mạnh thì mới xê dịch được trái mìn. Tình thu mìn trở lại, ôm ghì nó vào lồng ngực mình. Thận trọng gắn mìn vào điểm ưng ý nhất, anh lần lượt cà từng bên má quanh trái mìn để tạm biệt, để gửi gắm niềm tin, rồi mới cẩn thận tháo tất cả các kíp. Nếu ở trên mặt đất, ở nơi an toàn thì chắc Tình đã hét lên vì sung sướng: “Các anh ơi! Chúng ta thành công rồi!” Anh bơi nhanh lại chỗ Thi và ra hiệu cho bạn. Thi hồ hởi làm theo.

Trí tuệ của người chiến sĩ cách mạng luôn ở thế “khó khăn nào cũng vượt qua” đã giúp anh nhiều lần tiếp cận các mục tiêu từ những hướng, những vị trí khác nhau - nơi mà kẻ địch cho là an toàn nhất. Trí tuệ đã giúp anh tạo ra một “lối đi” dưới lòng biển, để trong ba đêm, dưới ánh đèn pha của hai luồng tàu địch tuần tiễu cùng ánh pháo sáng nhưng phân đội của anh đã dìu được ba trái thủy lôi mang biệt danh HAT2, mỗi trái nặng tới 350kg từ Cửa Tùng vào Cửa Việt gần 20km (đó là những trái thủy lôi đã được cải tiến từ trái thủy lôi nặng 800kg do Liên Xô chế tạo và viện trợ). Và ba trái thủy lôi ấy đã được phân đội của Tình “dặn dò” kỹ lưỡng mà “nhằm” ba tàu vận tải lớn để đánh chìm, bịt được cửa sông Hiếu suốt 5 ngày liền (yêu cầu của cấp trên là 3 ngày), làm cho toàn tuyến từ Cửa Việt lên Đông Hà bị tê liệt, làm mất sức chiến đấu của lực lượng Mỹ, ngụy tham chiến tại chiến trường đường 9 - Nam Lào, tạo cú hích cho các quân, binh chủng của ta giành thắng lợi vang dội tại chiến trường này.

Chỉ trong vòng 7 năm, Đoàn 126 Đặc công nước của Tình đã đánh trên 300 trận, đánh chìm hơn 370 tàu địch có tải trọng từ 360 đến 5.800 tấn, thậm chí có những chiếc tới 15 nghìn tấn (riêng Nguyễn Văn Tình đánh chìm 5 chiếc và cùng đồng đội đánh chìm nhiều chiếc khác), nên không thể biết chính xác bao nhiêu binh sĩ địch bị diệt, bao nhiêu tấn vũ khí bị phá hủy và đã góp phần làm thất bại mưu đồ chiến thuật của địch, dẫn chúng đến thất bại thảm hại ở các chiến dịch: Bắc Quảng Trị (1967), Xuân 68, Đường 9 - Nam Lào (1969), tái chiếm Quảng Trị (1972).

***

Là một trong không nhiều tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam trưởng thành từ người lính trực tiếp chiến đấu, lập nhiều chiến công hiển hách, được phong danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND khi tuổi đời còn rất trẻ, tuổi quân chưa nhiều, làm nhiệm vụ dưới mưa bom bão đạn, nép mình trên trần nhà ván ép ngay sát làn đạn AR15 xuyên từ dưới lên, bị kẻ thù chộp lấy tay, đối mặt nhau mà không hề bị một “mũi tên hòn đạn”. Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Đô đốc, Chính uỷ Quân chủng Hải quân Nguyễn Văn Tình đã trải qua cuộc đời binh nghiệp hiển vinh. Vậy mà ông luôn coi mình là người lính. Ông tâm sự: “Chiến công của mỗi một người lính đều có xuất phát điểm là chiến lược, chiến thuật “Quyết chiến quyết thắng” của chỉ huy các cấp từ đơn vị đến Bộ Tư lệnh; là lý tưởng của Đảng và lòng dân. Dân đã cung cấp thông tin hoạt động của địch, che giấu và bảo vệ lực lượng của ta. Chỉ riêng tại nhà bà Trương Thị Láo (Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị), ông và nhiều bạn chiến đấu khác đã được cứu sống 5 lần.

Nay đã bước sang tuổi “cổ lai hy”, nhưng ông Tình vẫn thường xuyên rèn luyện sức khoẻ ngày hai buổi vào sáng sớm và chiều muộn với những môn thể thao đòi hỏi người chơi phải có sức mạnh, nhanh, kỹ thuật chuẩn xác như: đá bóng bật tường, bóng rổ, xà đơn, xà kép, đẩy tạ…

Ông đặc biệt quan tâm và rất tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa.

Gặp ông, ai cũng phấn khởi vì được gặp tác giả của bài thơ “Vinh quang Đặc công Hải quân”. Bài thơ có tứ thơ dặt dìu nốt nhạc, hồn thơ rộn ràng âm hưởng hành khúc ấy đã được nhạc sĩ Trần Tựa phổ nhạc trở thành bài hát. Hành khúc “Vinh quang Đặc công Hải quân” đã làm nức lòng biết bao cán bộ, chiến sĩ Hải quân đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ từng tấc biển Việt Nam thân yêu, từng hòn đảo thiêng liêng đã thấm máu bao thế hệ tiền nhân.

Ông Tình đang là thành viên Ban chỉ đạo: Công trình sách “Ký ức người lính”. Sách đã xuất bản được 2 tập, sắp xuất bản tập 3. Chắc chắn “Ký ức người lính” sẽ truyền lửa cho lớp lớp chiến sĩ trẻ, đồng thời tiếp lửa cho chỉ huy các cấp của Quân chủng Hải quân nói riêng và Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng nói chung./.

Trần Ai



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com