Những ngày qua, từ một phong trào được phát động trên mạng xã hội sau khi có thông tin rằng, do lũ tràn về bất ngờ nên hàng trăm tấn dưa hấu của bà con Quảng Nam có nguy cơ bị thối hết do chưa kịp thu hái. Cư dân mạng trong đó đa phần là thanh niên đã đồng lòng mở một chiến dịch mua dưa ủng hộ bà con nông dân. Phong trào lôi cuốn đến nỗi, cán bộ, công nhân viên của Bộ Công thương cũng ào ạt tham gia, đánh xe vào Quảng Nam mua dưa về bán ngay tại cổng cơ quan bộ. Hàng chục nhóm giải cứu tình nguyện được thành lập, họ thuê xe vào tận các tỉnh miền Trung, đến tận ruộng mua dưa cho nông dân rồi mang về các thành phố lớn để bán. Các điểm bán dưa ủng hộ nông dân Quảng Nam, Quảng Ngãi đã thu hút lượng lớn khách hàng đến mua, hàng tấn dưa được bán hết veo chỉ trong một giờ đồng hồ, người ít thì 1 quả, người nhiều mua dăm bảy quả, ai cũng muốn góp một chút gì đó giúp bà con nông dân. Việc vào cuộc của cư dân mạng thời gian vừa qua là vô cùng quý đối với bà con nông dân.
Hàng nghìn tấn dưa đã được tiêu thụ, tất nhiên giá bán rẻ hơn so với những gì bà con nông dân mong đợi, nhưng việc làm này đã giúp bà con nông dân rất nhiều, ít nhất họ thu lại được một phần mồ hôi nước mắt của họ đã bỏ ra. Chiến dịch “giải cứu dưa hấu” đã thể hiện rõ truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam, giúp những tấm lòng đến được với tấm lòng. Nhìn cảnh nhiều người đứng xếp hàng chờ đến lượt được mua dưa hấu mà thấy xúc động.
Ảnh: Internet |
Tuy nhiên thông qua chiến dịch tự phát này còn có rất nhiều điều cần đáng suy ngẫm. Nước ta là nước có nền nông nghiệp phát triển, trên 80% dân số là nông dân, hàng triệu gia đình nông dân chỉ trông chờ vào hạt thóc, các sản phẩm nông nghiệp để lo cho con cái học hành, chi tiêu trong gia đình. Vậy nhưng “điệp khúc” được mùa mất giá hầu như năm nào cũng diễn ra, cảnh hàng trăm chiếc xe tải chở nông sản của bà con ùn ứ tại Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) vẫn lặp đi lặp lại hết năm này qua năm khác mà vẫn không có giải pháp khắc phục. Người nông dân vẫn tự “bơi” trên mảnh ruộng của mình mà không biết được hàng hoá sản xuất ra có bán được không, giá cả ra sao? Để không còn cảnh người nông dân khóc ròng nhìn đống nông sản tồn đọng, chất đống, trông chờ cuộc "giải cứu" của cư dân mạng như những ngày vừa qua, mong muốn của bà con là Nhà nước và các ngành chức năng cần có nghiên cứu cụ thể, đề ra các chính sách, quy hoạch có tầm vĩ mô trong sản xuất nông nghiệp nhằm định hướng giúp người nông dân lựa chọn cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường để hàng hoá bà con nông dân sản xuất ra không bị ứ đọng, ép giá, trồng rồi không có nơi tiêu thụ, hạn chế tình trạng trồng ồ ạt rồi lại ế ẩm không bán được.
Trong khi cuộc “giải cứu dưa hấu” đang ở giai đoạn cao trào lại có thông tin hàng trăm tấn hành tím của bà con tỉnh Sóc Trăng cũng đang bị tồn đọng không bán được và lại bắt đầu diễn ra một chiến dịch giải cứu hành tím tại các tỉnh phía Nam. Nhiều người đã nghĩ cứ đà này, chắc chắn sẽ có hàng loạt các loại nông sản khác cần giải cứu. Hiện tại, ở các tỉnh Tây Nguyên và miền Nam, nhiều nông dân đang chặt bỏ hồ tiêu, cà phê để trồng cây mắc ca, loại cây nghe nói cho thu về tiền tỷ nhưng chưa ai biết rõ nó như thế nào, biết đâu vài năm nữa, chúng ta lại tiếp tục có chiến dịch “giải cứu” mắc ca như giải cứu dưa hấu vừa qua?
Hoài Phương