Xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Giao Thủy luôn quan tâm chỉ đạo các ban, ngành, các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động.
Cơ sở May Thọ Thông, ở xóm 12, xã Giao Thịnh tạo việc làm ổn định cho trên 60 lao động, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng. |
Ngay sau khi có Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và xây dựng Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; tổ chức các hội nghị quán triệt nội dung Quyết định 1956 và kế hoạch của UBND huyện tới các xã, thị trấn trong huyện; phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành chức năng, các đoàn thể ở địa phương; chủ động phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện tốt các nhóm giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Để thu hút nông dân tham gia học nghề, các ngành chức năng phối hợp với các xã, thị trấn trong huyện tổ chức tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tổ chức tư vấn, tuyển sinh và hướng dẫn người lao động đăng ký học nghề. Các xã, thị trấn đưa chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của địa phương. Huyện mở các lớp dạy nghề gắn với quy hoạch vùng sản xuất của các xã, thị trấn và nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như phù hợp với khả năng của người lao động. Trước khi triển khai công tác đào tạo nghề cho lao đông nông thôn, huyện đã tổ chức các đợt khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân; trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo theo ngành, nghề phù hợp; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn giải quyết việc làm cho người lao động. Trong năm 2014, thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện đã mở 15 lớp dạy nghề cho 464 lao động; trong đó có 331 lao động nữ, 37 người thuộc diện chính sách, hộ nghèo. Các nghề đào tạo chủ yếu là: may công nghiệp (254 người), nuôi lợn (60 người), nuôi trồng thủy sản (105 người), cơ khí (30 người), chăn nuôi gà, vịt (30 người), chế biến món ăn (30 người)… Ngoài ra, các đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên và các xã, thị trấn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) và một số trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh mỗi năm tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hàng nghìn hội viên và nhân dân địa phương. Cùng với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện huy động các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ người lao động đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động. Những năm qua, số dư vốn vay hỗ trợ giải quyết việc làm của huyện luôn duy trì ở mức 7 tỷ đồng, hiện cho vay 124 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, với số dư gần 6,9 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 400 lao động. Thông qua các lớp đào tạo nghề và chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều lao động trong huyện đã có việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Theo số liệu của Phòng LĐ-TB và XH huyện, từ năm 2014 đến nay, toàn huyện tạo việc làm cho 3.985 lao động, trong đó làm việc tại địa phương là 3.015 lao động, lao động ngoài tỉnh 787 người và lao động xuất khẩu 183 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện hiện đạt 37,57%. Tỷ lệ lao động sau đào tạo nghề có việc làm khu vực phi nông nghiệp đạt trên 90%, khu vực nông nghiệp đạt trên 95%. Các xã thực hiện tốt công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn như: Giao Thanh, Giao Tân, Giao Thịnh, Giao Thiện, Giao Tiến…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Giao Thủy còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Nhiều người lao động chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học nghề đối với việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng như cơ hội tìm việc làm dẫn đến số người đăng ký học nghề thấp. Để thực hiện có hiệu quả Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn huyện, thời gian tới, huyện Giao Thủy tích cực làm tốt công tác tư vấn nghề, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm mới cho lao động nông thôn và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo quy hoạch sản xuất của các địa phương. Chuyển mạnh từ đào tạo nghề theo năng lực sẵn có của cơ sở dạy nghề sang đào tạo theo nhu cầu của người lao động và yêu cầu của thị trường. Đa dạng các hình thức đào tạo nghề, ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, người tàn tật. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện kế hoạch dạy nghề, đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đào tạo theo địa chỉ, để cung cấp nhân lực; khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện./.
Bài và ảnh: Minh Tân