Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Yên Lộc (Ý Yên) đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; trong đó đặc biệt chú trọng phong trào xây dựng “Làng văn hoá”, tạo khí thế hăng hái thi đua lao động sản xuất, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Gia trại nuôi thỏ của hộ gia đình ông Vũ Văn Vinh, thôn 4 Đồng Thái. |
Để phong trào đi vào cuộc sống, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể lồng ghép các tiêu chí của phong trào xây dựng làng văn hóa với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản của Trung ương, của tỉnh về tiêu chí công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”, các thôn đã soạn thảo hương ước, sau đó lấy ý kiến của nhân dân để bổ sung, sửa đổi và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hương ước xây dựng làng văn hóa các thôn đề cập nhiều lĩnh vực như: hiếu, hỷ, vệ sinh môi trường, khuyến học, khuyến tài, lễ hội… Đến nay, 11/14 thôn trong xã đã đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, cả 14 thôn đều đã xây dựng hương ước. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn xã đã đi vào nền nếp. Trong việc cưới, các gia đình đã hạn chế ăn uống linh đình, các hủ tục thách cưới rườm rà được loại bỏ; các đám hiếu hạn chế số lượng vòng hoa, không còn hiện tượng hút thuốc lá, tổ chức cỗ bàn. Người dân trong xã luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Hằng năm, xã có trên 75% số hộ được công nhận “Gia đình văn hóa”. Các gia đình văn hóa luôn giữ gìn nếp sống, mối quan hệ đoàn kết gắn bó, sẵn sàng giúp đỡ nhau lúc "tắt lửa tối đèn", quan tâm động viên các gia đình chính sách, người già, người cô đơn tàn tật, tích cực tham gia các tổ chức, đoàn thể xã hội... Tiêu biểu trong xây dựng nếp sống văn hóa là thôn 4. Tại thôn 4, các giá trị văn hóa truyền thống được giữ vững, không phát sinh người mắc tệ nạn xã hội. Các đám cưới, đám tang được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và theo hương ước nếp sống văn hóa, quan hệ cộng đồng dân cư ngày càng đoàn kết, gắn bó chặt chẽ, trở thành nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa trong thôn luôn đạt trên 85%. Từ phong trào xây dựng làng văn hóa, xã Yên Lộc đã huy động được sự đóng góp của nhân dân trong xây dựng hạ tầng cơ sở và thiết chế văn hóa. Riêng năm 2014, xã huy động nhân dân địa phương đóng góp và con em xa quê hương ủng hộ 500 triệu đồng để nâng cấp 1,2km đường làng của thôn 1, thôn 7 và thôn 6. Đến nay, hầu hết hệ thống giao thông của thôn đã được trải nhựa hoặc được bê tông hóa. Xã làm tốt công tác xã hội hóa trong xây dựng các thiết chế văn hóa. Đến hết năm 2014, cả 14 thôn trong xã đã xây dựng NVH trên diện tích từ 300-500m2, đáp ứng các nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân. Các NVH thôn đều có tủ sách với hàng chục đầu sách, tài liệu để nhân dân nghiên cứu, tìm hiểu, nâng cao trình độ dân trí. Đồng chí Phạm Văn Vinh, cán bộ văn hóa xã cho biết: Các NVH thôn đều hoạt động ổn định, các đội văn nghệ, CLB thể thao quần chúng ở các thôn, xóm hoạt động sôi nổi. Đội văn nghệ của xã, nòng cốt là hội viên Hội CCB, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ… thường xuyên luyện tập biểu diễn các tiết mục như: hát chầu văn, hát chèo, hát dân ca, ca trù. Với niềm đam mê, các thành viên trong đội văn nghệ của xã đã dành thời gian, tâm huyết và đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động. Trong các buổi diễn chào mừng các ngày lễ lớn của Đảng, của đất nước, các sự kiện, lễ kỷ niệm của địa phương, những tiết mục biểu diễn của đội thu hút đông đảo người dân đến xem, cổ vũ. Các hoạt động TDTT trên địa bàn xã cũng phát triển cả bề rộng và chiều sâu; một số CLB thể thao như CLB bóng đá, bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền thu hút hàng chục thành viên tham gia. Hằng năm, vào ngày hội văn hóa - thể thao của xã, có hàng nghìn người dân tới xem và cổ vũ các tiết mục văn nghệ và thi đấu thể thao. Cùng với việc phát triển cơ sở hạ tầng, phong trào xây dựng làng văn hóa trên địa bàn xã còn góp phần thúc đẩy nhân dân tương trợ, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế bằng việc khai thác tốt tiềm năng đất đai, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng trang trại chăn nuôi, góp phần nâng cao mức sống của người dân. Tiêu biểu, tại thôn 4 Đồng Thái, có gia trại của hộ ông Vũ Văn Vinh nuôi thỏ lấy thịt với quy mô 200 con/lứa, doanh thu trên 100 triệu đồng/năm. Đến nay, số hộ khá của thôn chiếm 20%, số hộ trung bình chiếm hơn 70%, số hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm còn 5,5%. Trên địa bàn xã hiện có 2 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh là: Đình chùa làng Đông Cao Thượng và Đình chùa thôn An Lạc. Hằng năm, Đảng ủy, UBND xã luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức và quản lý lễ hội, đảm bảo cảnh quan môi trường văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, bài trừ các biểu hiện mê tín dị đoan, khôi phục các hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian, gắn lễ hội với giáo dục truyền thống văn hiến của quê hương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Phong trào xây dựng làng văn hóa ở Yên Lộc đã phát huy nội lực để xây dựng đời sống văn hóa trong nhân dân, củng cố, phát huy mối quan hệ hài hòa giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ, làng xóm, xây dựng kinh tế, tạo dựng cuộc sống ấm no, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng