Được sự quan tâm của Đảng ủy, UBND xã, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, những năm qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở xã Nam Tiến (Nam Trực) đã được triển khai sâu rộng và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân.
Di tích lịch sử cấp Quốc gia đền chùa thôn Đồng Quỹ. |
Để phong trào triển khai đạt hiệu quả, xã đã thành lập Ban vận động xây dựng nếp sống văn hoá. Ban vận động thường xuyên phối hợp với các đoàn thể Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội CCB, Đoàn Thanh niên… tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân thực hiện quy ước xây dựng gia đình văn hoá, xóm văn hóa. Gắn phong trào xây dựng gia đình văn hoá với các tiêu chí: thực hiện tốt công tác KHHGĐ; chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; mạnh dạn, năng động, sáng tạo áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, phát triển ngành nghề truyền thống, góp phần giảm nghèo, tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh đạt năng suất, hiệu quả. Đến nay, 22/27 xóm trong xã được công nhận danh hiệu “Xóm văn hóa”. Nhiều xóm có tỷ lệ gia đình văn hóa từ 85-87% như xóm 20, 21, 22, 23, 24. Hiệu quả từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Nam Tiến đã góp phần nâng cao ý thức tự quản cộng đồng; huy động nguồn lực to lớn trong nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế NVH, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, duy trì và phát triển phong trào văn hoá, văn nghệ; bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hoá, thuần phong mỹ tục, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Thực hiện tiêu chí về văn hóa trong xây dựng NTM, đến nay, cả 7 thôn trong xã đã xây dựng được NVH đạt chuẩn NTM, 27/27 xóm đều quy hoạch quỹ đất để xây dựng NVH xóm và khu tập luyện TDTT với diện tích khoảng 1.000-2.000m2. Xã có 11 sân thể thao gồm: sân bóng đá, sân cầu lông, sân bóng chuyền. Đây là nơi sinh hoạt, luyện tập và thi đấu của các CLB văn nghệ, TDTT như: CLB thơ ca của Hội NCT với khoảng 30 thành viên; CLB thể dục dưỡng sinh với gần 200 người cao tuổi; CLB Thái cực trường sinh đạo với trên 60 thành viên; các CLB, nhóm thể thao khác như bóng đá thanh, thiếu niên với 45 thành viên; CLB bóng chuyền thôn An Nông và khối cán bộ, công chức xã với 60 thành viên; CLB bóng bàn với 10 thành viên. Trong các ngày lễ, Tết, xã đều tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi. Năm 2014, CLB văn nghệ của xã tham gia hội diễn văn nghệ kỷ niệm 69 năm Quốc khánh 2-9 do huyện tổ chức và xuất sắc giành giải A. Để các danh hiệu văn hóa: “Làng văn hóa”, “Gia đình văn hóa” duy trì bền vững, các đoàn thể quần chúng từ xã đến các thôn, xóm đều xây dựng và nhân rộng các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo. Thu nhập chính của người dân chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi, ngoài ra một số ngành nghề khác đang phát triển như: nghề chạm khắc bạc, đúc đồng ở thôn Đồng Quỹ; nghề sản xuất mây tre đan ở thôn Thạch Cầu đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Qua đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã hằng năm đạt trên 10%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,5%. Kinh tế phát triển, các công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng. 100% đường dong, ngõ xóm được nâng cấp và bê tông hoá. Các xóm đều có tổ thu gom rác thải, bãi rác xa khu dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, công tác khuyến học, khuyến tài được các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh. Toàn xã hiện có hơn 10 dòng họ khuyến học, khuyến tài, tiêu biểu như dòng họ Lê, họ Đỗ thôn Nam Trực, họ Nguyễn thôn Đồng Quỹ... Hằng năm, tỷ lệ con em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng năm sau cao hơn năm trước, các dòng họ đều tổ chức khen thưởng động viên con cháu vươn lên học giỏi vào dịp cuối năm. Các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ đối tượng chính sách khi ốm đau, vào các ngày lễ, Tết cũng được cán bộ và nhân dân trong xã thực hiện chu đáo. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, nghệ thuật truyền thống tại các thôn, xóm trên địa bàn xã luôn được quan tâm. Trên địa bàn xã có 7 di tích lịch sử văn hóa: Đền chùa thôn Đồng Quỹ, đền chùa thôn Lạc Chính, đền chùa thôn Đạo Quỹ, từ đường họ Nguyễn Quận Công, từ đường họ Đỗ Phúc Hòa. Trong đó, đền chùa thôn Đồng Quỹ đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Hằng năm, vào dịp lễ hội, xã đều tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về ý nghĩa, vai trò của việc bảo tồn, đồng thời thực hiện xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Qua đó, các hoạt động lễ hội diễn ra đúng quy định, khôi phục lại một số trò chơi dân gian nhằm khai thác, phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hóa.
Kết quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã làm cho bộ mặt nông thôn ở Nam Tiến ngày càng khởi sắc; đời sống kinh tế, văn hoá tinh thần của nhân dân được cải thiện, phát huy được sức mạnh nội lực, tạo động lực cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng