Trong ngày diễn ra phiên chợ Viềng Xuân 2015 Vụ Bản và Nam Trực, tại các ngả đường dẫn vào hội chợ, có nhiều dịch vụ ăn uống đa dạng như bún, phở, cháo, nước giải khát được tổ chức để phục vụ du khách. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi, dịch vụ ăn uống tại chợ cũng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và ngộ độc thực phẩm (NĐTP) do lễ hội được tổ chức vào mùa xuân trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, lúc nóng ẩm, lúc khô hanh. Tại chợ Viềng Vụ Bản, ngay cổng chợ, các quầy kinh doanh thực phẩm vẫn chưa thực hiện để thực phẩm chín trong tủ kính. Một số cửa hàng bán đồ ăn ngay như xúc xích, hoa quả dầm, bày biện thực phẩm ngay tại nơi có đông người qua lại. Tại chợ Viềng Nam Trực, khu vực giữa chợ, từng rổ bánh rán, bánh chuối, các quán bán bánh mì pa tê… được bày ngay cạnh lối đi. “Hậu trường” của các cửa hàng ăn uống là những chồng bát đĩa chưa kịp rửa trông rất mất mỹ quan, chưa kể người bán hàng, người chế biến thực phẩm thiếu kiến thức về VSATTP, trang thiết bị và dụng cụ chưa đảm bảo… Nguy cơ tiềm ẩn ngộ độc từ thực phẩm, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm ăn ngay là rất lớn.
Nhiều cửa hàng kinh doanh đồ ăn ngay tại chợ Viềng Xuân Vụ Bản chưa đảm bảo các yêu cầu về VSATTP. |
Theo Chi cục ATVSTP tỉnh, mùa lễ hội xuân những năm gần đây trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ NĐTP lớn, nhưng nguy cơ tiềm ẩn NĐTP là rất cao do việc quản lý các hộ kinh doanh thực phẩm tại lễ hội rất khó khăn. Mùa lễ hội Xuân năm 2015, toàn tỉnh có hơn 50 lễ hội được tổ chức kéo dài từ tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch, trong đó có nhiều lễ hội lớn như Lễ hội chợ Viềng Xuân, Lễ Khai ấn Đền Trần, Lễ hội chùa Bi, Lễ hội Phủ Dầy… và nhiều lễ hội làng. Để đảm bảo ATTP cho mùa lễ hội xuân 2015, toàn tỉnh đã thành lập các đoàn thanh tra liên ngành từ tỉnh đến cấp xã, phường nơi diễn ra lễ hội, tập trung vào nhóm thực phẩm có nguy cơ cao được tiêu thụ nhiều như đồ ăn ngay (bún, phở, cháo, miến, mì…) và các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm tươi sống. Để nâng cao nhận thức cho người kinh doanh thực phẩm và du khách, các ngành chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật cũng như các kiến thức về VSATTP đến người dân. Tại huyện Vụ Bản, nơi diễn ra chợ Viềng Xuân và Lễ hội Phủ Dầy 2015, Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra từ cấp huyện đến các xã, thị trấn; tập trung kiểm tra nhóm thực phẩm có nguy cơ cao tại các chợ; phối hợp với Đài phát thanh huyện và truyền thanh các xã phổ biến các quy định của pháp luật về VSATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng đến người dân. Tại huyện Nam Trực, trạm y tế nơi tổ chức lễ hội thành lập 3 tổ thường trực cấp cứu NĐTP tại 3 điểm chốt khu vực diễn ra lễ hội. Chi cục ATVSTP tỉnh đã thành lập 2 tổ điều tra, xử lý NĐTP. Các tổ điều tra, xử lý NĐTP chuẩn bị đầy đủ các mẫu phiếu điều tra NĐTP, biên bản làm việc và các dụng cụ cần thiết phục vụ công tác xét nghiệm, lấy mẫu, biên bản lấy mẫu, niêm phong mẫu, kịp thời tiến hành điều tra khi có NĐTP xảy ra. Bệnh viện đa khoa các huyện Vụ Bản, Nam Trực và Thành phố Nam Định là nơi diễn ra nhiều lễ hội đầu xuân cũng thành lập các tổ thường trực cấp cứu sẵn sàng khi có tình huống NĐTP xảy ra.
Cùng với ngành Y tế, cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng thường xuyên chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các nhà hàng thực hiện ký cam kết đảm bảo ATTP. Do vậy, một số nhà hàng đã chú ý trang bị phương tiện, dụng cụ như tủ đựng thực phẩm, dụng cụ gắp thực phẩm để tránh ô nhiễm, vị trí bán thực phẩm cũng được sắp xếp để tránh xa nguồn ô nhiễm. Tuy nhiên vẫn còn xảy ra tình trạng người bán thực phẩm không đeo găng tay, không sử dụng bảo hộ lao động trong quá trình chế biến thực phẩm, nguồn nước vệ sinh bát đĩa còn thiếu. Bên cạnh đó, đa phần người kinh doanh thực phẩm trong lễ hội làm theo thời vụ và mang tính tự phát nên việc cập nhật kiến thức về ATTP rất khó khăn. Sản phẩm thực phẩm là thịt gia súc, gia cầm phục vụ cho các cửa hàng kinh doanh ăn uống tại lễ hội vẫn chưa kiểm soát được.
Để đảm bảo ATTP trong lễ hội mùa Xuân 2015, Lễ hội Khai ấn Đền Trần, phường Lộc Vượng (TP Nam Định), trước thời điểm diễn ra Lễ Khai ấn khoảng 2-3 ngày, Chi cục ATVSTP tỉnh cùng Trung tâm Y tế, Phòng Y tế thành phố xuống địa bàn để kiểm tra công tác triển khai thực hiện của địa phương và kiểm tra thực tế công tác đảm bảo ATTP tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đôn đốc địa phương có phương án đảm bảo ATTP trước, trong và sau khi diễn ra lễ hội. Cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, mỗi người dân kinh doanh thực phẩm tại lễ hội và du khách cũng cần nêu cao tinh thần tự giác chấp hành các quy định về ATTP, tránh để xảy ra tình trạng NĐTP./.
Bài và ảnh: Minh Thuận