Tốt nghiệp khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội khóa học (1999-2003), cô giáo trẻ Phạm Thị Thanh Mai về nhận công tác tại Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định. Cơ duyên đưa Mai đến với “Miền yêu thương Nam Định” cũng rất tình cờ. Đấy là vào năm 2013, khi chị làm luận văn thạc sĩ với đề tài “Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đến với đời sống tinh thần của con người Nam Định”, khiến chị có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về đạo Phật, đọc sách nhà Phật, đi thực tế tại nhiều đền, chùa trong tỉnh. Đọc nhiều, đi nhiều, chị “ngộ” ra được nhiều chân lý sâu sắc. Những dịp lang thang trên mạng để tìm tư liệu về Phật giáo, chị được biết về nhóm “Miền yêu thương Việt Nam” do Đại đức Thích Đồng Tâm tại Hà Nội sáng lập. Đắn đo, chị xin phép Đại đức lập “Miền yêu thương Nam Định” với mục đích được góp sức nhỏ bé giúp đỡ những cuộc đời bất hạnh, nghèo khổ. Mang ý tưởng này chia sẻ lại với sinh viên, Mai nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của đông đảo những trái tim trẻ tuổi, nhiệt huyết. Chuyến đi đầu tiên của nhóm làm chị nhớ mãi: “Chúng tôi chọn Cô nhi viện Thánh An Bùi Chu để mở đầu những hoạt động thiện nguyện. Địa điểm là do chồng tôi chịu trách nhiệm khảo sát và trực tiếp liên hệ. Trước khi chồng đi, tôi dặn rất kỹ, anh xuống đó, hỏi các mẹ (sơ), các con ở đấy thiếu gì nhất, cần cái gì hơn cả. Hôm đấy là một ngày mùa đông rất lạnh và kèm theo mưa. Cô trò chúng tôi chất đầy quà lên mấy chiếc xe máy rồi thẳng tiến. Một em bé xinh xắn vô cùng nhưng đôi mắt đượm buồn cứ quấn lấy tôi. Ánh mắt ám ảnh, đáng thương da diết... Đó là một trong những kỷ niệm đầu tiên khiến tôi ghi nhớ và cũng là động lực để tôi cố gắng. Chuyến đi này, chúng tôi tặng quà cho 95 cháu ở Cô nhi viện với bánh kẹo, đường sữa, xà phòng, bỉm, đồ chơi… Một nửa kinh phí cho chuyến đi, tôi tự bỏ”.
Cô giáo Phạm Thị Thanh Mai (bên phải) và thành viên “Miền yêu thương Nam Định” trong một hoạt động thiện nguyện. |
Bẵng đi hơn 1 năm, cũng đã đến ngày sinh nhật của nhóm, cô giáo Mai vẫn ngày ngày cặm cụi với hành trình mà mình xác định, kiên quyết sẽ đi. Mặc dù biết là sẽ mệt mỏi, bận rộn, vất vả. 1 lần/tuần, nhóm lại tụ tập nấu cháo chia sẻ với những bệnh nhân trong Bệnh viện Tâm thần Nam Định. Với khoảng 10kg gạo, cà rốt, thịt…, nhóm nấu được 200 suất cháo. Ngày mưa cũng như nắng, nhóm chưa bao giờ vắng mặt ở cổng bệnh viện. Là người trực tiếp lãnh đạo, dẫn dắt nhóm, cô giáo Mai thường có mặt sớm nhất khi bắt đầu công việc. Lo từ nắm gạo đi xin, bố trí chỗ nấu, mua củ quả, thịt ra sao, tổ chức những chuyến đi thiện nguyện thế nào… Cô giáo trẻ chia sẻ: “Nếu bạn có dịp được thấy cảnh những bệnh nhân tâm thần nặng không thể ra ngoài đưa tay qua song cửa sắt nhận cháo. Có thể trong thế giới xa xôi nào đó của họ, chúng tôi chưa chắc họ kịp nhận ra nhưng ánh mắt họ vô cùng vui vẻ khi chúng tôi đến. Điều đó chứng tỏ công việc của chúng tôi hiệu quả. Còn có những bệnh nhân thường xuyên đến lấy cháo của chúng tôi, họ nói, đây là lần ăn cháo cuối cùng, tuần sau em được về nhà rồi. Nhưng họ vẫn mãi là khách quen. Nghĩ như vậy, tự nhiên tôi thấy thương nhiều hơn. Và rồi chỉ biết cố gắng, dõi theo những khách quen của mình để cầu mong họ được mạnh khỏe”.
Khi còn đang đắn đo, cân nhắc xin lập nhóm ở Nam Định, suy nghĩ đầu tiên của chị Mai là, lấy gì để duy trì nhóm. Nguồn nhân lực thì chị không lo, bởi tâm nguyện của chị được rất nhiều sinh viên hưởng ứng. Chuyện muôn thuở vẫn là vấn đề kinh phí. Để có thể mua quà tặng những người nghèo khó, lang thang cơ nhỡ, trẻ em nghèo, nấu cháo cho bệnh nhân… tất cả đều cần phải có tiền. Chị Mai bảo, đi xin, đi vận động cũng không bằng “tự thân vận động”. Vậy là chị nghĩ ra cách tự huy động nguồn của nhóm, bằng các cách đơn giản nhưng hiệu quả. Đêm hè mát rượi, cô giáo Mai cùng các học trò, những người chị quen gọi là “các bạn” rong ruổi cùng nhau đạp xe mọi ngõ ngách trong thành phố đi xin phế liệu. Vào tận nhà dân, các quán nhậu, thậm chí các cơ quan... xin vỏ nhựa, vỏ bia, thùng giấy, bìa các tông… cái gì nhóm cũng xin. Rong ruổi từ 8h tối và trở về nhà khi đã 11h đêm với lỉnh kỉnh những bao tải chất đầy các loại chai nhựa. Cô trò cùng ngồi lại với nhau phân loại ngay tại hè nhà cô giáo. Rồi đi bán ngô luộc, khoai lang nướng, xin nhặt chỉ, xin gạo của những nhà hàng xóm… Hoạt động nào cô giáo Mai cũng có mặt. Dọn hàng ngô luộc, khoai nướng ở vỉa hè, chị ngồi cùng các bạn sinh viên bán cho đến đêm khuya. Nhận nhặt chỉ, chị mang về nhà riêng, rủ các bạn đến cùng nhặt cho vui. Không nề hà bất cứ công việc, nhiệm vụ nào. Bởi, theo chị Mai: “Mình là trưởng nhóm phải có trách nhiệm và nỗ lực hơn thì mới có thể truyền lửa được cho người khác. Hơn nữa, vì cũng có lúc sẽ có người nản với công việc mang tính… tùy tâm này. Cho nên, tôi cần có mặt ở bên họ”. Như một cánh chim đầu đàn, cô giáo Mai mải miết “bay” không mỏi với những hoạt động, kế hoạch của nhóm. Mặc dù, để chia sẻ phân phối thời gian cho công việc, gia đình, con cái, chị phải tranh thủ từng chút một. Tranh thủ trên đường đón con, tranh thủ giờ giải lao lên lớp để phổ biến các hoạt động của nhóm. Tranh thủ lúc chồng đi công tác, nhờ chồng khảo sát thêm tình hình nơi nào còn có nhiều hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ… Cứ như vậy, niềm vui và hạnh phúc cũng tự tìm đến với chị. Cũng bởi, làm việc thiện, tự mình cảm thấy nhẹ nhõm, cuộc sống do đó vơi nhọc nhằn. Có nhiều khi, bận rộn quá, chị định giao lại nhiệm vụ cho một ai đó mình tin tưởng nhưng như một “cái duyên”, không dứt được với niềm vui của một người vô gia cư khi nhận được thùng mì, chai dầu ăn, một bệnh nhân quen thuộc vẫn chờ đợi các chị hằng ngày, em bé có đôi mắt buồn rười rượi mà dịu dàng, ấm áp. Hay bàn tay vụng về, chai sần lén lau nước mắt của một người cha nghèo khổ được nhóm đến chăm sóc, động viên con cái họ khi ốm đau, bệnh tật… Vậy là chị lại lên đường.
Đầu năm 2015, nhóm của Mai nhận được một tin vui, có một Việt kiều ở Đức biết được hoạt động của nhóm, cảm được tấm lòng của chị đã gửi tặng nhóm 820 ơ-rô. Số tiền này có thể duy trì nồi cháo trong một thời gian dài. “Tấm lòng đã gặp được tấm lòng”, hoạt động của nhóm đã ngày càng thuận lợi hơn. Giờ thì nhiều người tự tìm đến cho gạo, nhiều nơi gọi điện nhắn có phế liệu đến để thu gom, nhiều nơi bảo có quần áo cũ đến lấy về cho các cháu mặc, nhóm đã có chỗ nấu cháo ổn định… Cứ như thế, niềm vui của chị Mai và “Miền yêu thương Nam Định” ngày càng lan tỏa./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân