Bà Hiền là hàng xóm mới của nhà tôi. Đã ngoài 70 tuổi nhưng da dẻ bà vẫn hồng hào, dáng người thanh mảnh, nền nã. Bà sống một mình, buồn nên bày bán một số mặt hàng quà ăn vặt để trẻ con trong phố đến mua để cho vui cửa vui nhà là chính chứ không nặng về lời lãi. Lúc rảnh rỗi sang chơi, tôi được bà cởi mở chuyện trò. Bà bảo, bà có cô con gái là giáo viên, sinh tới ba đứa con đều là gái, nhà cũng ở ngay đầu phố. Còn con rể bà làm nghề báo. Khi tôi hỏi bà anh ấy làm ở báo Trung ương hay địa phương thì bà cười buồn và lảng chuyện…
Một lần tình cờ tôi được nghe người quen kể về gia cảnh bà Hiền. Trước đây vợ chồng bà sống ở quê, nhà cửa, ao vườn rộng rãi, lại có nghề bốc thuốc bắc nên cuộc sống khá giả, có “của ăn, của để”. Nhưng người chồng đoản mệnh, mất sớm, bà dồn hết tâm sức, tình cảm để nuôi dạy cô con gái duy nhất. Rồi công sức của bà cũng được đền đáp. Con gái bà sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm đã được phân công về dạy ở một trường trên thành phố. Đến khi con gái đi xây dựng gia đình, thấy gia cảnh nhà thông gia khó khăn, bà bán một phần đất vườn ở quê, cộng với số vốn dành dụm được mua nhà, ở cùng để dắng các cháu cho con. Chuyện chẳng có gì để nói nếu như anh con rể bà không “sướng quá, hóa rồ”, bỗng nhiên “đốc chứng” gia trưởng: Nhà có hai con gái, mặc dù quy định không cho phép, anh vẫn bắt vợ phải sinh thêm để có con trai “nối dõi tông đường”. Còn hồi làm công nhân ở một Cty xây dựng, anh luôn than phiền công việc vất vả, nguy hiểm và tìm cách “đánh thừng, đánh chão”, vi phạm kỷ luật lao động. Khi bị Cty sa thải, anh cảm thấy bất mãn nên suốt ngày tụ tập quán xá, rượu chè, lô đề và rồi sinh thêm chứng “hoang tưởng”. Kinh tế gia đình sa sút, vợ anh nhẹ nhàng khuyên chồng đi tìm việc làm cho khuây khỏa và cũng là để phát triển tay nghề, anh trừng mắt: “Mày đừng cậy có lương mà lên mặt dạy đời!”. Biết anh có nghề xây dựng, nhiều người quan tâm giới thiệu anh đứng ra nhận xây sửa nhà, bếp cho một số hộ trong phố có nhu cầu, anh cười nhạt, sĩ diện: “Trình” của tôi là nhận những công trình từ năm bảy tầng trở lên chứ xây sửa lặt vặt, cứ để cho đám thợ quê họ làm(!). Thấy tình cảnh gia đình con gái như vậy, còn ít vốn dưỡng già, bà Hiền đành dốc hết để mua căn nhà nhỏ ra ở riêng để tránh va chạm.
Giờ thì tôi đã hiểu “thâm ý” của bà Hiền khi giới thiệu có anh con rể làm báo: Hóa ra, anh không phải là nhà báo như tôi tưởng mà là anh chỉ ở nhà “ăn báo… vợ”. Nghe chuyện, tôi cảm thấy thương bà Hiền và thầm trách giận anh con rể vô tâm, vô cảm. Bà Hiền đã thầm lặng hy sinh để vợ chồng anh có được cuộc sống hạnh phúc bình dị như bao người, sao anh không biết nâng niu, trân trọng (?). Tôi thầm mong anh ta sớm tỉnh ngộ, biết “quay đầu lại là bờ”, chịu khó làm ăn và có quan niệm sống đúng đắn để giữ gìn hạnh phúc gia đình./.
Đức Linh