Tuổi trẻ năng động, làm giàu trên quê hương

07:03, 26/03/2015

Những ngày giữa tháng 3 sôi nổi, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với 2 đảng viên, thanh niên trẻ. Họ không chỉ là những cán bộ Đoàn nhiệt huyết mà còn là những thanh niên năng động, sáng tạo, làm kinh tế giỏi.

Xóm 11, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) trước đây vốn là vùng chuyên canh cây lúa của bà con. Mấy năm trở lại đây, vùng đất này đang có sự đổi thay nhanh chóng ngoài màu xanh quen thuộc của lúa, còn xuất hiện rất nhiều mảng màu no ấm khác. Đó là màu đỏ au của những trái thanh long chín, màu xanh thẫm của những cây sanh cảnh, sắc vàng tươi của những giàn hoa mướp bắt trên giàn phủ kín những mặt ao. Một trong những người đang góp sức làm “thay da đổi  thịt” vùng đất này là Bí thư Đoàn Thanh niên xã Mỹ Trung, anh Nguyễn Văn Chiến. Năm 2004, sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, anh Chiến nhanh chóng lên kế hoạch làm giàu. Vốn có kinh nghiệm làm VAC từ những năm còn ở nhà phụ việc với bố mẹ, chú ruột, anh Chiến mạnh dạn nhận 8 sào ruộng chuyển đổi để thực hiện “giấc mơ VAC” biến đất hai lúa thành vườn, ao, chuồng. Thiếu vốn, anh mạnh dạn vay từ Ngân hàng CSXH và Ngân hàng NN và PTNT được 50 triệu đồng. Có tiền, anh thuê người đào đất, nạo vét ao nuôi cá chép vàng và các loại cá thịt như trôi, trắm, mè, chép… Tận dụng mặt nước ao mát mẻ, anh bắc giàn trồng mướp. Trên bờ anh kết hợp trồng các loại cây sanh cảnh. Anh còn đầu tư vào hệ thống chuồng trại, nuôi trên 300 con ngan, gà các loại. Đang hy vọng vụ mùa đầu tiên thắng lợi thì không may, cuối năm, ngan, gà và cá của gia đình anh bị nhiễm dịch, chết hàng loạt. Chỉ “hòa vốn” mùa đầu nhưng không vì thế mà anh chán nản. “Kinh nghiệm chăn nuôi còn non kém, trong khi bản thân tôi lại quá nóng vội, muốn thu hoạch được nhiều nên đã đầu tư chăn nuôi khá dàn trải, dẫn đến không có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu nhiều về đặc tính riêng của từng loại vật nuôi để có biện pháp phòng bệnh hợp lý”, anh Chiến chia sẻ về nguyên nhân thất bại. Để tích lũy thêm kiến thức, anh quyết tâm đầu tư thời gian tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt và chăn nuôi do Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên mở. Anh còn cất công sang tận các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên… để học thêm về kinh nghiệm nuôi trồng các loại cây, con. Có giai đoạn, anh còn xây thêm chuồng trại nuôi lợn thịt. Tuy nhiên, lợn trong chuồng bị dịch chết khá nhiều. May nhờ có thu nhập từ cá, các loại cây cảnh trong vườn giúp anh duy trì trang trại. Không đầu hàng trước thất bại, anh Chiến vẫn quyết tâm mở rộng trang trại, chuyển hướng làm ăn, tập trung chủ yếu vào nuôi cá và trồng cây cảnh. Để mở rộng ao cá, anh mua thêm ruộng mở rộng diện tích đất ao lên khoảng 3 mẫu. Trên diện tích đó, anh ngăn thành 4 ao nhỏ chia nuôi các loại cá giống, cá thịt, cá cảnh khác nhau. Hiện, anh đang thả khoảng 2 vạn cá chép. Quan sát thấy trồng quất có thể cho thu nhập ổn định mà không mất quá nhiều công chăm sóc, anh Chiến đầu tư thêm một vườn quất. Anh còn trồng thêm một số cây ăn quả như ổi không hạt, thanh long ruột đỏ, bưởi Diễn… Hiện, anh có khoảng 1.000 cây sanh, 100 cột thanh long, 100 cây ổi, vài chục cây bưởi Diễn. Nhờ kiên trì, quyết tâm làm giàu, đến nay trang trại của anh đã cho thu nhập ổn định. Năm 2014, sau khi trừ chi phí, anh thu về 150 triệu đồng. Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, anh Chiến cho biết đang có kế hoạch mua thêm đất để mở rộng trang trại, thử nghiệm trồng một số loại hoa. Theo anh, điều quan trọng nhất để thành công là phải… không sợ thất bại, chịu khó học hỏi, trau dồi kiến thức. Không chỉ là tấm gương thanh niên làm kinh tế giỏi, anh Chiến còn rất đam mê, nhiệt huyết với các hoạt động Đoàn. Xuất ngũ trở về, anh tích cực tham gia vào các hoạt động đoàn thể ở địa phương. Từ năm 2006, anh được bầu là Phó Bí thư Đoàn xã Mỹ Trung. Từ năm 2012 đến nay, trên cương vị là Bí thư Đoàn xã, anh Chiến khởi xướng và đi đầu trong rất nhiều hoạt động Đoàn như tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, xung kích phát triển kinh tế… Năm 2006, anh Nguyễn Văn Chiến vinh dự được kết nạp vào Đảng CSVN.

Anh Nguyễn Văn Chiến, Bí thư Đoàn xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) chăm sóc cây cảnh.
Anh Nguyễn Văn Chiến, Bí thư Đoàn xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) chăm sóc cây cảnh.

Chúng tôi đến thăm xưởng sản xuất tăm, hương của anh Phạm Đình Độ, đội 12, xã Trực Thanh (Trực Ninh) khi anh đang trực tiếp đứng máy cùng những người thợ trong xưởng. Cách đây 2 năm, nghề làm tăm, hương chưa xuất hiện nhiều trên địa bàn huyện Trực Ninh. Quan sát thấy thị trường rộng mở, anh Độ quyết tâm học nghề rồi đầu tư các loại máy móc hiện đại, mở xưởng. Trừ chi phí, mỗi năm anh thu về khoảng 400-500 triệu đồng. Đây là kết quả của những nỗ lực không ngừng, quyết tâm dám nghĩ dám làm của anh Độ. Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, anh chia sẻ: “Tốt nghiệp THPT năm 1999, 1 năm sau tôi vào Sài Gòn tìm việc. Chán cảnh làm thuê không có tương lai, tôi rời Sài Gòn về quê rồi lại quay ra Hà Nội học nghề điện, nước đi sửa chữa cho các hộ gia đình. Lang thang mãi, tôi nhận thấy, không đâu bằng được quê mình, nếu chịu khó, tôi vẫn có thể làm giàu được trên chính mảnh đất quê hương”. Nghĩ thế nên khi tìm được hướng làm tăm, hương, anh Độ nhanh chóng bắt tay vào làm. Tuy nhiên, như nhiều thanh niên khác khi mới khởi nghiệp, khó khăn ban đầu anh gặp phải chính là vốn. Gom góp tất cả các nguồn trong nhà, anh dành dụm được khoảng 70 triệu đồng. Số tiền này chưa “thấm” vào đâu để mở xưởng. Mạnh dạn, anh làm hồ sơ vay thêm tiền từ Ngân hàng CSXH và Ngân hàng NN và PTNT. Với số vốn ban đầu, anh đầu tư xây xưởng và mua máy móc phục vụ sản xuất. Những năm đầu tiên, việc sản xuất không hẳn thuận lợi. Khi đó, do chưa có thương hiệu, chưa tạo dựng được lòng tin nên việc tiêu thụ hàng gặp nhiều khó khăn. Để bán sản phẩm, anh phải trực tiếp đến nhiều cửa hàng trong huyện, tỉnh để chào hàng. Đây cũng là quãng thời gian vất vả nhất khi tăm, hương sản xuất ra có thời điểm không bán được, liên tục bị ế ẩm. Không chịu lùi bước, anh Độ lại kiên trì thuyết phục, mang hàng đi rao khắp nơi. Chú trọng về mẫu mã, gia công để sản phẩm có chất lượng tốt nhất, dần dần sản phẩm của anh đã được khách hàng chấp nhận. Từ đó, công việc làm ăn của anh thuận lợi hơn và bắt đầu có lãi. Nhận thấy tiềm năng phát triển của nghề làm tăm, hương xuất khẩu, anh Độ mạnh dạn mua sắm thêm máy móc để phục vụ sản xuất. Anh còn chung vốn với anh trai mở thêm 1 xưởng tăm, tạo việc làm cho khoảng gần 50 lao động địa phương với mức lương trung bình từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của xưởng anh không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn vươn ra các thị trường “khó tính” đòi hỏi chất lượng nghiêm ngặt như Ấn Độ. Bận rộn với công việc kinh doanh nhưng anh Độ vẫn rất tích cực tham gia công tác Đoàn, Hội. Là thanh niên điển hình làm kinh tế của huyện, anh thường xuyên tham gia nói chuyện, trao đổi kinh nghiệm kinh doanh tại các diễn đàn thanh niên phát triển kinh tế của xã, của huyện. Nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn, chia sẻ với mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ đến tham quan, học tập mô hình sản xuất, anh Độ là tấm gương cho nhiều thanh niên nông thôn khác học hỏi, phấn đấu. Hiện anh là thành viên CLB Sáng tạo khởi nghiệp do Hội LHTN tỉnh thành lập, Ủy viên BCH Hội LHTN huyện Trực Ninh. Năm 2014, anh Phạm Đình Độ đã được kết nạp Đảng.

“Mùa xuân khởi đầu từ tuổi trẻ”, với sức trẻ, nhiệt huyết, những đảng viên, đoàn viên sẽ tiếp tục phát huy sức trẻ, sự năng động, sáng tạo làm giàu cho quê hương, trở thành “nguồn cảm hứng” cho khát khao làm giàu của những thanh niên khác./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com