Cách đây 25 năm, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) trực thuộc Bộ Tài chính được tái thành lập và đi vào hoạt động theo Quyết định số 07/HĐBT ngày 4-1-1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Với phương châm củng cố, ổn định và phát triển, hệ thống KBNN đã có những bước đi vững chắc, từng bước khẳng định vai trò là một công cụ quan trọng trong bộ máy hành chính Nhà nước với các chức năng: Quản lý quỹ ngân sách Nhà nước (NSNN), các quỹ tài chính Nhà nước, các quỹ Nhà nước giao quản lý, quản lý ngân quỹ, tổng kế toán Nhà nước, huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển.
Cùng với sự ra đời của hệ thống KBNN cả nước, KBNN tỉnh được thành lập (tiền thân là KBNN Hà Nam Ninh (từ tháng 4-1990 đến tháng 3-1992), KBNN Nam Hà (từ tháng 4-1992 đến tháng 12-1996) và KBNN Nam Định từ tháng 1-1997 đến nay). Trong suốt chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của Bộ Tài chính; sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các sở, ban, ngành, các đơn vị trong tỉnh cùng với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của các thế hệ cán bộ, công chức, KBNN tỉnh đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào sự lớn mạnh của ngành Tài chính, KBNN và sự nghiệp xây dựng, phát triển của tỉnh. Với mục tiêu phấn đấu thu nhanh, đầy đủ, chính xác mọi nguồn thu vào NSNN, đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi của NSNN; KBNN tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành Tài chính, Thuế, Hải quan hướng dẫn, tổ chức cho các đơn vị, cá nhân thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, thường xuyên nghiên cứu cải tiến quy trình thu, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thu nộp thuế, nâng cao chất lượng công tác kế toán, thanh toán. Với quy mô thu NSNN qua KBNN Nam Định tăng nhanh qua từng giai đoạn; trong những năm đầu thập kỷ 90, khối lượng thu NSNN hằng năm khoảng hơn 100 tỷ đồng, đến nay khối lượng thu NSNN đã lên tới hơn 2.500 tỷ đồng/năm. Với việc cải tiến quy trình, hình thức thu nộp, KBNN tỉnh luôn đảm bảo tập trung đầy đủ, hạch toán kịp thời và phân chia chính xác số thu cho các cấp ngân sách. Hiện nay, KBNN tỉnh đang cùng với các ngành hữu quan thực hiện phối hợp thu, thực hiện đề án hiện đại hoá công tác thu nộp NSNN với những cải cách đột phá về quy trình thu nộp, chuyển phương thức thu nộp NSNN bằng tiền mặt sang hình thức thu mới hiện đại, tăng cường trao đổi thông tin giữa cơ quan thu - KBNN - hệ thống ngân hàng, rút ngắn thời gian giao dịch và tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ với NSNN, góp phần thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực thu nộp NSNN. Bên cạnh nhiệm vụ tập trung nguồn thu, KBNN tỉnh còn được Bộ Tài chính, KBNN giao thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, thanh toán, chi trả mọi nhu cầu chi tiêu của NSNN theo quy định của Luật NSNN trên địa bàn tỉnh với khối lượng hơn chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Ban đầu, KBNN chỉ tập trung kiểm soát các khoản chi thường xuyên và các chương trình mục tiêu quốc gia, từ năm 2000 hệ thống KBNN đã kiểm soát toàn diện các khoản chi của NSNN, bao gồm cả chi đầu tư xây dựng cơ bản. Trong bối cảnh nền kinh tế đang ở giai đoạn chuyển đổi, cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa ổn định, có nhiều thay đổi, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý đầu tư XDCB, hệ thống KBNN đã nghiên cứu áp dụng nhiều biện pháp quản lý, nâng cao trình độ cán bộ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý và các chủ đầu tư, hoàn thiện các quy trình, thủ tục kiểm soát, thanh toán theo hướng "một cửa", đơn giản hoá thủ tục, rút ngắn thời gian giao dịch... để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thông qua công tác kiểm soát chi, KBNN tỉnh đã ngăn chặn và từ chối thanh toán nhiều khoản chi chưa đúng chế độ quy định với số món bình quân mỗi năm khoảng 500 món, số tiền hàng tỷ đồng mỗi năm, giúp cho công tác quản lý tài chính của các đơn vị sử dụng NSNN trên địa bàn đi vào nền nếp. Hiện nay, KBNN tỉnh đã kiểm soát chi và thanh toán NSNN trên địa bàn tỉnh cho hơn 2.500 đơn vị sử dụng ngân sách theo đúng chế độ và thanh toán kịp thời. Năm 2014, KBNN tỉnh đã kiểm soát chi và thanh toán 14.115 tỷ đồng ngân sách các cấp trên địa bàn. Trong đó chi thường xuyên: 9.255 tỷ đồng, chi đầu tư xây dựng cơ bản 4.860 tỷ đồng. Thực hiện phương thức thanh toán hiện đại là thanh toán bù trừ điện tử tại Văn phòng KBNN tỉnh và thanh toán song phương điện tử giữa KBNN các huyện, thành phố với các ngân hàng thương mại, do đó luôn bảo đảm khả năng thanh toán, chi trả mọi khoản chi của NSNN nên đã sử dụng được một phần đáng kể ngân quỹ KBNN nhàn rỗi gửi tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn để tạo nguồn cho vay, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
Giao dịch tại Kho bạc Nhà nước Nam Định. |
Nhằm huy động các nguồn vốn trong xã hội cho đầu tư phát triển, bổ sung các yêu cầu chi NSNN, KBNN tỉnh đã chủ động triển khai kế hoạch huy động vốn từng thời kỳ theo sự chỉ đạo của Bộ Tài chính và KBNN. Đến nay công tác huy động vốn đã được tập trung về KBNN Trung ương thực hiện qua kênh đấu thầu tập trung. Thông qua công tác huy động vốn, KBNN đã góp phần tích cực vào việc cân đối ngân sách, thực hiện các chính sách tài chính - tiền tệ của Nhà nước trong từng thời kỳ.
Trong 25 năm qua, KBNN Nam Định thường xuyên thực hiện nghiêm túc các quy trình nghiệp vụ, đặc biệt trong lĩnh vực kiểm soát chi, thanh toán, quản lý tiền mặt, quản lý kho quỹ. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, biện pháp quản lý, tăng cường sử dụng hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ đã giúp các đơn vị KBNN các huyện, thành phố phát hiện và ngăn chặn các sai sót có thể xảy ra. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện các quy định và tổ chức công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động của các KBNN Nam Định trên phạm vi toàn tỉnh. Thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, quy định rõ phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn, những việc được làm, những việc không được làm của từng cán bộ, công chức. Nhờ vậy, KBNN Nam Định đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo an toàn tuyệt đối tiền và tài sản của Nhà nước giao cho KBNN quản lý. Đạt được những kết quả trên, KBNN tỉnh luôn coi trọng và tập trung thực hiện mục tiêu hiện đại hoá để tạo tiền đề phát triển nhanh và bền vững. Đến nay, hệ thống công nghệ thông tin của KBNN Nam Định đã có bước phát triển vượt bậc, trở thành một trong những hệ thống mạnh và có uy tín trong ngành Tài chính Nam Định nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung. Bên cạnh đó, KBNN tỉnh luôn quan tâm thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính trong các hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của KBNN, chú trọng thực hiện các quy trình nghiệp vụ theo hướng "một cửa", rút ngắn thời gian giao dịch, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong quan hệ với Kho bạc. Ngoài ra, KBNN tỉnh tăng cường củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị được giao. Thường xuyên tổ chức sâu rộng các phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực gắn với công tác chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng văn minh, văn hóa nghề Kho bạc nhằm tạo động lực thúc đẩy cán bộ, công chức hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chuyên môn, chính trị được giao. Với những thành tựu đã đạt được qua 25 năm xây dựng và phát triển, KBNN tỉnh đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng: Nhất, Nhì, Ba cho 12 tập thể và 9 cá nhân; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 16 tập thể và 54 cá nhân; Bộ Tài chính tặng Lá cờ đầu cho KBNN Nam Định các năm 1992, 2008; ba lần được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc.
Phát huy những thành tích đã đạt được trong 25 năm qua, KBNN tỉnh đã xây dựng chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 là: Xây dựng KBNN hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển ổn định vững chắc trên cơ sở cải cách thể chế, chính sách; hoàn thiện tổ chức bộ máy, gắn hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực để thực hiện tốt các chức năng quản lý quỹ NSNN và các quỹ tài chính Nhà nước; huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển. Đến năm 2020, các hoạt động KBNN được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và hình thành Kho bạc điện tử. Để đạt được mục tiêu đó, thời gian tới KBNN tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết của toàn thể đội ngũ cán bộ công chức, đẩy mạnh các phong trào thi đua nhằm khơi dậy tiềm năng, nguồn lực để nâng cao chất lượng công tác và hiệu quả quản lý, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao, góp phần hoàn thành thắng lợi sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Bài và ảnh: Phạm Văn Đại