Đem theo câu hỏi “Người dân ở các vùng “lõm” trong tỉnh đón Tết ra sao”, một ngày giáp Tết Nguyên đán 2015, chúng tôi tìm về Khu kinh tế mới Điện Biên, xã Giao An (Giao Thủy), làng chài Phong Doanh, xã Yên Nhân (Ý Yên) và không khỏi ngạc nhiên trước cuộc sống ấm no, sung túc của bà con ở các vùng quê “mới”.
Từ vùng đất hạ lưu sông Hồng
Khu kinh tế mới Điện Biên thuộc xã Giao An (Giao Thủy) nằm bên hạ lưu sông Hồng. Trải dài hút tầm mắt chúng tôi là màu xanh biếc của những thửa ruộng trồng cây dược liệu, cây vụ đông đan xen cùng lấp lánh ánh bạc của những vuông đầm nuôi trồng thủy sản dưới ánh nắng xuân chạy dài tít tắp ra tận mép nước. Dẫn chúng tôi đi dọc theo tuyến đê Trung Ương, phóng tầm mắt nhìn ra phía biển, đồng chí Trần Văn Tuân, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Khu kinh tế mới Điện Biên được thành lập năm 1994 theo chủ trương di dân của tỉnh. Người dân chủ yếu đến từ các vùng quê trong huyện Giao Thủy và các vùng lân cận. Ban đầu nơi đây là vùng bãi sình lầy thâm u, dù được cải tạo nhưng cũng chỉ trồng được cây cói, cây khoai; đặc biệt sau mỗi mùa mưa bão, đất lại bị nhiễm chua mặn nên cuộc sống, thu nhập của người dân luôn bấp bênh. Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của những người dân mới đến đây “sinh cơ, lập nghiệp”, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã luôn trăn trở, tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn. Từ một phần ngân sách xã và huy động các nguồn lực, xã đã tập trung cải tạo nâng cấp hạ tầng như: tổ chức nạo vét hàng chục km kênh mương dẫn nước ngọt từ sông Chỉ Nam ra khu vực bãi ngoài đê Trung Ương để cải tạo đất canh tác; mở 7 cống dẫn nước ngọt từ nội đồng ra khu vực ngoài đê… Đến nay tổng diện tích đất khu vực ngoài bãi là trên 600ha, trong đó có 22ha đất nông nghiệp, gần 600ha diện tích ao đầm phục vụ nuôi trồng thủy sản đã được cải tạo, nâng cấp. Bên cạnh đó, Đảng ủy, UBND xã phối hợp với các ngành chức năng ở huyện tổ chức dạy nghề nuôi trồng thủy sản và trồng cây dược liệu, cây màu vụ đông cho bà con. Đến nay nhiều hộ dân trong Khu kinh tế mới Điện Biên đã đầu tư phát triển kinh tế trang trại như nuôi trồng thủy sản, trồng cây dược liệu, chăn nuôi gia súc mang lại thu nhập cao. Tiêu biểu như ông Phạm Văn Hoàn, xóm 21 nhận thầu trên 5ha đất bãi trồng dưa hấu, cây đinh lăng và nuôi dê, lợn; ông Đỗ Xuân Vĩnh, đấu thầu trên 5ha nuôi tôm và trồng rau câu mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Cùng với việc tạo điều kiện mặt bằng phát triển sản xuất, xã vận động các hộ dân cải tạo nâng cấp hệ thống giao thông thôn, xóm; vượt nền xây tường bao cho trường tiểu học khu B để 200 học sinh là con em người dân trong Khu kinh tế mới Điện Biên được tới trường; đầu tư cơ sở vật chất để trường mầm non của khu đạt chuẩn mức độ 2; phối hợp với Đồn Biên phòng Ba Lạt xây dựng Trạm quân dân y kết hợp để thực hiện việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện Đề án xây dựng NTM, riêng các xóm trong Khu kinh tế mới Điện Biên được xã ưu tiên hỗ trợ 30% kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng như: nâng cấp đường giao thông và xây dựng nhà văn hóa để nâng cao đời sống sinh hoạt cho nhân dân. Năm 2014, xã đã hỗ trợ trên 300 triệu đồng cho các xóm nâng cấp trên 10km đường giao thông. Đồng chí Đỗ Xuân Vĩnh, Bí thư Chi bộ thôn 21 cho biết: Sau hơn 20 năm quai đê lấn biển, bằng sức mạnh từ sự hòa quyện giữa “ý Đảng và lòng dân”, từ một vùng đất hoang sơ, Khu kinh tế mới Điện Biên đã trở thành miền quê trù phú. Từ lớp cư dân ban đầu với 300 hộ dân ở 2 đội sản xuất, đến nay Khu kinh tế mới Điện Biên đã phát triển lên trên 600 hộ với 2.800 khẩu ở 6 xóm. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; những ngôi nhà kiên cố khang trang đang được xây mới ngày càng nhiều. Công cuộc khai hoang, lấn biển theo chủ trương của tỉnh đã thành công, diện mạo Khu kinh tế mới Điện Biên ngày càng khởi sắc.
Làng chài Phong Doanh, xã Yên Trị (Ý Yên) đang từng ngày đổi mới. |
Đến vùng bãi bồi ven sông Đáy
Ở vùng đất bãi ven sông Đáy thuộc xã Yên Nhân (Ý Yên) có một ngôi làng có tuổi đời còn rất trẻ. Đó là làng chài Phong Doanh. Đồng chí Trần Văn Hân, Trưởng xóm chài cho biết: Nói làng trẻ ấy là nói đến số năm người dân trong làng được định cư trên bờ chứ làng chài Phong Doanh đã có tuổi đời gần 100 năm. Từ những năm 1930 của thế kỷ trước, làng chài gồm 7 hộ dân đã ngụ cư bên cửa sông Đáy. Trong kháng chiến chống Pháp, các hộ dân trong làng chài đã từng tham gia chở bộ đội và du kích qua sông Đáy đánh Pháp trong Chiến dịch Hòa Bình. Mở đường thông thương giữa khu Bốn, khu Ba và Chiến khu Việt Bắc. Trong suốt mấy chục năm trời, cuộc sống của người dân chốn sông nước vô cùng thiếu thốn, không điện, không nước, trẻ em đến tuổi không được đến trường hoặc phải bỏ học sớm vì sự học ở đây quá vất vả. Năm 2000, thực hiện chủ trương của huyện Ý Yên về việc ổn định nơi ở cho dân làng chài, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo, xây dựng phương án định cư ổn định cho 25 hộ dân làm nghề chài lưới trên sông Đáy. Trong câu chuyện với chúng tôi, trưởng làng chài Phong Doanh xúc động nói về sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với cuộc sống của các hộ dân làng chài. Đó là câu chuyện về sự trăn trở của Bí thư Đảng ủy xã Chu Minh Giang. Trước cuộc sống bấp bênh, tiềm ẩn rủi ro của các hộ dân ven sông Đáy, là Bí thư Đảng ủy xã, anh đã đề nghị các ngành chức năng của tỉnh, của huyện cho lập quy hoạch chi tiết khu vực làng chài, cấp đất cho các hộ dân trong làng, đồng thời cùng với Đảng ủy, UBND xã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt của các hộ dân. Ngoài việc quy hoạch quỹ đất cấp cho các hộ dân trải dọc chiều dài 1km theo triền sông từ ngã ba sông Đáy đến sông Độc Bộ, xã còn cho các hộ dân mượn mặt bằng, xây dựng bến bãi phát triển sản xuất. Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã đã tổ chức các lớp dạy nghề vận tải, nghề may, nghề nuôi trồng thủy sản cho các hộ dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, làng chài Phong Doanh đã có tổng số 95 hộ dân với 350 khẩu. Trong đó, có 70 hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cấp gần 1.100m2 đất xây dựng nhà thờ họ đạo và 720m2 đất xây dựng nhà văn hóa phục vụ tín ngưỡng tôn giáo và nơi sinh hoạt cộng đồng cho nhân dân. Trong thôn đã hình thành 3 doanh nghiệp làm nghề vận tải thủy với doanh thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho trên 300 lao động. Gần 100% số lao động trong làng có thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng từ các nghề may, vận tải thủy. Tốc độ phát triển kinh tế của xóm hiện đứng đầu trong xã. Theo ông trưởng xóm chài Phong Doanh, bước ngoặt trong cuộc sống của người dân làng chài không chỉ là kinh tế mà là sự học của con em làng chài. Đó mới là sự thay đổi mang dấu ấn lịch sử của cả một cộng đồng dân cư. Nếu như trước năm 2000 người dân làng chài chỉ học đến biết đọc, biết viết thì đến nay con em trong làng chài đã 1 người có bằng thạc sĩ, 25 người đã và đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng. Nhiều em đã đoạt giải học sinh giỏi của huyện, của tỉnh…
Sự đổi thay của Khu kinh tế mới Điện Biên và làng chài Phong Doanh hôm nay khẳng định vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc chăm lo cho đời sống của nhân dân như sinh thời, Bác Hồ đã từng mong muốn: ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Một mùa xuân đang về trên những vùng đất mới mang theo niềm tin và hy vọng về sự phát triển./.
Bài và ảnh: Trần Văn Trọng