Theo Thượng tá Trịnh Duy Dương, Phó Phòng Cảnh sát đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh): Rượu, bia là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ TNGT nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán và mùa lễ hội. Vì thế thời gian này số vụ TNGT và mức độ thiệt hại luôn tăng gấp nhiều lần so các thời điểm trong năm. Cá biệt, có trường hợp kết quả đo nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện gây TNGT vượt mức cho phép 200%. Tại tỉnh ta, ngay sau Tết Nguyên đán có nhiều lễ hội mùa xuân, bởi vậy việc tăng cường phòng, chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện tham gia giao thông uống rượu, bia được Ban ATGT tỉnh, các ngành chức năng xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đảm bảo trật tự ATGT.
CSGT Công an tỉnh kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn tại Thành phố Nam Định. |
Ban ATGT tỉnh đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện chuyên đề kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Chuyên đề được triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh, tổ chức các tổ công tác phối hợp giữa lực lượng CSGT với cảnh sát cơ động, công an các huyện, thành phố, công an xã và kết hợp xử lý vi phạm nồng độ cồn với các vi phạm khác về trật tự ATGT. Trước đó, từ tháng 12-2014 Ban ATGT tỉnh và Ban ATGT các huyện, thành phố đã tập trung tuyên truyền về kế hoạch kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu, bia. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn quy định pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông; thông tin kịp thời kết quả xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện. Sở GTVT tăng cường biện pháp kiểm soát nồng độ cồn với lái xe các doanh nghiệp vận tải khi xuất bến. Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý vận tải của các đơn vị quản lý, các doanh nghiệp về “Quy định của pháp luật trong hoạt động vận tải đường bộ và các biện pháp phòng chống vi phạm nồng độ cồn”. Các sở, ngành, đoàn thể như: TT và TT, LĐLĐ tỉnh, Tỉnh Đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống lạm dụng rượu, bia trong cán bộ, công chức, người lao động và thanh niên, học sinh, sinh viên; đồng thời ban hành quy định cán bộ, công nhân viên chức gương mẫu không sử dụng rượu, bia vào buổi trưa, trong giờ làm việc; không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia. Hiệp hội vận tải ô tô Nam Định cũng tăng cường tuyên truyền, vận động lái xe tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn khi điều khiển xe. Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng CSGT thực hiện các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, trong đó vào dịp Tết sẽ tập trung kiểm tra từ ngày 1 đến 28-2-2015. Đồng thời tổ chức tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch thường xuyên, trong đó kiểm tra cả các trường hợp nghi sử dụng rượu, bia. Đặc biệt trong các đợt chiến dịch, lực lượng chức năng phải áp dụng quy trình kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên theo kinh nghiệm quốc tế. Để đạt chất lượng cao trong các đợt cao điểm xử lý vi phạm, lực lượng chức năng đã tiến hành khảo sát, nắm chắc tình hình thực tế, địa điểm để lập chốt kiểm tra, xử lý vi phạm tại các huyện, thành phố theo đúng quy định, đồng thời hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ, phổ biến kinh nghiệm lập chốt kiểm soát, phương pháp đo nồng độ cồn, phương án phân luồng tránh ùn tắc giao thông cho các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ. Ngoài ra, còn bố trí lực lượng ứng trực thường xuyên vào các giờ cao điểm tại các tuyến quốc lộ để xử lý vi phạm nồng độ cồn, kết hợp với các hành vi vi phạm khác như tập trung kiểm tra các lái xe tải, xe khách, xe taxi vi phạm quá tải, quá tốc độ quy định… bảo đảm kiểm tra khép kín địa bàn, nhằm hạn chế mức thấp nhất TNGT xảy ra. Hiện nay, Công an các huyện, thành phố đã đồng bộ vào cuộc phối hợp kiểm tra nồng độ cồn đối với tất cả người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông. Tại các điểm kiểm tra, tất cả các lái xe ô tô và mô tô đều phải đi đúng luồng quy định và dừng để kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở. Kết quả thực hiện những ngày đầu chiến dịch cho thấy, cơ bản các lái xe đã chấp hành. Tuy nhiên theo các cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ cho biết, vẫn còn không ít đối tượng gây khó khăn bởi quá say, không làm chủ được bản thân hoặc có uống rượu sợ bị phạt nên cố tình không chấp hành hiệu lệnh, mất nhiều thời gian cho lực lượng thực thi nhiệm vụ ảnh hưởng đến hoạt động giao thông.
Song song với kiểm tra, xử lý vi phạm, Ban ATGT tỉnh cũng chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nhắc nhở người dân về tác hại và hậu họa việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, qua đó tạo sự đồng thuận cao và chuyển biến tích cực về nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về việc sử dụng rượu, bia hợp lý và vấn đề bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng khi tham gia giao thông./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý