Những năm qua, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do các cấp công đoàn phát động đã thu hút được đông đảo CNVCLĐ nhiệt tình hưởng ứng. Bằng đam mê, sự nhiệt huyết, nhiều CNVCLĐ không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, tìm tòi, sáng tạo, nghiên cứu các đề tài, sáng kiến mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động sản xuất, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đơn vị, địa phương.
Đồng chí Dương Văn Khang nhân viên phòng kỹ thuật Cty CP May Nam Hà xử lý lỗi kỹ thuật của máy may. |
Anh Dương Văn Khang, nhân viên phòng kỹ thuật, Cty CP May Nam Hà là 1 trong 31 công nhân lao động tiêu biểu của tỉnh được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Thuận năm 2014. Trong 20 năm gắn bó với Cty, anh đã có hơn chục sáng kiến cải tiến kỹ thuật hiệu quả, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động, làm lợi cho Cty hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Những ngày mới vào làm việc tại Cty, do đảm nhận nhiệm vụ đứng chuyền sản xuất nên anh nắm vững thiết kế, cấu tạo các bộ phận của từng loại máy móc và yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm. Đó chính là những kinh nghiệm và nền tảng quan trọng giúp anh hoàn thành tốt nhiệm vụ khi được chuyển sang phòng kỹ thuật. Bằng sự đam mê, tình yêu nghề, kiên trì, chịu khó học hỏi, với mỗi mã sản phẩm, anh lại có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật giúp nâng cao năng suất, chất lượng. Các sáng kiến được ban giám đốc Cty đánh giá cao như: sáng kiến cải tiến công đoạn đục lỗ đóng ô-dê, làm ke chạy dây bằng máy dích dắc, làm ke lộn dây tự động. Trước đây đối với các mã hàng có dây thường trải qua các công đoạn máy dây sau đó đưa ra lộn bằng tay thủ công. Phương pháp này mất rất nhiều thời gian, năng suất và chất lượng sản phẩm kém. Mất 1 năm trời mày mò, anh Khang đã nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm thành công loại ke mới, vừa may vừa lộn bỏ qua công đoạn lộn bằng tay thủ công. Áp dụng sáng kiến này vào thực tiễn hoạt động sản xuất tại Cty, năng suất lao động tăng gấp 3 lần, tiết kiệm được 3/4 thời gian; giảm sức lao động, công nhân làm công đoạn này vừa chạy máy vừa có thể làm thêm việc phụ khác. Hay sáng kiến ke viền quần áo tắm có chun. Trước đây, Cty đầu tư mua máy viền và ke ngoài thị trường về lắp đặt đưa vào sản xuất. Ke ngoài thị trường mua giá cao lên tới 100 nghìn đồng/cái nhưng đường may không chính xác, cong vênh, chất lượng sản phẩm không đảm bảo. Để khắc phục tình trạng này, anh Khang đã nghiên cứu và chế tạo ke viền quần áo tắm có chun kích thước chuẩn, phù hợp giúp lắp đặt và áp dụng vào sản xuất đường viền trên sản phẩm thẳng hơn, mũi chỉ đều đặn và đẹp hơn. Đồng chí Đoàn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Cty chia sẻ: Đối với mỗi mã sản phẩm, đồng chí Khang lại nghiên cứu, sáng tạo các loại ke và những sáng kiến áp dụng hiệu quả vào từng công đoạn; đặc biệt, sáng kiến làm ke lộn dây tự động là sáng kiến “độc nhất, vô nhị” mà trên thị trường chưa có. Nhờ đó năng suất, chất lượng sản phẩm của Cty được nâng cao và có sự khác biệt đối với những doanh nghiệp may khác giúp thương hiệu của Cty được giữ vững. Đến nay, những khách hàng lâu năm của Cty là những tập đoàn, thương hiệu lớn của Mỹ và EU, Nhật Bản vẫn tiếp tục tin tưởng, đồng hành cùng Cty trong quá trình sản xuất và phát triển. Do vậy, năm 2014, doanh thu của Cty đạt trên 85 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2013.
Là giáo viên giỏi cấp tỉnh, với nhiều sáng kiến áp dụng vào công tác giảng dạy và quản lý tại trường mang lại hiệu quả thiết thực, đồng chí Vũ Thị Lụa, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Giao Tiến C (Giao Thuỷ) cũng là tấm gương tiêu biểu trong đội ngũ đoàn viên công đoàn lao động giỏi, lao động sáng tạo. Tiêu biểu như sáng kiến kinh nghiệm “Tổ chức thực hiện hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng giảng dạy trong trường tiểu học”. Đề tài đã chỉ ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn tại đơn vị. Theo đó, giải pháp đầu tiên đưa ra là phải làm tốt công tác phối hợp giữa cha mẹ học sinh và giáo viên chủ nhiệm trong việc quản lý, động viên con em mình thực hiện đúng nền nếp, quy định của nhà trường. Đối với đội ngũ giáo viên cần thực hiện nền nếp trong dạy học, cụ thể là xây dựng nền nếp trong thực hiện thời khóa biểu; xây dựng kế hoạch bài giảng, chuẩn bị giáo án; duy trì nền nếp sinh hoạt chuyên môn... Nhờ đó, việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại đơn vị khoa học và đạt hiệu quả cao hơn. Trong quá trình giảng dạy, nhận thấy các em học sinh hay phát âm ngọng, sai và nặng một số từ mang tính địa phương. Để cải thiện tình trạng trên, với 24 năm làm công tác giảng dạy, trong đó kinh nghiệm 10 năm giảng dạy khối lớp 4, chị còn có sáng kiến rèn đọc lớp 4. Sáng kiến này đã đưa ra những giải pháp hiệu quả như: rèn cách phát âm chuẩn, đọc tốt, đọc dễ hiểu, diễn cảm cho giáo viên; biện pháp và giáo án hỗ trợ theo từng nhóm từ, cụm từ phát âm sai, nặng; ghép câu văn phù hợp với từng ngữ cảnh để giúp học sinh phát âm. Sáng kiến này đã được Ban giám hiệu nhà trường áp dụng rộng rãi trong toàn trường, đặc biệt là khối lớp nguồn - lớp 1. Nhờ vậy, đến nay, tình trạng giáo viên, học sinh phát âm nặng, ngọng tại trường đã giảm rõ rệt.
Mặc dù hoạt động trong những lĩnh vực, ngành nghề khác nhau nhưng bằng tình yêu, sự tận tụy và hết lòng với công việc, nhiều đoàn viên, CNVCLĐ luôn nỗ lực sáng tạo không ngừng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trở thành những bông hoa đẹp trong vườn hoa “lao động giỏi, lao động sáng tạo”./.
Bài và ảnh: Hoàng Dung