Những năm qua, việc thực hiện chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho vị thành niên, thanh niên luôn được ngành Y tế quan tâm. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai; cải thiện tình trạng SKSS, tạo môi trường toàn diện cho sự phát triển cả về mặt thể chất, trí tuệ và tinh thần của thanh thiếu niên.
UBND tỉnh đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chăm sóc SKSS trong thanh niên; trong đó có kế hoạch hành động giai đoạn 2011-2015 của tỉnh Nam Định thực hiện Chiến lược Dân số và SKSS Việt Nam; Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2020; Đề án triển khai “Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2015… Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Y tế đã triển khai thực hiện các chính sách và chương trình chăm sóc SKSS cho vị thành niên, thanh niên. Tại Khoa chăm sóc SKSS của Trung tâm y tế huyện, khoa sản của bệnh viện huyện, các trạm y tế xã, việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS cho thanh niên được thực hiện thường xuyên, mọi đối tượng có nhu cầu đều được đáp ứng kịp thời. Toàn tỉnh đã thành lập 2 điểm cung cấp dịch vụ thân thiện với vị thành niên, thanh niên tại Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh và Trung tâm y tế Thành phố Nam Định, tạo môi trường và cách phục vụ phù hợp, dễ tiếp cận. Các điểm dịch vụ này cung cấp thông tin về SKSS cho các khách hàng vị thành niên, thanh niên; tổ chức một số hoạt động truyền thông nhóm nhỏ, tư vấn trực tiếp về các vấn đề SKSS; khám tổng thể SKSS cho vị thành niên, thanh niên; khám điều trị các nhiễm khuẩn đường sinh sản; cung cấp các biện pháp tránh thai… Ngoài ra, tại Trạm y tế 229 xã, phường, thị trấn đều đã xây dựng góc tư vấn, chăm sóc SKSS cho thanh niên. Đối với các cơ sở y tế tư nhân, Sở Y tế đã cung cấp tranh và tờ rơi tuyên truyền về chăm sóc SKSS. Một số cơ sở dịch vụ chăm sóc SKSS đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, tạo thuận lợi trong việc tiếp cận của thanh niên khi có nhu cầu chăm sóc SKSS. Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đẩy mạnh các hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số - SKSS, tập trung vào 4 nhóm đối tượng, trong đó có vị thành niên, thanh niên. Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân được triển khai tại 33 xã của 10 huyện, thành phố; đã xây dựng mạng lưới cung cấp thông tin, tư vấn dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho Ban quản lý mô hình các cấp và tập huấn cho 100% đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở. Trong khuôn khổ của mô hình, các xã còn duy trì hoạt động của 66 CLB, nhóm đồng đẳng với sự tham gia của hàng nghìn người; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn cho các đối tượng là vị thành niên, thanh niên, nam nữ chuẩn bị kết hôn trên hệ thống đài phát thanh cơ sở và thông qua đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên dân số; cấp phát hàng vạn tờ rơi và tổ chức khám, tư vấn cho các đối tượng. Riêng năm 2014, các CLB, nhóm đồng đẳng đã tổ chức sinh hoạt 420 lần, thu hút 5.520 lượt người tham gia; cấp hơn 50 nghìn tờ rơi các loại cho các đối tượng; truyền thanh 450 buổi; tuyên truyền, vận động 41 buổi cho 7.212 lượt người và tư vấn 432 buổi cho 5.232 lượt người; khám, tư vấn cho các đối tượng tại 10 xã của 10 huyện, thành phố với hơn 1.700 lượt người, trong đó phát hiện 102 ca bệnh để điều trị kịp thời; triển khai thí điểm sinh hoạt ngoại khóa tại trường THPT của 3 huyện Ý Yên, Giao Thủy, Xuân Trường nhằm cung cấp các kiến thức và kỹ năng chăm sóc SKSS cho hơn 1.000 học sinh.
Cùng với ngành Y tế, để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc SKSS của vị thành niên, thanh niên, các ban, ngành, đoàn thể đã có những đóng góp tích cực. Ngành GD và ĐT tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong thực hiện tuyên truyền, giáo dục và tổ chức các CLB chăm sóc SKSS cho học sinh. Các nội dung về dân số - SKSS, dân số và phát triển, giới và giới tính được đưa vào các chương trình giảng dạy chính thức trong nhà trường; bổ sung thêm kiến thức phù hợp với nhu cầu, tâm sinh lý lứa tuổi và thuần phong mỹ tục ở các cấp học. Tỉnh Đoàn đã thành lập đội kịch tuyên truyền về SKSS vị thành niên, tổ chức biểu diễn ở một số trường THPT, THCS tại 2 huyện Nam Trực và Mỹ Lộc. Hội LHPN tỉnh được sự tài trợ của Quỹ Ford đã thực hiện dự án “Tạo sự gắn kết”, thành lập các CLB “Mẹ có con tuổi vị thành niên” và “Em gái tuổi vị thành niên” tại xã Nghĩa Hồng và Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng), góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng khi trao đổi về các vấn đề: giới, tình dục an toàn, SKSS của nữ giới tuổi vị thành niên.
Với các giải pháp đồng bộ trên, nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong việc chăm sóc SKSS cho vị thành niên, thanh niên đã được cải thiện. Độ bao phủ của các dịch vụ chăm sóc SKSS đã được mở rộng. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm sóc SKSS cho vị thành niên, thanh niên ở tỉnh ta vẫn còn những khó khăn như: Chưa kết hợp giải quyết tốt vấn đề SKSS với các vấn đề xã hội khác như tạo cơ hội học tập, việc làm cho thanh thiếu niên; thiếu sự lồng ghép chương trình SKSS với các chương trình phát triển năng lực toàn diện cho thanh thiếu niên. Do nguồn kinh phí được phân bổ hằng năm hạn chế nên việc đầu tư cho công tác này mới chủ yếu tập trung vào lĩnh vực truyền thông, giáo dục sức khỏe. Việc đầu tư về tài chính phục vụ các can thiệp về SKSS cho thanh thiếu niên còn thấp và các nguồn lực để hiện thực hóa các chính sách SKSS cho thanh, thiếu niên đã ban hành còn hạn chế. Sự quan tâm thực thi pháp luật và chính sách SKSS cho thanh thiếu niên tại cộng đồng của các cấp, ban, ngành chưa nhiều. Cán bộ y tế tại cơ sở cung cấp dịch vụ SKSS thiếu về số lượng, trình độ chuyên môn chưa đồng đều nên việc tư vấn cũng như cung cấp dịch vụ cho thanh, thiếu niên, nhất là các dịch vụ hữu ích và thân thiện còn hạn chế.
Để đạt được các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược dân số và SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2015 của tỉnh, trong đó có mục tiêu: cải thiện SKSS vị thành niên và thanh niên, đến năm 2015 tăng tỷ lệ điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS có dịch vụ thân thiện cho người chưa thành niên và thanh niên lên 50% tổng số điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS; giảm 30% số người chưa thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn, tỉnh cần bổ sung thêm đội ngũ cán bộ y tế, nhất là bác sĩ chuyên khoa sản nhi để thực hiện các chỉ số trong chăm sóc SKSS. Quan tâm đến chế độ chính sách của cán bộ y tế, nhất là cộng tác viên tại cộng đồng. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ban, ngành, các tổ chức xã hội và người dân trong việc tổ chức thực hiện mục tiêu chính sách SKSS./.
Lam Hồng