Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) và Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) là vùng đất “trẻ” - in dấu công sức, thành quả to lớn của những người “mở đất” thời đại Hồ Chí Minh: Đó là các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ và nhân dân từ nhiều vùng quê cùng hội tụ, chung sức, đồng tâm đổ mồ hôi và xương máu để biến một vùng lau sậy, cỏ lác hoang sơ thành màu xanh sự sống. Trong nhịp sống mới, vùng đất bồi với những tiềm năng to lớn đang trở thành những đô thị sầm uất trong tương lai.
Cách đây 57 năm, để có được hai chữ “Rạng Đông” trên bản đồ là công sức, thành quả to lớn mà các thế hệ Bộ đội Cụ Hồ và nhân dân đã chung sức, đồng tâm đổ mồ hôi và xương máu để biến một vùng lau sậy, cỏ lác hoang sơ thành màu xanh sự sống. Ông Nguyễn Văn Lệ, người Diễn Châu (Nghệ An) đã định cư tại miền đất Rạng Đông này ngay từ những ngày đầu tiên cho biết: Công cuộc khai hoang, lấn biển làm giàu cho Tổ quốc được khởi công đúng ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh 19-5-1958 và cũng là ngày có quyết định thành lập nông trường mang tên “Rạng Đông”. Thế hệ những người “mở đất” là hơn 900 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị “Quyết tử quân” Tiểu đoàn 231 Thừa Thiên - Huế, Đại đội 430 Quảng Trị - sau là Trung đoàn 269. Những chiến sĩ “mình đồng da sắt” của miền Trung sau chiến thắng Điện Biên Phủ lại giương cao ngọn cờ “Quyết chiến, quyết thắng” vượt sông Đáy đến với quê biển Nghĩa Hưng bắt tay làm kinh tế, xây dựng miền Bắc XHCN. Với tinh thần “Thắp đuốc làm đêm”, “Thanh niên phi nước đại, phụ lão chẳng ngại khó khăn”, những người lính Trung đoàn 269 cùng Tiểu đoàn I Nam Định và dân quân địa phương ngày đêm quai đê, lấn biển. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có hơn 500 nông trường viên tái ngũ; và có 150 người đã anh dũng hy sinh trên chính mảnh đất nông trường, có 24 chiến sĩ đã ngã xuống do máy bay Mỹ sát hại.
Cảng Ninh Cơ, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu). |
Năm 1987, đất nước bước vào công cuộc đổi mới, Thị trấn Rạng Đông được thành lập để cùng với nông trường xây dựng và phát triển vùng đất ven biển này. Với trên 20km bờ biển, vùng bãi triều rộng lớn và nguồn phù sa, vi sinh vật của 2 cửa sông Ninh Cơ và sông Đáy đã tạo cho Rạng Đông nhiều lợi thế trong nuôi trồng thủy, hải sản. Từ hơn 10 năm trở lại đây, mô hình nuôi lồng ghép tôm, cá song và cá bống bớp trên cùng đơn vị diện tích ao nuôi của cư dân nông trường Rạng Đông cho hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân yên tâm sản xuất, gắn bó với đồng đất quê hương. Thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Huyện uỷ Nghĩa Hưng về “Đổi mới công tác quản lý, tập trung khai thác và phát triển toàn diện kinh tế biển, để kinh tế biển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, những năm qua, Thị trấn Rạng Đông đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia chuyển đổi diện tích cấy lúa kém năng suất, đất vùng trũng, đất ven khu dân cư kém hiệu quả sang nuôi thuỷ sản. Đặc biệt, từ khi tổ chức cải tạo, nâng cấp hệ thống thuỷ lợi và có chủ trương cho các thành phần kinh tế, các đơn vị có vốn đấu thầu vùng Rạng Đông, đến nay đã có nhiều Cty, hộ nông dân đầu tư nuôi trồng thuỷ sản cho năng suất 4-5 tấn/ha. Qua nhiều năm tập trung khai thác, việc nuôi trồng thủy, hải sản của thị trấn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt hơn 1.000ha. Với định hướng phát triển kinh tế biển đúng đắn, nhân dân Rạng Đông đang quyết chí làm giàu từ chính mảnh đất tiềm năng của quê hương. Bên cạnh đó Thị trấn Rạng Đông cũng đang khởi sắc đón chờ những tín hiệu mới, mở ra chặng đường phát triển và hội nhập mạnh mẽ. Đô thị ven biển này sẽ có những thế và lực mới khi ngay trong năm 2015, Đề án thành lập KCN Dệt may Rạng Đông đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, KCN Dệt may Rạng Đông có quy mô khoảng 1.500ha, thu hút khoảng trên 200 nghìn lao động với tổng mức đầu tư khoảng 350 triệu USD. Theo cam kết của nhà đầu tư, chậm nhất đến quý II-2015 sẽ hoàn thành xây dựng hạ tầng và bắt đầu kêu gọi thu hút các nhà đầu tư vào KCN. Hướng đi mới này sẽ giúp Rạng Đông mang một diện mạo mới về phát triển công nghiệp và tầm vóc của một đô thị hiện đại ven biển trong tương lai.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Hải Thịnh (nay là Thị trấn Thịnh Long) là nơi bom đạn nổ nhiều nhất của cả tỉnh. Bởi máy bay Mỹ sau khi oanh tạc các mục tiêu, về qua Hải Thịnh, còn bao nhiêu bom đạn, chúng đều trút hết xuống vùng biển này. Quán triệt phương châm: lực lượng vũ trang là nòng cột của chiến tranh nhân dân, đảng bộ xã Hải Thịnh đã tập trung chỉ đạo củng cố xây dựng lực lượng nhân dân du kích, sẵn sàng chiến đấu, luôn chủ động đánh địch và thắng địch. Với tinh thần sẵn sàng Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, trong chiến đấu ác liệt, mỗi người dân Hải Thịnh là một chiến sĩ kiên cường; nhiều người con quê hương đã anh dũng hy sinh trên chính mảnh đất quê hương. Trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới, với tinh thần đoàn kết, thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thị trấn Thịnh Long tiếp tục vươn lên, xây dựng bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc. Tháng 5-2014, Thị trấn Thịnh Long là một trong 9 xã đầu tiên của tỉnh được công nhận “Xã đạt chuẩn quốc gia NTM” giai đoạn 2011-2015. Những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị trấn đạt bình quân 12,3%/năm. Hằng năm, tổng giá trị thu nhập trên địa bàn đạt từ 203-240 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển đổi tích cực; trong đó, tỷ trọng nông nghiệp giảm còn 36%; CN-TTCN và dịch vụ - du lịch chiếm 74%. Hơn 3 năm qua, nhân dân trong thị trấn đã tự nguyện hiến trên 205.740m2 đất để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, giao thông thôn, xóm; đắp mới 49,5km bờ vùng, bờ thửa; làm mới, nâng cấp 44,3km đường giao thông trong khu dân cư; nâng cấp, kiên cố hóa 43km hệ thống thoát nước dân cư. Tổng nguồn vốn huy động đạt 66 tỷ 991 triệu đồng; trong đó nguồn vốn do nhân dân đóng góp là hơn 20 tỷ đồng.
Nằm bên Biển Đông, Thị trấn Thịnh Long được mệnh danh là đô thị “hướng biển, hướng sông” giàu tiềm năng phát triển kinh tế thời kỳ hội nhập. Giữa tiết xuân, đi dọc theo cửa Lạch Giang, nơi dòng Ninh Cơ chảy ra Biển Đông, chúng tôi cảm nhận được diện mạo đô thị trong tương lai sầm uất thuộc dự án Khu kinh tế Ninh Cơ. Đồng chí Trần Thanh Hà, Bí thư Đảng uỷ thị trấn cho biết: Cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang, nằm trong hạng mục số 9, giai đoạn II của dự án phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc Bộ do Ngân hàng Thế giới tài trợ (Dự án WB6) được thực hiện tại 14 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Nam Định với tổng mức đầu tư 201,5 triệu USD (85,11% vốn vay của WB, còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ). Cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang, sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về lưu chuyển hàng hóa, giảm áp lực cho đường bộ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và góp phần mở rộng giao thương vận tải thủy, phát triển kinh tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Trong đó, công trình luồng qua cửa Lạch Giang (thuộc địa bàn Thị trấn Thịnh Long) hoàn thành sẽ thúc đẩy khai thác hiệu quả hệ thống giao thông thủy nội địa khu vực và kết nối với cả nước thông qua tuyến vận tải pha sông biển, giúp tàu có tải trọng 1.000 tấn đến các cảng trên sông Hồng và tàu 2.000-3.000 tấn đến các cảng trên sông Ninh Cơ và cảng Ninh Phúc./.
Bài và ảnh: Việt Thắng