Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, mẹ lại cặm cụi, hì hục làm bánh chè lam cho mấy chị em chúng tôi. Đây là thức quà dân dã của đồng ruộng, là món ăn truyền thống trong những ngày xuân. Làm bánh chè lam cũng không đến nỗi quá công phu mà lại ngon, nên đã trở thành món bánh phổ biến, nhất là trong thời kỳ mà đời sống còn nhiều khó khăn, các loại quà bánh Tết chưa phong phú như bây giờ.
Buổi sáng ngày cuối năm, trong cái lạnh hanh heo của trận gió mùa đông bắc, mẹ tôi lụi cụi bắc bếp rồi đem gạo ra rang. Gạo dùng để làm bánh được trộn lẫn theo tỷ lệ ba phần gạo nếp, một phần gạo tẻ. Bếp đun bằng củi, giữ ngọn lửa nhỏ và cần phải đảo đều tay để hạt gạo không bị cháy. Gạo rang xong có màu vàng ươm, giòn tan, toả hương thơm ngầy ngậy. Đưa gạo ra trước gió cho chóng nguội để khi xay, bột gạo không bị dính bết. Đặt chiếc cối bằng đá đã được rửa sạch lên chiếc mâm đồng rồi mẹ vốc gạo bỏ vào xay nhịp nhàng và đều đặn. Bột gạo xay xong cần được rây cho mịn, phần còn to thì lại cho vào xay tiếp, rồi lại rây… cho đến khi nào hết mới thôi.
Ảnh: Internet |
Tiếp theo là việc chuẩn bị nước cùng gia vị để nhào bánh. Bánh chè lam nhất thiết phải có hương vị của củ gừng, bởi gừng có tính nhiệt làm ấm tì, ấm vị, phòng chứng đầy hơi, khó tiêu. Đồng thời, mùi thơm của gừng quyện với hương thơm của gạo tạo nên hương vị rất đặc trưng của bánh. Gừng được giã thật nhỏ rồi hoà vào nồi nước đun sôi để nguội, cùng một chút muối và đường ăn, tuỳ theo khẩu vị. Sau đó, mẹ dàn bột gạo ra mâm, múc nước gia vị rưới lên rồi nhào bánh. Việc nhào bánh phải cẩn thận và cần một chút kinh nghiệm để bánh không được khô quá hay nhão quá. Bánh sau khi nhào nước phải mịn màng và dễ nặn, không được chảy hay rời rạc. Bánh được nặn thành từng khúc như khúc giò, lăn đi lăn lại trên mâm cho chắc và tròn. Cuối cùng, bánh được đặt ở nơi khô thoáng để lớp ngoài của bánh se lại, không bị dính tay khi ăn, nhưng bên trong vẫn mềm.
Bánh chè lam là món quà dùng để ăn lai rai trong những ngày xuân. Tuy nhiên, không nên để quá lâu vì lúc đó, bánh sẽ bị khô. Khi ăn, mẹ cắt từng khoanh bánh như kiểu cắt giò, sau đó lại cắt bánh nhỏ ra theo hình thanh kẹo lạc. Mấy chị em tôi cùng đám trẻ con hàng xóm quây quần, xúm xít bên mâm bánh, đợi mẹ chia phần cho. Giữa cái lạnh của mưa phùn và gió bấc, được thưởng thức bánh chè lam để cảm nhận được vị ấm nồng, thơm ngậy, ngọt ngào của bột gạo quyện với gừng, với đường mà thấy mùa xuân ấm áp, vui vầy đang dâng tràn khắp đất trời và dâng tràn trong tâm hồn của mỗi người…
Trần Văn Lợi