Những năm qua, nhằm hạn chế những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, Hội CTĐ huyện Giao Thủy đã có nhiều việc làm cụ thể và thiết thực trong việc triển khai ứng phó thảm họa thiên tai, biến đổi khí hậu xảy ra trên địa bàn.
Cán bộ Hội CTĐ huyện Giao Thủy kiểm tra công tác trồng rừng ngập mặn tại khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy. |
Huyện Giao Thủy có chiều dài bờ biển 32km. Phía đông là cửa Ba Lạt của sông Hồng nằm trong Vườn quốc gia Xuân Thủy gồm các bãi cát, bãi bồi và đầm nước mặn. Với đặc điểm vị trí, địa lý của huyện ven biển, những năm qua công tác tuyên truyền về dự báo, cảnh báo thiên tai, thảm họa cho nhân dân ven biển sớm có biện pháp ngăn chặn, hạn chế những tình huống xấu có thể xảy ra được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong huyện đặc biệt quan tâm. Trong đó, Hội CTĐ huyện đã có nhiều biện pháp cụ thể nhằm cảnh báo sớm thiên tai đến với nhân dân các xã ven biển, nhất là vào mùa bão lũ, giúp nhân dân nắm bắt được những kiến thức cơ bản để phòng tránh thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra. Hội CTĐ huyện đã kiện toàn các Đội thanh niên xung kích CTĐ cơ sở và các trường học về kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thảm họa. Đến nay, các xã, thị trấn, các trường học trong huyện đã thành lập Đội thanh niên xung kích, các đội viên hầu hết đã nắm vững các kỹ năng phòng ngừa thảm họa cơ bản, sẵn sàng cùng với lực lượng phòng, chống lụt bão của địa phương tham gia ứng phó và tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra bão lũ. Thực hiện Dự án quản lý thảm họa dựa vào cộng đồng (CADRE) do cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ và Hội CTĐ Mỹ tài trợ, Hội CTĐ tỉnh đã phối hợp với Hội CTĐ huyện tổ chức các khóa đào tạo “Cộng đồng ứng phó với thảm họa” cho các thành viên Đội ứng phó cộng đồng của 3 xã Giao Hải, Giao Long và Thị trấn Quất Lâm nhằm nâng cao khả năng ứng phó, triển khai các biện pháp giảm thiểu tác động, khả năng xử lý trong tình huống khẩn cấp, cứu hộ, cứu nạn… Qua đó, giảm thiểu tình trạng tổn thương trước thảm họa, giúp giảm tỷ lệ tử vong và tăng cường khả năng phục hồi. Tại các khóa tập huấn, học viên được làm quen với chuỗi hoạt động của công tác ứng phó với thảm họa tại cộng đồng như: thu thập thông tin, tìm kiếm và xác định vị trí nạn nhân có thể bị mắc kẹt, thực hiện kỹ thuật phân loại nhanh, sơ tán và vận chuyển nạn nhân một cách an toàn trong trường hợp khẩn cấp, thực hành các kỹ năng sơ cấp cứu, quản lý tử thi, biện pháp cứu hỏa, tìm kiếm và cứu hộ cơ bản, phương pháp cứu đuối… Ngoài ra, Hội CTĐ huyện còn phối hợp với Hội CTĐ tỉnh tổ chức vận động gây quỹ giảm thiểu rủi ro cho các xã ven biển, triển khai dự án trồng rừng ngập mặn do Hội CTĐ Nhật Bản tài trợ, triển khai dự án rừng và đồng bằng do Hội CTĐ Mỹ tài trợ tại 3 xã Giao Hải, Giao Long và Thị trấn Quất Lâm… Xã Giao Xuân là một xã ven biển nằm phía đông nam của huyện có mật độ dân số trên 10 nghìn nhân khẩu. Nhằm nâng cao chất lượng công tác cảnh báo ứng phó với thảm họa thiên tai và biến đổi khí hậu nên xã đã quan tâm đầu tư, hệ thống biển cảnh báo cũng như nâng cấp hệ thống loa truyền thanh nhằm mở rộng diện phủ sóng đến tất cả các thôn, xóm. Những năm qua, từ việc thực hiện dự án trồng rừng và đồng bằng do Hội CTĐ Đan Mạch và Nhật Bản tài trợ, xã đã trồng 249ha rừng ngập mặn bảo vệ đê biển không bị sóng to, gió lớn tác động đến các khu dân cư khi mùa mưa bão xảy ra, tổ chức 14 cuộc họp về phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu thu hút được 540 người tham dự, thành lập 1 tổ bảo vệ rừng với 7 thành viên thường xuyên kiểm tra rừng ngặp mặn khỏi tình trạng xâm lấn và chặt phá rừng, thành lập đội ứng phó nhanh với 25 thành viên tham gia dưới sự quản lý của ban phòng, chống lụt bão địa phương thường xuyên túc trực khi có bão lũ xảy ra trên địa bàn, đã xây dựng thành công nhiều hệ thống cảnh báo sớm, lắp đặt 10 hệ thống loa truyền thanh ở các xóm đảm bảo truyền tải các thông tin về các hiểm họa tự nhiên và xã hội sớm nhất tới người dân trong xã nhằm giảm thiểu tối đa những rủi ro khi xảy ra các hiểm họa.
Thông qua các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, người dân trong huyện đã nắm được các tình huống khẩn cấp khi có thiên tai, bão lũ xảy ra trên địa bàn, góp phần giảm thiểu rủi ro, ổn định sản xuất, đảm bảo an toàn cộng đồng trong vùng ảnh hưởng của thảm họa thiên tai./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh