Gây ấn tượng mạnh mẽ đầu tiên với chúng tôi khi đến xã Yên Cường (Ý Yên) trong ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Mùi là những con đường bê tông thênh thang, sạch đẹp; chợ, quán đông vui người mua, người bán, niềm vui hiện rõ trên gương mặt của người dân vì diện mạo làng quê hoàn toàn đổi mới. Không vui sao được khi nhờ xây dựng NTM, đến nay tinh thần chung sức cùng Nhà nước góp công, góp sức, hiến đất làm đường giao thông xã đã đẩy mạnh công cuộc “bê tông hóa” các tuyến đường trục xã, đường vào các thôn, xóm và cứng hóa hệ thống giao thông nội đồng. Tính đến tháng 9-2014, với tổng kinh phí 10,1 tỷ đồng toàn xã đã nâng cấp đồng loạt từ đường trục xã đến thôn, xóm, dong ngõ. Hệ thống giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng được đẩy mạnh nâng cấp; với tổng kinh phí 2,4 tỷ đồng xã đã kiên cố 8km đường nội đồng ở thôn Bắc Cường, Nam Cường. Đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2014 đạt tiêu chí NTM về giao thông, vì vậy từ tháng 9 đến hết năm 2014, với tổng kinh phí 9 tỷ 748 triệu đồng, xã đã tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án: nâng cấp, cứng hóa 1,5km đường liên thôn Đọ Xá, Đông Hậu; nâng cấp các tuyến đường dong ngõ còn lại trong khu dân cư trên toàn xã; đồng thời, nâng cấp 7 tuyến đường nội đồng. Khi được cải tạo, nâng cấp khang trang, sạch đẹp hệ thống đường giao thông còn góp phần tác động, giúp cho ý thức BVMT của người dân được nâng lên. Hiện nay các thôn, đội trong xã đều tiến hành cải tạo hệ thống thoát nước thải sinh hoạt và mỗi thôn, đội đã có 1 tổ thu gom rác thải riêng, đầu tư lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng ở đường dong ngõ để phục vụ người dân đi lại vào buổi tối được thuận tiện, bảo đảm an ninh, trật tự. Nhờ tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) cùng với việc đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nghề, xã nhanh chóng xóa thế thuần nông khi thu hút được 3 cơ sở đầu tư phát triển may công nghiệp, tạo việc làm ổn định cho 200 lao động tại địa phương. Các cánh đồng chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao như trồng dưa chuột, ngô bao tử, ngô ngọt xuất khẩu tại HTXDVNN Nam Cường, hay trồng khoai tây giống ở HTXDVNN Bắc Cường phát triển mạnh. Đúng là “Giao thông đến đâu, làm giàu đến đấy”, kinh tế - xã hội của xã đang phát triển khá toàn diện, an ninh trật tự được đảm bảo, đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân đang được cải thiện đáng kể.
Quốc lộ 21B kéo dài (đoạn đường bộ mới Nam Định - Mỹ Lộc). |
Nói rằng đi trên những tuyến đường GTNT mới được cải tạo thấy sắc xuân như đẹp hơn quả thật cũng không quá. Bởi các tuyến đường không chỉ được mở rộng, làm nhẵn mặt mà hành lang giao thông cũng được sửa sang gọn ghẽ hơn; các tuyến đường trong khu dân cư đều có rãnh thoát nước kỹ thuật, khuôn viên nhà dân ven đường được chỉnh trang xây sửa, trang hoàng lại. Những con đường đất đá lồi lõm, gồ ghề, xuống cấp ngày nào giờ đã được trải bê tông, láng nhựa, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên các miền quê. Cùng với các lĩnh vực hạ tầng, sản xuất được đầu tư trong chương trình xây dựng NTM, chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng chung sức, góp công, góp của và hiến đất làm đường giao thông đã có sức lan toả mạnh mẽ. Nhờ nhận thức sâu sắc chủ trương của tỉnh, nên trong 4 năm xây dựng NTM, người dân ở khắp các vùng nông thôn trong tỉnh đã đóng góp sức người, sức của, vượt lên tư duy hẹp hòi bởi cái “tôi” bo bo lợi ích bản thân và gia đình, sẵn sàng đóng góp vì cộng đồng cải tạo, nâng cấp hàng loạt tuyến đường. Nhiều cách làm hay, sáng tạo bởi phát huy trí tuệ và trách nhiệm tập thể đã đạt hiệu quả cao trong thực tiễn. Tính đến nay, ước toàn tỉnh đã nâng cấp, cải tạo được khoảng 5.000km đường GTNT, trên 5.600 cầu, cống dân sinh, đắp trên 5.300km đường giao thông nội đồng với tổng kinh phí đầu tư ước đạt trên 6.300 tỷ đồng. Ngoài ra, các dự án GTNT do Sở GTVT trực tiếp thực hiện bằng các nguồn vốn khác, từ năm 2009 đến 2012 đã hoàn thành hơn 30 tuyến đường với tổng chiều dài 82km, giá trị đầu tư 86 tỷ đồng của Ngân hàng Thế giới thuộc dự án GTNT3 tại 30 xã, thị trấn; sửa chữa, cải tạo các tuyến đường địa phương bị ảnh hưởng do thi công đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn qua địa phận huyện Ý Yên với tổng mức đầu tư 28 tỷ đồng…
Đường quê được cải tạo, mở rộng đã tăng khả năng kết nối hài hòa với mạng lưới quốc lộ (QL), tỉnh lộ đi qua địa bàn, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Những tuyến QL, tỉnh lộ được đầu tư nâng cấp đã mang đến cơ hội lớn thay đổi diện mạo và đời sống nhân dân các địa bàn đi qua. Điều đó có thể thấy rõ khi dự án cải tạo, nâng cấp QL 38B giai đoạn I dài 18,7km từ QL 10 đến ngã tư phố Cháy (Ý Yên) đã cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng từ tháng 11-2014. Do việc nâng cấp sớm đưa tuyến đường vào khai thác là yêu cầu có tầm chiến lược, cũng là thể hiện sự ghi nhận đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của người dân và địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng nên dự án đã được Bộ GTVT tập trung chỉ đạo, nhà thầu quyết tâm cao, huy động thiết bị máy móc hiện đại, đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề đẩy nhanh tiến độ thi công. Tuy hợp đồng thời gian thi công 36 tháng nhưng chỉ sau 9 tháng khẩn trương xây dựng, con đường mới thênh thang, êm thuận đạt tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, mặt đường thảm bê tông nhựa cấp cao A1, có hệ thống rãnh dọc thoát nước. Hai bên đường, những ngôi nhà cao tầng, mái bằng mới, cửa hàng kinh doanh, buôn bán hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ... đang mọc lên nhanh chóng, sôi động để đón bắt ngay các cơ hội làm giàu. Những chuyến xe tải đầy hàng, ngày đêm nối đuôi nhau lăn bánh trên đường. Nông sản của bà con trong vùng cũng đến với thị trường nhanh hơn khi tốc độ chạy xe được nâng lên, không còn cảnh ách tắc hay phải giảm tốc độ vì đường quá xấu và hẹp như trước kia. Tuyến QL 38B dài hơn 145km, kết nối 5 tỉnh vùng Đông Bắc Bộ gồm: Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình (trong đó qua địa bàn tỉnh Nam Định có 38km) và kết nối với đường Hồ Chí Minh tại Nho Quan (Ninh Bình). Đây là vành đai kinh tế - quốc phòng ven biển vùng Đông Bắc Bộ giàu tiềm năng. Đặc biệt, trong điều kiện phát triển du lịch tâm linh là một trong những định hướng chiến lược của kinh tế du lịch Việt Nam thì tuyến QL 38B lại kết nối các địa chỉ du lịch tâm linh tiêu biểu từ Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) - Đền Trần Thương (Hà Nam), Đền Trần - Chùa Tháp - Phủ Dầy (Nam Định) - Chùa Bái Đính (Ninh Bình)...
Từ định hướng chiến lược tập trung phát triển giao thông huyết mạch góp phần khơi thông các tiềm năng, tỉnh ta đã năng động, linh hoạt tìm kiếm, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Tranh thủ từ vốn ngân sách, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư theo phương thức BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng - khai thác và chuyển giao) đến huy động vốn trong các doanh nghiệp và nhân dân. Riêng năm 2014, đã khánh thành tuyến đường bộ mới Mỹ Lộc - Phủ Lý; QL 37B (tỉnh lộ 486B trước đây); tỉnh lộ 489 từ Thị trấn Xuân Trường đến Thị trấn Ngô Đồng; tỉnh lộ 488C đoạn từ phà Ninh Mỹ đến đê biển Văn Lý; tỉnh lộ 485 địa phận huyện Ý Yên. Trong đó, tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý có tổng mức đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng với quy mô đường cấp II đồng bằng, 4 làn xe nối với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã giúp rút ngắn thời gian và quãng đường từ Nam Định, Thái Bình đi Hà Nội; đồng thời giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài mỗi dịp cao điểm của QL 21 nhiều năm qua, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình nói riêng và vùng đồng bằng sông Hồng nói chung. Ngày 9-7-2014, tuyến đường này được Bộ GTVT quyết định chuyển thành QL 21B kéo dài; tháng 10-2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung QL 21B Phủ Lý - Nam Định vào quy hoạch đường cao tốc.
“Giao thông đi trước một bước”, sau khi mạng lưới giao thông huyết mạch được cải tạo, nâng cấp mở rộng nhanh chóng, kết quả thu hút đầu tư phát triển sản xuất của tỉnh cũng đạt những thành tích khá ngoạn mục, xuất khẩu đã “cán đích” mục tiêu của nhiệm kỳ 2011-2015 từ cuối năm 2014. Đầu tư phát triển, chu chuyển vốn về địa bàn nông thôn cũng đạt những kết quả ngoạn mục, tạo những lực đẩy quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động ở nông thôn, giải quyết các bài toán về việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn để thực hiện “ly nông bất ly hương”, góp phần khắc phục những “làng vắng”, làng “người già và trẻ em” vì thanh niên, trung niên đều phải bươn ra thành phố, “Nam tiến”, “Bắc tiến” để tìm việc làm… Tiếp nối những đột phá kể trên, bản đồ giao thông của tỉnh đang được vẽ thêm với hướng phát triển đồng bộ, bảo đảm kết nối các phương thức vận tải đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt và đường bộ. Những đề xuất định hướng phát triển mạng lưới giao thông huyết mạch trên địa bàn tỉnh đã được Bộ GTVT chấp thuận phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ xem xét bố trí các nguồn vốn để đầu tư như: xây dựng mới đường trục phát triển kinh tế kết nối Khu kinh tế Ninh Cơ, tuyến đường bộ ven biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và QL 10; Xây dựng đường và cầu Tân Phong vượt sông Đào (thuộc tuyến QL 21B kéo dài) kết nối QL 10 với QL 21; Xây dựng cầu Đống Cao trên QL 37B kết nối giữa huyện Ý Yên với huyện Nghĩa Hưng; cầu Bến Mới trên QL 38B kết nối huyện Ý Yên với Thành phố Ninh Bình. Cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 487 từ Thị trấn Cổ Lễ đến phà Đống Cao, kết nối QL 21 với QL 37B và tỉnh lộ 490C, dài khoảng 20km đi qua 3 huyện Trực Ninh, Nam Trực, Nghĩa Hưng, có tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng. Tiếp tục đầu tư theo quy hoạch đã được duyệt đoạn tránh Phủ Dầy của QL 37B nối QL 10 từ Thị trấn Gôi đến QL 38B tại ngã ba Vàng và đoạn tránh Khu Di tích Đền Trần của QL 38B, dài khoảng 9km với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng cảng Nam Định trên sông Hồng để kết nối vận tải đường bộ, đường sông và đường biển cho Trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng... Hiện, Bộ GTVT đã có quyết định cho phép lập dự án điều chỉnh, bổ sung xây dựng đoạn tránh Phủ Dầy thuộc QL 37B và đoạn tránh Khu Di tích Đền Trần thuộc QL 38B. Bộ GTVT cũng đã cam kết cân đối bố trí vốn ưu tiên sớm triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết hợp với đê biển đi qua các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa theo quy hoạch đã được phê duyệt để phục vụ phát triển kinh tế biển, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phòng, chống lụt bão; trong đó đoạn đi qua tỉnh Nam Định có chiều dài khoảng 50km.
“Đường lớn đã mở”. Bước vào năm cuối nhiệm kỳ XVIII của Đảng bộ tỉnh, cũng là năm thứ 30 thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, những thành tựu trong phát triển toàn diện giao thông tỉnh nhà (mạng lưới đường huyết mạch và đường địa phương, GTNT) đang mở ra những cơ hội phát triển rõ nét cho quê hương. Những con đường dẫn dắt, mang mùa xuân, mùa khởi đầu sự sinh sôi, phát triển đến với mọi vùng miền, ngõ ngách thôn, làng…
Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy