Nhờ tích cực chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tập trung phát triển đa dạng ngành nghề tiểu thủ công nghiệp để tạo việc làm và góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân xã Yên Dương (Ý Yên) đã từng bước được cải thiện. Năm 2014, tổng thu nhập của xã đã đạt trên 100 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,92%, bình quân thu nhập đầu người đạt gần 18 triệu đồng/năm, tăng gần 3 triệu đồng so với năm 2013 và tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế của xã đã có sự chuyển dịch tích cực, sản xuất nông nghiệp giảm xuống còn 50%; ngành nghề tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ đã tăng lên 50%, trong đó, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp chiếm 35%.
Sản xuất tượng gỗ tại cơ sở của anh Vũ Văn Hoàn, thôn Cẩm, xã Yên Dương (Ý Yên). |
Trong sản xuất nông nghiệp, xã chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh để tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá nông sản. Xã thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích khai thác tối đa diện tích đồng màu để nâng cao thu nhập với gần 200ha trồng lạc xuân và trên 23ha lạc hè thu, 150ha cây vụ đông với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: ớt xuất khẩu, khoai tây… và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản theo các mô hình trang trại, gia trại. Nhờ đó, năm 2014, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích của xã đã được nâng lên trên 91 triệu đồng/ha/năm. Để tạo việc làm cho lao động nông nhàn và lao động trẻ, xã Yên Dương chủ trương phát triển đa dạng các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, tập trung khôi phục thúc đẩy phát triển các nghề truyền thống như: mộc mỹ nghệ, thêu ren đi đôi với nhân cấy, phát triển những nghề mới có khả năng giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương như may công nghiệp. Nghề mộc mỹ nghệ đã hình thành và phát triển ở Yên Dương khoảng 15 năm trở lại đây, tập trung tại các thôn Trung, Cẩm, Dương… xuất phát từ một số lao động của xã đi làm thuê tại các làng nghề mộc mỹ nghệ truyền thống ở xã Yên Ninh. Khi đã tích lũy được kinh nghiệm làm nghề, một số hộ đã mạnh dạn tổ chức sản xuất hoặc nhận gia công sản phẩm tại nhà cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lớn của các làng nghề ở Yên Ninh, Yên Tiến. Các hộ sản xuất này đã thu hút lao động, dạy nghề tại chỗ, tạo nền tảng phát triển nghề ở địa phương. Khi nghề đã phát triển khá, phát sinh nhu cầu mặt bằng cho các hộ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Trước tình hình đó, chính quyền xã Yên Dương đã tín chấp với các tổ chức tín dụng, hỗ trợ, tạo điều kiện về thủ tục để các hộ dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; tạo điều kiện cho thuê, mượn mặt bằng xây dựng nhà xưởng, phát triển sản xuất, kinh doanh. Hàng trăm lượt hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi từ các Ngân hàng: NN và PTNT, CSXH với tổng dư nợ hằng năm trên 30 tỷ đồng. Nhờ đó, đến nay, toàn xã đã có 150 cơ sở sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ… Nhiều hộ từ chỗ chỉ nhận gia công từng bộ phận, chi tiết sản phẩm đã đầu tư máy móc hiện đại, thuê lao động để đảm nhận toàn bộ các công đoạn sản xuất từ vẽ mẫu, xẻ, đục, chạm, khắc… đến sơn son, thếp vàng. Sản phẩm của nghề mộc ở Yên Dương cũng đa dạng từ bàn, ghế, giường, tủ, đến tượng, đồ thờ (bàn thờ, tủ thờ, hoành phi, câu đối, cuốn thư)… Nghề mộc phát triển đã tạo việc làm ổn định cho trên 1.200 lao động địa phương với thu nhập của thợ chính thường đạt từ 180-220 nghìn đồng/người/ngày, lao động thời vụ cũng đạt mức thu nhập từ 100-120 nghìn đồng/người/ngày; nhiều hộ đã đạt mức thu nhập thực tế từ 200 triệu đồng/năm trở lên như hộ các ông: Bùi Văn Đáng, Nguyễn Văn Hải, Dương Văn Hán ở thôn Dương; Vũ Văn Hoàn, Phạm Đình Hùng ở thôn Cẩm… Cơ sở của anh Vũ Văn Hoàn, thôn Cẩm chuyên tạc tượng gỗ (cả loại tượng rỗng và tượng đặc), hiện có 11 lao động thường xuyên với mức thu nhập ổn định từ 6-7 triệu đồng/người/tháng; doanh thu đạt từ 3,5-4 tỷ đồng/năm. Cơ sở của anh Phạm Đình Hùng, thôn Cẩm đã đầu tư 2 máy chạm khắc CNC-3D của Đài Loan (loại 6 mũi khoan, trị giá trên 300 triệu đồng/máy), không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất của gia đình mà còn nhận gia công cho hàng chục hộ làm nghề trong xã. Bên cạnh nghề mộc, nghề may công nghiệp của xã Yên Dương cũng phát triển với 1 doanh nghiệp (Cty TNHH Trường Giang) và 3 cơ sở sản xuất quy mô 15-20 máy/cơ sở của các ông: Trần Văn Quý, Vũ Văn Trọng đều ở thôn Mụa; Bùi Văn Minh ở thôn Khả Lang, tạo việc làm cho trên 120 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 3,5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Anh Lê Văn Đoàn, Giám đốc Cty TNHH Trường Giang, thôn Cẩm cho biết: Phát triển từ cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, năm 2011, anh thành lập Cty đầu tư trên 500 triệu đồng mua sắm 30 máy may công nghiệp và các loại máy chuyên dụng để nhận gia công các sản phẩm trang phục theo mùa cho các doanh nghiệp lớn ở Thành phố Nam Định và các tỉnh lân cận. Hiện nay, Cty có trên 30 lao động thường xuyên, mỗi tháng sản xuất được khoảng 5.000 sản phẩm áo rét hoặc từ 15-20 nghìn sản phẩm quần áo mùa hè. Ngoài ra, xã Yên Dương còn có khoảng 100 lao động được đào tạo nghề may công nghiệp đang làm việc ở các doanh nghiệp may trong và ngoài huyện. Nghề thêu ren do hộ ông Trần Văn Minh, thôn Vũ Xuyên làm đầu mối cung ứng mẫu mã, nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm giải quyết việc làm cho trên 100 lao động thường xuyên. Tuy thu nhập từ nghề thêu ren không cao, chỉ khoảng từ 50-70 nghìn đồng/người/ngày nhưng phù hợp với một bộ phận lao động bởi 2 “tận dụng” (đối tượng lao động và thời gian) cũng góp phần tăng thêm thu nhập đáp ứng nhu cầu chi tiêu hằng ngày.
Những kết quả khả quan trong phát triển kinh tế địa phương những năm qua là cơ sở vững chắc để xã Yên Dương bắt tay vào thực hiện đề án xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 49 triệu đồng/năm. Trong năm 2015, xã Yên Dương tập trung quy hoạch diện tích đất ven Quốc lộ 38B thu hút đầu tư phát huy tối đa lợi thế này để phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, hoàn thành thắng lợi mục tiêu xây dựng NTM./.
Bài và ảnh: Thành Trung