Người Nam Định ăn Tết khá cầu kỳ. Cách chế biến món ăn thường hàm chứa ý nghĩa sâu xa, chứa đựng nhiều sắc thái văn hóa, vừa tinh tế, vừa thể hiện nét tài hoa, tạo nên sự đa dạng, phong phú trong ẩm thực ngày Tết của người dân ở các vùng quê.
Cá nướng
Ở xã Liêm Hải (Trực Ninh), hằng năm, cứ khoảng 25 tháng Chạp, nhà nhà lại rậm rịch chuẩn bị món cá nướng để chuẩn bị cho mâm cơm ngày Tết. Cá dùng để nướng thường là cá trắm cỏ (từ 2-5kg), cá chép (từ 1-1,5kg). Sau khi mổ bụng, bỏ ruột, rửa sạch, tẩm ướp gia vị, hành, sả, thì là, gừng… để khoảng 30 phút cho ngấm gia vị, cho cá vào chậu nhôm, xung quanh xếp gạch và lót một lớp rơm, lá chuối bên dưới, người ta bắt đầu trải rơm đốt liên tục trong nửa giờ rồi phủ kín chậu bằng một lớp trấu dày để cháy âm ở trong khoảng 5 tiếng. Tiếp đó, gạt hết lớp trấu và rơm trên chậu, dùng kẹp tre mở chậu, cẩn thận lật mặt sau của cá và tiếp tục ủ trấu nóng trong 5-6 tiếng nữa thì món cá nướng úp chậu mới hoàn thành. Cá nướng úp chậu tuyệt ngon khi chấm với nước mắm gừng. Miếng cá vừa cay vừa bùi, phảng phất mùi rơm nếp, lá chuối trong cái rét ngọt đầu xuân.
Bánh chông
Bánh chông là món ăn độc đáo trong mâm cỗ Tết của người dân xã Giao Tiến (Giao Thủy). Theo phong tục của người dân Giao Tiến mỗi khi Tết đến, Xuân về, trên bàn thờ gia tiên, tổ đường nhất thiết phải có bánh chông mới được coi là "có Tết". Nguyên liệu làm món bánh chông là gạo nếp cái hoa vàng, gấc chín, đường, mật và nước cốt gừng. Qua công đoạn đồ, giã nhuyễn, ép mỏng rồi cắt thành từng miếng nhỏ cỡ ngón tay, nhọn hai đầu sau đó rang giòn trong chảo dầu nóng cho miếng bánh khô đủ nhiệt nở phồng, màu hồng cam, nhọn đều hai đầu như cây chông. Trong mâm cỗ Tết, bánh chông được bày chéo nhau thành ngọn tháp lớn biểu trưng cho sức mạnh của con người trước thiên nhiên. Thưởng thức bánh chông sau mỗi bữa cỗ cùng chén nước trà đặc mới thấy hết vị ngọt, bùi, ngậy, hơi cay cay, tê tê, thơm lừng vị gừng già.
Xôi nếp mật
Bằng sự kết hợp hài hòa các sản vật địa phương, đĩa xôi nếp mật được coi là món ăn đặc trưng trong mâm cỗ Tết của người dân Hải Hậu bởi vừa ngọt, vừa thơm nồng vị gừng già lại để được lâu và rất hợp khi sử dụng làm lương thực cho những chuyến ra khơi đánh bắt cá những ngày đầu năm mới. Để có món xôi nếp mật ngon, người ta chọn gạo nếp cái hoa vàng ngâm đủ 8 tiếng cho ngậm no nước mới đồ chín. Hòa mật mía với nước cốt gừng đun sôi, cho xôi mới đồ chín vào đun đến khi mật sánh lại ngấm đẫm vào từng hạt nếp mới thôi. Xôi chín đơm ra đĩa, bên trên rắc chút vừng rang hoặc lạc rang cho thêm bùi, thêm ngậy. Khi ăn, người ta dùng cật tre làm dao cắt xôi thành từng miếng nhỏ thưởng thức cùng trà mạn khiến cho cơ thể ấm dần và tràn đầy năng lượng.
Bánh gai cầu Ốc
Làng Ốc, xã Lộc Hòa (TP Nam Định) là quê hương của những chiếc bánh gai thơm ngon, dẻo ngọt và là đặc sản tiêu biểu của đất Thành Nam. Đây là món bánh gai truyền thống giữ được hương vị nguyên bản của lá gai và gạo nếp. Nhân bánh là sự tổng hợp của nhiều nguyên liệu như hạt bàng, đỗ xanh bỏ vỏ, thịt mỡ, lạc, hạt sen, dừa nạo… quyện vào nhau tạo nên vị thơm ngậy và ngọt bùi. Khác với bánh gai ngày thường, bánh gai trong mâm cỗ Tết được gói vuông vức như tấm bánh chưng. Sau khi đồ chín, phần lá chuối trên mặt bánh được khoét bỏ để lộ lớp vỏ bánh đen bóng. Người thợ dùng vừng rang lột vỏ rắc hình chữ phúc, lộc, thọ lên trên mặt bánh và nẹp 8 cạnh chiếc bánh bằng 8 dọc lá dừa xanh biếc. Cuối cùng là thắt 4 chiếc lạt hồng chuốt từ cành mai để làm duyên cho chiếc bánh.
Giò pha
Cỗ Tết của người dân làng An Hòa, xã Yên Bình (Ý Yên) thường có món giò pha. Để làm món giò pha, người ta thêm bì lợn với thịt nạc mông xay nhuyễn theo tỷ lệ 7 lạng thịt nạc, 3 lạng bì thái con trì; tra nước mắm chắt Hải Hậu, gói bằng lá chuối bánh tẻ, luộc vừa chín tới để giò nây đều căng tròn bốn góc mà không khô, không xác. Giữa mâm cỗ Tết, mòn giò pha hấp dẫn thực khách bởi hòa giữa sắc hồng của thịt nạc là màu trắng trong suốt của bì lợn quyện vào nhau như hoa gấm. Miếng giò giòn ngọt, đậm đà, thơm lừng khác hẳn những thứ giò thông thường khác./.
Nguyễn Hương
Ảnh trong bài: Internet