Tích cực thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

07:01, 31/01/2015

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, tỉnh ta đã xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết. Trong đó tập trung tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD và ĐT, đáp ứng ngày càng tốt hơn sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của cả nước và nhu cầu học tập của nhân dân; xây dựng Nam Định trở thành trung tâm GD và ĐT có chất lượng cao của vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước.

Cô và trò Trường THCS Nam Mỹ (Nam Trực) trong tiết thực hành môn Vật lý.
Cô và trò Trường THCS Nam Mỹ (Nam Trực) trong tiết thực hành môn Vật lý.

Sau một thời gian triển khai thực hiện chương trình hành động của tỉnh về đổi mới căn bản và toàn diện GD và ĐT, các trường học, các đơn vị giáo dục trong tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Năm học này, những đổi mới từ hình thức tổ chức đến phương pháp dạy học, đánh giá chất lượng giáo dục bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể như việc dạy học Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục theo nguyên tắc “Thầy giao việc - trò thực hiện” đã được triển khai ở tất cả 291 trường tiểu học. Ngành cũng đã áp dụng phương pháp dạy học “bàn tay nặn bột” ở một số trường tiểu học, đổi mới phương pháp hướng dẫn học sinh học tập, tiếp thu kiến thức dựa trên các hoạt động trải nghiệm, tìm tòi khoa học, không thụ động, máy móc theo lối truyền thống. Đặc biệt, mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) với định hướng lấy người học làm trung tâm cũng đã triển khai ở 28 trường tiểu học trong tỉnh. Cũng trong năm học này, các trường phổ thông được giao quyền tự chủ trong xây dựng, triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện của mỗi trường và được hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Nhà trường và giáo viên được chủ động, tích cực, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, như: rà soát chương trình sách giáo khoa hiện hành, sắp xếp nội dung dạy học của từng môn theo hướng phát triển năng lực học sinh, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, xây dựng các chủ đề dạy học liên môn... Bên cạnh đó, với việc Bộ GD và ĐT quyết định tổ chức một kỳ thi quốc gia (gọi là kỳ thi THPT quốc gia) lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng. Do vậy việc đổi mới dạy học, nhất là đổi mới phương thức thi, kiểm tra, đánh giá đối với học sinh lớp 12 được ngành GD và ĐT đặc biệt quan tâm; trong đó chú trọng tuyên truyền đến cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh hiểu rõ, hiểu đúng chủ trương của Bộ GD và ĐT để giáo viên và học sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh nắm bắt kịp thời những đổi mới của kỳ thi để có sự chủ động trong việc dạy và học, ôn luyện và các hoạt động hỗ trợ dạy học. Trên cơ sở kết quả thi học kỳ I cùng với việc triển khai khảo sát chất lượng ở 8 môn thi, ngành GD và ĐT, các trường THPT, các trung tâm GDTX đã điều chỉnh kế hoạch, nội dung, phương pháp dạy -  học và ôn tập, giúp học sinh làm quen với quy chế thi, rèn kỹ năng vận dụng kiến thức, kỹ năng trình bày, kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm, đồng thời tạo động lực giúp học sinh phấn đấu đạt kết quả cao trong học tập và giúp cho giáo viên có cơ sở để tư vấn hướng nghiệp, giúp học sinh lựa chọn môn thi phù hợp với nguyện vọng và năng lực của bản thân, bảo đảm cho học sinh có đủ kiến thức và kỹ năng dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Cùng với sự thay đổi lớn cho một kỳ thi chung quốc gia, năm học 2014-2015, ngành GD và ĐT tỉnh tích cực triển khai thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT. Theo cách đánh giá mới, thay vì chấm điểm theo truyền thống, giáo viên đánh giá học sinh bằng nhận xét, đánh giá định kỳ bằng bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm học. Trong quá trình dạy, giáo viên nhận xét điểm yếu, điểm tốt của học sinh để khích lệ các em, không tạo căng thẳng cho các em về điểm số. Với học sinh, các em được quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện lẫn nhau; tư vấn, hướng dẫn, động viên, nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh. Mục đích của việc đánh giá này nhằm giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học, hoạt động trải nghiệm ngay trong quá trình và kết thúc mỗi giai đoạn dạy học. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển một số cơ sở GD và ĐT chất lượng cao; triển khai Nghị quyết 16-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng đồng đều trong giáo dục phổ thông; đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS, làm tốt việc định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; Đề án xây dựng xã hội học tập đến năm 2020… Đồng thời tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua theo chủ đề, chủ điểm đối với từng cấp học, bậc học và đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên có phẩm chất chính trị, có năng lực sư phạm và trình độ chuyên môn, lấy đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập, thi cử là nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá trong cải cách giáo dục nhằm đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Những kết quả bước đầu trong thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD và ĐT sẽ là tiền đề để ngành GD và ĐT cùng các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh phấn đấu đến năm 2025, GD và ĐT tỉnh ta hội nhập và đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Trong đó, đến năm 2020 toàn tỉnh phấn đấu có từ 270-275 trường mầm non, hằng năm huy động được 45-50% số trẻ vào nhà trẻ, 97-99% số trẻ mẫu giáo đến trường; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập mẫu giáo 5 tuổi; huy động 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường để chuẩn bị vào lớp 1. Nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ; chú trọng phát triển cả 5 lĩnh vực: Thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm và thẩm mỹ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ khi ở trường, tăng tỷ lệ trẻ ăn bán trú, học 2 buổi/ngày. Đối với giáo dục tiểu học, thực hiện quy mô trường lớp để 100% phường, xã, thị trấn có trường tiểu học, đồng thời bảo đảm đủ số lượng, tỷ lệ giáo viên/lớp. Phấn đấu từ năm học 2015-2016, đạt tỷ lệ 1,7 giáo viên/lớp, 93% giáo viên tiểu học đạt trình độ đào tạo trên chuẩn. Đối với giáo dục trung học, tiếp tục duy trì ổn định 246 trường THCS công lập, 56 trường THPT, xây dựng 10 trường THCS chất lượng cao của 10 huyện, thành phố và 5 trường THPT thành cơ sở giáo dục chất lượng cao và xây dựng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong thành trường trọng điểm quốc gia, từng bước xây dựng các lớp chuyên trong trường THPT chất lượng cao.  Đối với GDTX, sau khi tốt nghiệp cấp THPT có khả năng học tiếp ở các trường chuyên nghiệp, trường nghề. Các trung tâm GDTX đều xây dựng được nhà cao tầng, có đủ phòng học, bàn ghế theo quy định, phấn đấu đến năm 2017 có các phòng bộ môn, xây dựng 2 trung tâm GDTX trọng điểm cấp tỉnh. Đến năm 2015, 50% trung tâm học tập cộng đồng có trụ sở riêng và các trang thiết bị, bàn ghế... để hoạt động hiệu quả. Đối với giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, có nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội, phấn đấu đến năm 2016 đáp ứng kịp thời và đầy đủ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó năm 2016 đội ngũ giáo viên dạy cao đẳng, đại học đạt trình độ thạc sĩ từ 60%-70%, tiến sĩ từ 10%-15%; giáo viên hệ trung cấp chuyên nghiệp có trình độ thạc sĩ từ 20%-30%, tiến sĩ từ 5%-10%. Bảo đảm đủ phòng học, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành và có đầy đủ trang thiết bị phục vụ đào tạo.

Với 9 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện Chương trình hành động đổi mới căn bản và toàn diện GD và ĐT đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, thời gian tới Sở GD và ĐT tiếp tục kết hợp cùng các sở, ban, ngành tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn; Đổi mới chương trình, phương pháp giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo. Đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GD và ĐT. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ, công chức, viên chức quản lý giáo dục. Đẩy mạnh xã hội hóa GD và ĐT và dạy nghề. Tăng cường cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin trong GD và ĐT và dạy nghề, chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong GD và ĐT và dạy nghề. Tiếp tục giữ vững thành tích là tỉnh nằm trong tốp dẫn đầu toàn quốc về  lĩnh vực GD và ĐT./.

Bài và ảnh: Hồng Minh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com