Thực hiện gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, góp phần xây dựng xã hội học tập

09:01, 12/01/2015

Đến cuối thế kỷ XX, cùng với tốc độ phát triển nhanh của tri thức nhân loại với những thành tựu KH và CN hiện đại đã kéo theo những thay đổi to lớn, nhanh chóng về kinh tế - xã hội ở hầu hết các quốc gia phát triển cũng như đang phát triển. Cuộc chạy đua về kinh tế được quyết định bởi vòng đua giáo dục. Trong điều kiện đó, ngay từ Đại hội IX, Đảng ta đã xác định “GD và ĐT là quốc sách hàng đầu”. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã nhấn mạnh “Khuyến khích các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (XHHT), tạo điều kiện để người dân được học tập suốt đời”. Phát huy kết quả thực hiện Đề án xây dựng XHTT giai đoạn 2002-2012, tại Quyết định 89/QĐ-TTg ngày 9-1-2013 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020”. Để thực hiện đề án này, ngày 20-2-2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” là một trong các đề án thành phần. Mục tiêu của đề án là “Đẩy mạnh các hoạt động thường xuyên học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng thông qua việc xây dựng và triển khai các mô hình “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “cộng đồng học tập”, “đơn vị học tập”, góp phần xây dựng XHHT”. Thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ban TVTU đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TU; UBND tỉnh có kế hoạch thực hiện đề án xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020 của tỉnh.

Nước ta đang trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” với lực lượng lao động trẻ. Đảng, Nhà nước đã đặt mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đời sống của người dân trong các chính sách và chiến lược quốc gia như: Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015… Tất cả đều nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực là khâu then chốt để đáp ứng các mục tiêu kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế sâu rộng. Các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về xây dựng XHHT nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Từ xa xưa, tỉnh ta đã có truyền thống hiếu học và học giỏi, được mệnh danh là “đất học”. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, truyền thống đó lại được phát huy với các phong trào “Thanh toán nạn mù chữ”, “Bình dân học vụ”, bổ túc văn hoá và nay là Giáo dục thường xuyên đều xuất hiện những điển hình tiêu biểu. Năm học 2013-2014 là năm học thứ 20 thành tích GD và ĐT tỉnh ta ở “tốp” đứng đầu cả nước. Hội Khuyến học tỉnh cũng là đơn vị thành lập sớm nhất cả nước ngay khi có Hội Khuyến học Việt Nam. Qua 17 năm hoạt động tích cực, Hội Khuyến học tỉnh là đơn vị duy nhất được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 3 Huân chương Lao động: hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất. Đây là những điều kiện thuận lợi để tỉnh ta thực hiện lộ trình xây dựng XHHT.

Ở nước ta, gia đình, dòng họ và cộng đồng cùng với nhà trường có vai trò đặc biệt quan trọng đối với giáo dục nói chung và đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời nói riêng. Gia đình, dòng họ, cộng đồng có ý nghĩa rất quan trọng đối với mỗi người dân, đặc biệt cộng đồng ở nông thôn có đặc thù riêng, rất đặc trưng cho văn hoá Việt Nam. Không ai không có gia đình, không có dòng họ; không ai sống biệt lập, tách rời với cộng đồng quê hương của mình. Trong khi vai trò của gia đình ngày càng mờ nhạt ở nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực, thì ở nước ta gia đình, dòng họ, cộng đồng ngày càng có vai trò quan trọng, đối với từng cá nhân, đối với duy trì và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc nói chung, truyền thống hiếu học của dân tộc nói riêng; đặc biệt trong việc khuyến khích, tạo điều kiện cho mọi thành viên học tập suốt đời. XHHT chỉ có thể được xây dựng thành công khi từng gia đình trở thành “Gia đình học tập”, từng dòng họ trở thành “Dòng họ học tập” và từng cộng đồng dân cư và cộng đồng cơ quan, xí nghiệp, trường học, doanh nghiệp, đơn vị… trở thành “Đơn vị học tập”. Để có được gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập phải có công dân học tập. Công dân học tập trong thế kỷ XXI phải là người luôn tiếp cận và phát huy các cơ hội học tập suốt đời để trở thành người công dân tốt, luôn tận tâm trong công việc và có đạo đức, biết chăm lo hạnh phúc gia đình và những người xung quanh, đóng góp vào sự phát triển cộng đồng dân tộc, nhân loại theo hướng hoà nhập, thịnh vượng, bền vững.

Mô hình “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học” và “Cộng đồng khuyến học” nay gọi là “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” do Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng và xây dựng đã trở thành phong trào quần chúng rộng khắp trong cả nước, thể hiện đậm nét truyền thống hiếu học vốn có từ nghìn xưa, đã được các cấp uỷ Đảng và chính quyền quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện nên phát triển mạnh. Ở tỉnh ta đến nay có 352.290 gia đình đăng ký “Gia đình học tập”, 4.397 dòng họ đăng ký “Dòng họ học tập”, 12.516 cộng đồng học tập. Tổng số hội viên Hội Khuyến học đạt 19,5% dân số. “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” và “Cộng đồng học tập” là mô hình độc đáo của phong trào học tập suốt đời ở nước ta, vừa mang đậm yếu tố truyền thống của dân tộc, vừa biểu hiện xu thế của thời đại, là nhân tố cần thiết và quan trọng để phát huy phong trào khuyến học, khuyến tài, đặc biệt để xây dựng cả nước trở thành một XHHT. “Cộng đồng học tập”, minh chứng cho xu thế của thời đại, khi giáo dục vươn ra khỏi nhà trường đi vào xã hội với sự tham gia của các cơ quan, đoàn thể, các ban, ngành, các tổ chức và lực lượng xã hội, các cộng đồng dân cư… Tỉnh ta tự hào đã phát hiện thế mạnh của dòng họ và khởi xướng phong trào thi đua “Dòng họ hiếu học” đầu tiên trong cả nước từ năm 1997.

Với truyền thống hiếu học, với sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền; sự phối hợp của MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể, với vai trò nòng cốt liên kết các lực lượng xã hội, với sự hưởng ứng của toàn dân, nhiệm vụ xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” ở tỉnh ta chắc chắn sẽ đạt những kết quả tốt đẹp./.

Nguyễn Phú Hậu
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com