Nâng cao ý thức ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường cho học sinh

09:01, 27/01/2015

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD và ĐT về nâng cao ý thức ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường cho học sinh, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong tỉnh đẩy mạnh hoạt động giáo dục và tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường.

Học sinh Trường Tiểu học Yên Tiến (Ý Yên) chăm sóc vườn trường.
Học sinh Trường Tiểu học Yên Tiến (Ý Yên) chăm sóc vườn trường.

Ở Trường THCS Hải Phương (Hải Hậu), Ban giám hiệu nhà trường đã sớm xây dựng kế hoạch chương trình ngoại khóa giáo dục “Ứng phó với biến đổi khí hậu”, trong đó phân công Chi Đoàn Thanh niên, Tổng phụ trách Đội, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên các bộ môn: Giáo dục công dân, Địa lý, Sinh học, Hóa học, giáo viên chủ nhiệm lớp triển khai thực hiện và phối hợp với Hội cha mẹ học sinh cùng tham gia. Căn cứ nội dung chương trình được triển khai trong tài liệu về giáo dục môi trường của Bộ GD và ĐT, nhà trường đã lên kế hoạch chi tiết hoạt động của từng nội dung, trong đó xây dựng mô-đun, chuẩn bị các tài liệu, cơ sở vật chất liên quan phục vụ bài giảng, các buổi tuyên truyền, hội thi và lồng ghép trong chương trình “Truyền thanh măng non” hằng tuần. Thông qua các hình thức tuyên truyền trên bảng tin, hệ thống phát thanh tuyên truyền, phát tài liệu cho các em tự đọc, tổ chức tọa đàm, hội thi, nói chuyện với học sinh một số chuyên đề về biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu đã giúp học sinh hiểu và có ý thức bảo vệ môi trường. Đặc biệt, trong mỗi tiết giáo dục ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt lớp hằng tuần, các thầy cô giáo chủ nhiệm, giáo viên bộ môn luôn quan tâm lồng ghép các nội dung tuyên truyền để học sinh cùng phân tích, thảo luận…, giúp các em biết yêu quý thiên nhiên, hiểu biết sâu sắc hơn về ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai cũng như các biện pháp làm giảm nhẹ thiên tai tại vùng ven biển. Những hoạt động giáo dục này của nhà trường đã góp phần làm cho môi trường giáo dục trở lên thân thiện hơn, học sinh chủ động tích cực hơn, tạo cho các em tâm lý thoải mái và có kỹ năng sống tốt hơn. Sở GD và ĐT cũng đã tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ, giáo viên trong toàn ngành, đồng thời cung cấp, hướng dẫn sử dụng các tài liệu về giáo dục môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tới các nhà trường như: tư liệu bổ trợ giảng dạy - học tập cho giáo viên, học sinh, tờ gấp, tranh cổ động, pano, áp phích… Ngành cũng tích cực tham mưu với các  địa phương đầu tư kinh phí để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giáo dục, thực hiện bảo vệ môi trường; làm tốt công tác xã hội hoá, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn trong các cơ sở giáo dục; chỉ đạo các trường học xây dựng kế hoạch giáo dục bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu triển khai tới tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh; đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo các yêu cầu thiết yếu vệ sinh môi trường, tạo môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp, an toàn. Đến nay, hầu hết các trường học trong tỉnh đã bảo đảm yêu cầu vệ sinh môi trường trường học, có tường bao, cổng trường, biển trường, trồng cây xanh bóng mát, vườn hoa cây cảnh, sân chơi bãi tập cho học sinh, đồ chơi ngoài trời cho trẻ mầm non, công trình nước sạch, ánh sáng, nhà vệ sinh đúng quy chuẩn. Các trường học đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng - chống thiên tai cho học sinh với các hình thức phong phú như: viết, vẽ, báo tường, tiểu phẩm sân khấu; định kỳ tổ chức cho học sinh tham gia quét dọn, khơi thông cống rãnh và những đợt chiến dịch; đồng thời rèn luyện thói quen vệ sinh văn minh, kỹ năng sống bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng - chống thiên tai cho học sinh. Hiện nay, hầu hết giáo viên ở các bậc học đều tích hợp kiến thức giáo dục bảo vệ môi trường vào nội dung bài học ở các mức độ khác nhau, phù hợp với thực tiễn giảng dạy của từng địa phương. Ở bậc học mầm non, các nhà trường thực hiện qua nhiều chuyên đề, đặc biệt là chuyên đề “Bé làm quen với môi trường xung quanh”, cung cấp và hình thành cho các em những hiểu biết đơn giản về môi trường sống, biết giữ gìn sức khỏe bản thân. Ở bậc tiểu học, THCS và THPT việc giáo dục bảo vệ môi trường được thực hiện rộng rãi qua nhiều môn học liên quan, như: Ngữ văn, Địa lý, Sinh học, Vật lý, Giáo dục công dân... Đặc biệt, từ khi thực hiện cuộc vận động xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, nhiều trường đã quan tâm xây dựng hệ thống cây xanh, vườn trường, trang trí trường lớp sạch đẹp, thoáng mát và mua thùng rác đặt ở nhiều vị trí khác nhau tạo thuận lợi cho học sinh trong việc làm vệ sinh trường, lớp. Bên cạnh đó, các hoạt động giáo dục môi trường còn được thực hiện thông qua hoạt động ngoại khóa như: thi văn nghệ, diễn kịch, viết bài về đề tài biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu, làm đồ dùng tái chế từ các vỏ đồ hộp, giấy bìa loại, vật dụng cũ...; tham gia hưởng ứng “Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường”; chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”... Qua đó, học sinh được trang bị những kiến thức cơ bản về vai trò của môi trường đối với con người và tác động của con người đối với môi trường, phát triển kỹ năng bảo vệ và gìn giữ môi trường.

Trên 421 nghìn học sinh trong tỉnh là lực lượng đông đảo có tác động to lớn về công tác bảo vệ môi trường. Vì vậy, thời gian tới, ngành GD và ĐT cần tiếp tục nâng cao hiệu quả giáo dục bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho học sinh ở các cấp học để các em được trang bị những kiến thức cơ bản về vai trò của môi trường đối với con người, tác động của con người đối với môi trường, đồng thời giúp các em có ý thức và kỹ năng trong bảo vệ môi trường, trở thành những tuyên truyền viên cho người thân và cộng đồng ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com