Trong những năm qua, công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trong tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; đã thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội của từng địa phương. Nội dung các văn bản QPPL đều phù hợp với văn bản cấp trên, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.
Cán bộ Phòng Tư pháp Thành phố Nam Định kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của UBND các phường, xã. |
Để nâng cao chất lượng công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, hằng năm UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp tổ chức tập huấn công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Ban pháp chế HĐND tỉnh, công chức pháp chế các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố; lãnh đạo UBND và công chức tư pháp - hộ tịch các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Nội dung tập huấn tập trung giới thiệu các văn bản pháp luật mới ban hành; hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ, quy trình xây dựng văn bản QPPL; kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, giải đáp những tình huống thực tế trong công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL. Qua đó giúp đội ngũ cán bộ nâng cao trình độ, nhận thức đối với công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản, đồng thời phối hợp chặt chẽ trong quá trình kiểm tra, xử lý văn bản QPPL, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và ban hành văn bản QPPL trên địa bàn. Năm 2014, Sở Tư pháp đã tổ chức 10 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL cho 2.000 lượt người. Cùng với công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác soạn thảo, kiểm tra văn bản, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đã tham mưu cho UBND cùng cấp ban hành quyết định xây dựng chương trình văn bản QPPL hằng năm. Trong đó yêu cầu không đưa vào chương trình những văn bản không cần thiết, không có tính khả thi, đồng thời yêu cầu bổ sung vào chương trình ban hành văn bản những văn bản cần điều chỉnh những vấn đề liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quá trình soạn thảo văn bản được cơ quan chủ trì thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL từ khâu lấy ý kiến đối tượng tác động, ý kiến góp ý của các cá nhân, tổ chức liên quan đến việc thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xem xét thông qua. Đối với văn bản QPPL của HĐND, UBND cấp xã trước khi thông qua hoặc ký ban hành luôn tuân thủ đúng trình tự, thủ tục ban hành văn bản; trong đó bắt buộc phải có ý kiến góp ý bằng văn bản của cán bộ Tư pháp - hộ tịch cấp xã. Nhờ đó, các văn bản cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Bên cạnh đó, ngành Tư pháp tích cực phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL trên địa bàn. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và cán bộ Tư pháp - hộ tịch cấp xã là cơ quan đầu mối kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định. Năm 2014, Sở Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh kiểm tra 7.026 văn bản; kiểm tra 85.698 văn bản của UBND 10 huyện, thành phố ban hành trong năm. Phòng Tư pháp cấp huyện đã kiểm tra 63.109 văn bản do UBND cùng cấp ban hành trong năm. Bên cạnh đó, hằng năm, Sở Tư pháp đã phối hợp với phòng Tư pháp các huyện, thành phố tổ chức đoàn công tác theo dõi thi hành pháp luật tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện những sai sót về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản QPPL và hiện tượng nhầm lẫn thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng, văn bản QPPL và văn bản cá biệt...; từ đó kịp thời kiến nghị sửa đổi phù hợp. Năm 2014, Sở Tư pháp đã phối hợp với phòng Tư pháp các huyện tổ chức đoàn công tác theo dõi thi hành pháp luật tại 45 đơn vị HĐND và UBND cấp xã trong lĩnh vực soạn thảo và ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND. Bên cạnh đó, để nâng cao tính thống nhất, minh bạch, hoàn thiện của hệ thống văn bản QPPL, UBND tỉnh đã giao Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố chủ trì phối hợp với Văn phòng UBND cùng cấp thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản do HĐND và UBND cùng cấp ban hành nhằm phát hiện những quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội để kịp thời đình chỉ thi hành, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành văn bản mới; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức thực hiện hệ thống hóa được danh mục văn bản QPPL còn hiệu lực, hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần. Kết quả đã hệ thống hóa được 214 văn bản; trong đó có 64 văn bản hết hiệu lực toàn bộ hoặc hết hiệu lực một phần, 150 văn bản còn hiệu lực. Đặc biệt, từ khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực, UBND tỉnh giao cho ngành Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND cùng cấp thực hiện rà soát 100% các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Từ đó tạo sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới./.
Bài và ảnh: Văn Trọng