Sáng 29-12-2015, chỉ còn 2 ngày nữa là kết thúc năm 2014, người dân cả nước lại bàng hoàng nghe thông tin về một vụ cháy nhà dân ở Hải Phòng làm cả 6 người trong một gia đình tử vong! Năm 2014 được ghi nhận xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng con người.
Lực lượng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh diễn tập xử lý các tình huống chữa cháy ở KCN Hòa Xá (TP Nam Định). Ảnh: Thu Thuỷ |
Điểm chung của nhiều vụ cháy nhà dân xảy ra trong năm qua là nhà thiết kế dạng ống, không có lối thoát hiểm, nguyên nhân cháy thường do chập điện, đều là các cơ sở kinh doanh buôn bán các loại hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao như vải sợi, hóa chất, giấy nhựa… Có một thực tế là đối với nhà dân, việc định kỳ kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống điện là rất hiếm hoi. Trong khi đó nhiều nhà dân kết hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh tại chỗ, nhu cầu sử dụng điện tăng cao nhưng lại ít chú ý đến việc nâng cấp hệ thống điện đảm bảo yêu cầu an toàn kỹ thuật. Cũng do tâm lý chủ quan đối với nguy cơ cháy nổ, nhiều gia đình đầu tư cầu kỳ, tốn kém cho hệ thống cửa vô cùng chắc chắn nhằm đề phòng trộm cắp nhưng lại không tính đến lối thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn, dẫn đến tình trạng người bên ngoài có muốn giúp cũng khó phá được lớp cửa như vụ việc xảy ra tại Hải Phòng ngày 29-12 vừa qua. Theo phân tích của cán bộ cảnh sát PCCC, với các nạn nhân mắc kẹt trong đám cháy cơ hội sống sót chỉ có 6 phút sau khi xảy ra cháy, sau thời gian đó nguy cơ tử vong do ngạt khói, khí độc, bỏng… rất lớn. Đặc biệt nhiều gia đình tận dụng nơi ở để chứa hàng hóa (nhất là các dịp cao điểm tập kết hàng), khi xảy ra hỏa hoạn đây chính là vật cản khiến người trong nhà không có lối thoát ra. Ở tỉnh ta, các cơ sở gia công may mặc đang có xu hướng phát triển mạnh. Đối với ngành nghề này, ngoài việc nguyên liệu dễ cháy, bụi vải, bông sợi là vật liệu được ví như “xăng khô” bởi khả năng bắt cháy và lây lan nhanh. Trong khi đó công tác vệ sinh công nghiệp hằng ngày ở các cơ sở dệt may này lại chưa được chú trọng, tình trạng bông vải sợi bám đầy trên các giá, kệ hàng, dây điện… trong nhà xưởng khá phổ biến.
Ở nhiều doanh nghiệp (DN), việc đầu tư cho công tác phòng, chống cháy nổ (PCCN) từ khâu thiết kế, xây dựng hạ tầng đến trang thiết bị… thường được viện dẫn lý do nguồn vốn hạn chế phải tiết kiệm đầu tư, chỉ chú trọng trang bị mang tính hình thức, đối phó với lực lượng chức năng. Như vụ việc cháy xảy ra ở một DN may ở Bắc Giang, cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) qua kiểm tra đã phát hiện những tồn tại bất cập và yêu cầu khắc phục trong công tác PCCC, thậm chí sau đó đã đình chỉ hoạt động của bộ phận sản xuất không đảm bảo an toàn cháy nổ nhưng DN vẫn phớt lờ, hoạt động bình thường. Và thảm họa được báo trước đã xảy ra, vụ cháy bùng phát, hàng nghìn công nhân hoảng loạn, lý do “tiết kiệm chi phí đầu tư cho thiết bị PCCC” mà DN đưa ra đã phải trả giá bằng những mất mát, thiệt hại gấp nhiều lần, đúng như lời người xưa “một lần không tốn, bốn lần không xong”.
Nhận thức và ý thức của người dân và DN về hiểm họa và biện pháp PCCN còn rất hạn chế, nặng tâm lý chủ quan trong khi các điều kiện cơ sở vật chất của công tác PCCC ở các địa phương đều còn bất cập, thiếu thốn nhiều so với yêu cầu thực tiễn đang là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thảm cảnh cháy nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản trong thời gian qua. Ở các đô thị, phạm vi phục vụ của các trụ nước cứu hỏa đã không bảo đảm yêu cầu mà áp lực ở nhiều trụ nước cũng không đạt yêu cầu. Ngoài ra còn một nguyên nhân nữa là sự thiếu cộng đồng trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong công tác PCCC, vẫn có tư tưởng “khoán trắng” trách nhiệm cho ngành Công an. Đặc biệt chính quyền cơ sở thường buông lỏng việc kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở công tác PCCN của các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trong khu dân cư, trong khi trách nhiệm này đã được quy định rõ ràng trong pháp luật về ATVSLĐ, PCCN.
Hằng năm, cả nước có hai dịp cao điểm là Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ, PCCN dịp tháng 3 và Ngày toàn dân PCCC (4-10) cho thấy sự bức thiết của công tác này. Cháy là một trong ba nguy cơ lớn đe dọa đời sống con người (nhất thủy, nhì hỏa, thứ ba đạo tặc). Mỗi vụ cháy xảy ra kéo theo hệ luỵ lớn, thiệt hại cho nền kinh tế, nỗi đau cho cộng đồng xã hội và người thân. Hy vọng những bài học qua các vụ cháy nổ năm 2014 sẽ được rút kinh nghiệm sâu sắc và biến thành hành động thiết thực trong các cấp, các ngành, DN và mỗi người dân để năm 2015 sẽ không còn phải giật mình, bàng hoàng với những hung tin cháy, nổ như năm qua./.
Vân Anh