Một sự kiện liên quan đến công tác quản lý văn hóa năm 2014 được cộng đồng đặc biệt quan tâm là việc Bộ VH, TT và DL quyết tâm chấn chỉnh, đưa ra khỏi các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa… các linh vật ngoại lai không phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc. Công việc này đang được các địa phương tích cực triển khai song lại gặp khó khăn vì không biết phải xử lý các hiện vật như thế nào sau khi di dời, vì quy mô hiện vật khá lớn, nếu sửa chữa, chế tác lại cho phù hợp thì không có kinh phí; mặt khác đây đều là vật do “tiến cúng” mang yếu tố tâm linh nên các cơ quan quản lý di tích và cả người tiến cúng đều e ngại trong việc phải xử lý đập bỏ…
Tuy nhiên, điều đáng bàn hơn là trách nhiệm của các cấp, các ngành chức năng trong việc để xuất hiện và trở thành trào lưu đưa linh vật ngoại lai không phù hợp vào di tích, các công trình văn hóa, kiến trúc trong suốt thời gian dài. Các sư tử đá, nghê đá… ngoại lai xuất hiện khắp từ đình, chùa làng, đến các di tích lịch sử được xếp hạng cấp địa phương, cấp quốc gia (là những nơi mà công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo, sửa chữa… đều có quy định cụ thể theo luật trên nguyên tắc giữ nguyên giá trị, khuôn mẫu gốc). Hiện tượng này không phải mới phát sinh mà đã xuất hiện từ cả chục năm nay. Trách nhiệm trước hết là những nhà quản lý văn hóa các cấp. Các linh vật ngoại lai được trưng bày công khai nên không thể không bị phát hiện ngay khi nó xuất hiện. Thế nhưng các nhà chuyên môn, có kiến thức để phân biệt đó là linh vật ngoại lai, có phù hợp hay không khi đặt tại các công trình di tích lại không có ý kiến, lên tiếng cảnh báo ngay. Theo các nhà văn hóa, nước ta có rất nhiều mẫu linh vật đẹp, có giá trị trưng bày, trang trí. Vậy tại sao linh vật ngoại lai lại “rộng đường” thâm nhập vào các công trình di tích? Phải chăng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, quảng bá còn yếu, bị coi nhẹ, chưa làm cho đông đảo người dân hiểu rõ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc dẫn đến người người, nhà nhà “có điều kiện”, làm ăn kinh doanh phát đạt đua nhau tiến cúng linh vật ngoại lai để thể hiện “lòng thành”; rồi các công sở cũng theo “mốt” sử dụng để trang trí ở mặt tiền cơ quan, công sở; nhiều đại gia trang trí biệt thự tư gia mà không hề hiểu cặn kẽ giá trị văn hóa, ý nghĩa tâm linh thực sự của linh vật mà mình đang sử dụng. Và không chỉ có vấn nạn linh vật ngoại lai, ở nhiều chốn linh thiêng còn tình trạng văn bia “rác”, thơ tục, câu đối sai cả về văn phong, ngữ nghĩa và chính tả đang xuất hiện, do người quản lý công trình, di tích thiếu kiến thức về lĩnh vực quản lý, không biết chữ Hán, chữ Nôm để kiểm soát hiện vật người dân cúng tiến. Một trong các yêu cầu của công tác quản lý di tích, di sản văn hóa là để giáo dục truyền thống, giá trị văn hóa gốc rễ của dân tộc cho các thế hệ sau. Vậy mà ở các công trình này trong quá trình quản lý, tu bổ, tôn tạo lại làm cho méo mó bởi linh vật ngoại lai, văn bia “rác”… thì sẽ thực hiện chức năng giáo dục như thế nào?
Ảnh minh hoạ/Internet. |
Lịch sử dân tộc ta có hàng nghìn năm bị đô hộ với các âm mưu nhằm đồng hóa văn hóa hết sức tinh vi của kẻ đô hộ, song không khuất phục được ý thức tự tôn dân tộc, bảo vệ gốc rễ văn hóa thuần Việt; trong các công trình kiến trúc, di tích xưa để lại đều chỉ có các linh vật, linh khí thuần Việt mà không có những linh vật ngoại lai. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, trong quá trình giao lưu, hội nhập, sự giao thoa văn hóa thông qua việc xuất hiện những biểu tượng, hiện vật theo phong cách văn hóa truyền thống của quốc gia này ở quốc gia khác là không thể tránh khỏi, song trước đây các linh vật, biểu tượng ngoại có mặt trên đất nước ta nhưng chỉ ở các công trình trong phạm vi địa bàn sinh sống của các cộng đồng dân cư quốc gia đó (đến nước ta sinh sống do quá trình giao thương buôn bán…) chứ không thể lọt vào các công trình thuần Việt hay các không gian công cộng của người Việt. Thậm chí trong bối cảnh hầu như ở địa phương nào, công trình di tích nào cũng thấy trưng bày linh vật ngoại lai thì theo ông Phó chánh Thanh tra Sở VH, TT và DL tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, qua kiểm tra lại chưa phát hiện linh vật lạ nào vì “tín ngưỡng của người Huế trong thờ cúng, trưng bày cảnh vật đã có truyền thống nên rất khó để linh vật ngoại lai xâm nhập”. Nói như nhà sử học Dương Trung Quốc “sức đề kháng văn hóa của chúng ta phải trên cơ sở hiểu biết của người dân và trách nhiệm của cơ quan quản lý”.
Mới đây, tiếp theo việc ra văn bản quyết tâm dẹp bỏ linh vật ngoại lai, của ngành Văn hóa, nhiều hoạt động khác cũng đã được đồng loạt tổ chức để quảng bá rộng rãi các hình mẫu và giá trị văn hóa nghệ thuật của linh vật thuần Việt, như triển lãm chuyên đề “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam” với gần 60 hiện vật về hai linh vật sư tử và nghê, bằng chất liệu đá, gốm, sành, gỗ, đồng, từ thời Lý - Trần - Hậu Lê đến Nguyễn lần đầu tiên được ra mắt nhằm mang đến cho công chúng cơ hội được thưởng thức, khám phá và tìm hiểu một cách căn bản về nét đẹp tạo hình cũng như ý nghĩa biểu tượng văn hóa của hai linh vật này trong kho tàng di sản nghệ thuật cổ Việt Nam. Hay gần 100 linh vật Việt cổ được bạn trẻ Nguyễn Trí Quang (17 tuổi, Hà Nội) “3D hóa” rồi đưa lên mạng giúp ích lớn cho công tác nghiên cứu, sao chép, tạo tác các linh vật truyền thống Việt Nam. Dẫu muộn song vô cùng cần thiết và cần nhiều hơn nữa các việc làm cụ thể như thế. Được biết, sau khi “dẹp loạn” linh vật ngoại lai, ngành Văn hóa sẽ “tấn công” dẹp bỏ văn bia, thư tịch “rác” tại các công trình di tích… với các bước đi, biện pháp được tham khảo cặn kẽ ý kiến của các chuyên gia. Thiết nghĩ, đó cũng là việc cần làm sớm, làm ngay, chí ít cũng cần cảnh báo mạnh mẽ để ngăn chặn việc phát sinh thêm trước khi tiến hành dẹp bỏ những cái đang hiện diện không đúng tại các công trình, di tích.
Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là ngành chức năng phải tập trung củng cố, nâng cao chất lượng chuyên môn và trách nhiệm nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa các cấp. Các cán bộ làm công tác văn hóa phải thường xuyên trau dồi để nâng cao kiến thức văn hóa nhằm thực hiện tốt chức trách quản lý của mình, phát hiện kịp thời những sai sót, không phù hợp trong các vật phẩm mà người dân dâng tiến vào công trình, ngăn chặn “họa” văn bia, hiện vật “rác” đóng mác “tiến cúng” để hiện diện tự do tại các công trình. Đặc biệt cần nghiêm túc và kiên quyết ngăn chặn tư nhân hóa quản lý di tích, di sản để ngăn ngừa tình trạng không kiểm soát được việc tu sửa, tôn tạo, sử dụng các hiện vật không đúng để bài trí làm sai lệch, méo mó công trình, di tích./.
Vân Anh