“Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” là một trong những phong trào lớn được Tỉnh Đoàn tập trung triển khai thực hiện trong thời gian qua. Trong năm 2014, phong trào đã giúp nhiều thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn có thu nhập, việc làm ổn định. Nhiều thanh niên đã vươn lên làm giàu cho bản thân, cho xã hội thông qua hoạt động hiệu quả của các mô hình: CLB thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế, tổ hợp tác…
ĐVTN trao đổi về nghề nghiệp trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh, việc làm năm 2014. |
Phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” với 4 nội dung gồm: Đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm; Đồng hành với thanh niên trong học tập, sáng tạo; Đồng hành với thanh niên, nâng cao sức khoẻ thể chất và tinh thần; Đồng hành với thanh niên phát triển kỹ năng xã hội. Năm 2014, thông qua phong trào, Tỉnh Đoàn đã có nhiều chương trình hỗ trợ giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho thanh niên, từ tư vấn, định hướng nghề nghiệp, đến dạy nghề và hỗ trợ vốn... Cụ thể, thực hiện Đề án 103 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm”, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh khối THPT với sự tham gia tư vấn của 13 trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các ngành chức năng mở 40 lớp chuyển giao KHKT, 22 lớp tập huấn kiến thức về xây dựng mô hình kinh tế tập thể, HTX cho hơn 2.983 ĐVTN tham gia; tổ chức 47 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng tư vấn hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho 2.715 cán bộ Đoàn, ĐVTN trong và ngoài tỉnh có nhu cầu nắm bắt thông tin về tuyển sinh, học nghề, tìm kiếm việc làm. Trong năm, toàn tỉnh có 24.500 thanh niên, học sinh được tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề, trong đó 7.250 thanh niên được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các CLB thanh niên giữ gìn và phát triển nghề truyền thống, tham gia xây dựng NTM ở các huyện Trực Ninh, Nam Trực, Ý Yên… Bên cạnh đó, các mô hình trang trại trẻ, tổ hợp tác, HTX, CLB thanh niên làm kinh tế giỏi cũng được phát huy. Trong năm, 25 tổ hợp tác kinh tế thanh niên đã được thành lập, thu hút hơn 2.500 ĐVTN tham gia sản xuất. Các cấp bộ Đoàn tiếp tục vận động hội viên, ĐVTN tham gia các mô hình kinh tế: trồng nấm rơm, nuôi lợn, nuôi gà, nuôi trồng thủy sản, ba ba, ếch, cá lồng bè… Kết quả, vận động được 256 gia đình ĐVTN tham gia; đồng thời duy trì tốt các tổ góp vốn xoay vòng không tính lãi trong thanh niên; tiếp tục triển khai kế hoạch tăng dư nợ ủy thác từ Ngân hàng CSXH và số tổ tiết kiệm vay vốn do Đoàn Thanh niên quản lý. Tính đến đầu tháng 12-2014, dư nợ của Ngân hàng CSXH qua tổ chức Đoàn là trên 99 tỷ đồng với 189 tổ tiết kiệm vay vốn, tạo điều kiện cho 4.958 hộ gia đình thanh niên vay. Từ sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn, nhiều thanh niên đã mạnh dạn đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh, nhiều “triệu phú, tỷ phú” trẻ trên các lĩnh vực.
Bên cạnh đó, đồng hành với thanh niên trong học tập, sáng tạo, các cấp bộ Đoàn tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên xây dựng xã hội học tập như: hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vay vốn tín dụng; đẩy mạnh việc thực hiện các cuộc vận động “Sinh viên 5 tốt” trong các trường đại học, cao đẳng, phong trào “Học sinh ba rèn luyện” trong các trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề. Đồng hành với thanh niên nâng cao sức khỏe thể chất và đời sống văn hóa tinh thần, các cấp bộ Đoàn đã thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả các CLB: VHVN, TDTT, chăm sóc SKSS, đội tình nguyện xanh… nhằm nâng cao nhận thức trong ĐVTN về truyền thống văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn hoá trong gia đình xã hội và cộng đồng. Tổ chức Đoàn các cấp thường xuyên tổ chức các hoạt động hội trại, giao lưu VHVN, TDTT chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc, chào mừng ngày thành lập Đoàn, Đại hội Hội LHTN Việt Nam các cấp... Nhằm phát triển kỹ năng xã hội cho thanh, thiếu niên, các cấp bộ Đoàn tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, tập trung chủ yếu vào đối tượng học sinh THPT, THCS. Có thể nói, phong trào "Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp" đã thực sự tạo khí thế thi đua, động lực, niềm tin để tuổi trẻ toàn tỉnh phấn đấu vươn lên xây dựng cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để phong trào đi vào chiều sâu, thiết thực hơn, thời gian tới, các cấp bộ Đoàn cần đẩy mạnh tuyên truyền đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với thanh niên. Hỗ trợ thanh niên ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Khuyến khích thanh niên phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình./.
Bài và ảnh: Hoa Quyên