Hiện nay, việc đổi mới phương pháp dạy học được ngành GD và ĐT xác định là một trong những nội dung trọng tâm ở cơ sở giáo dục phổ thông. Để việc đổi mới phương pháp dạy học mang lại hiệu quả thiết thực, ngành GD và ĐT đã giao quyền chủ động cho giáo viên trong việc điều chỉnh nội dung, thời gian dạy học trên cơ sở của chương trình môn, lớp theo chuẩn kiến thức kỹ năng. Ở các nhà trường, giáo viên đã chủ động và mạnh dạn hơn trong việc đổi mới phương pháp dạy học và có những biện pháp phù hợp tác động đến từng học sinh, giúp cho mỗi học sinh đều được học vừa sức và phát triển toàn diện.
Những năm gần đây, Trường Tiểu học Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) đã làm tốt việc dạy phân hóa theo năng lực học tập của học sinh. Nhà trường đã phân công giáo viên có kiến thức, kỹ năng sư phạm, có kinh nghiệm bảo đảm phù hợp theo yêu cầu dạy và học ở các lớp, sắp xếp theo trình độ học sinh để giảng dạy phù hợp theo năng lực học tập của học sinh. Đối với lớp có học sinh học lực trung bình, yếu, nhà trường phân công giáo viên có tâm huyết, nhiệt tình và có nhiều kinh nghiệm về phụ đạo kèm cặp cho các em ôn lại kiến thức cũ, hệ thống hóa kiến thức đã học để thực hành kỹ năng, thường xuyên cho các em tham gia phát biểu, chữa bài trước lớp. Đồng thời tạo môi trường học tập lành mạnh, lồng ghép tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa với nhiều hình thức để động viên, cho các em thấy được niềm vui khi đến trường. Nhà trường làm tốt công tác phối hợp giữa gia đình, nâng cao tinh thần và trách nhiệm của phụ huynh quan tâm đến con cái, không còn tình trạng “khoán trắng” cho nhà trường và thầy cô giáo. Bên cạnh đó, nhà trường cũng chú trọng phát hiện sớm những học sinh có năng khiếu Tiếng Việt, Toán để tích cực bồi dưỡng, đào tạo nguồn học sinh giỏi. Từ những chuyển biến tích cực trên, năm học vừa qua, trong tổng số 424 học sinh của trường, đã có 283 em đạt danh hiệu học sinh giỏi, 138 em đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Trong các kỳ khảo sát học sinh giỏi cấp huyện khối lớp 4 và lớp 5, nhà trường có 79 em đoạt giải, trong đó có 10 giải nhất, 22 giải nhì, 25 giải ba và 22 giải khuyến khích...
Cô và trò Trường Tiểu học Liên Phương, xã Liên Bảo (Vụ Bản) trong giờ học Tin học. |
Năm học 2014-2015, việc tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực học sinh được các nhà trường chú trọng nhằm quan tâm đến mọi học sinh trong giờ dạy, để những học sinh có học lực yếu, kém không bị quá tải, có điều kiện để vươn lên tiếp thu bài như học sinh trung bình; học sinh khá, giỏi vẫn hứng thú với việc học tập và phát huy được hết khả năng của bản thân. Việc đổi mới phương pháp dạy học này đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải tích cực, nhiệt tình và luôn được trau dồi, cải tiến kỹ năng sư phạm. Bên cạnh đó, mỗi giáo viên cũng cần tạo mối quan hệ dân chủ hơn giữa thầy và trò, giữa trò và trò để giúp học sinh cởi mở, tự tin. Ở các nhà trường, ban giám hiệu đã chỉ đạo đội ngũ giáo viên chú trọng đến việc điều tra, khảo sát đối tượng học sinh ngay từ khi nhận lớp trước năm học mới, đồng thời có kế hoạch trong dạy học, soạn bài và phải kết hợp nhiều phương pháp dạy học, lựa chọn những hình thức tổ chức dạy phù hợp với mục tiêu bài học; tăng cường kiểm tra đánh giá sự tiến bộ của học sinh trong suốt quá trình giảng dạy. Ngành GD và ĐT cũng đặc biệt coi trọng việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên nhằm từng bước đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Hằng năm, các nhà trường gắn các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành vào từng nhiệm vụ cụ thể, tạo nên sự đồng thuận và quyết tâm cao trong công tác và giảng dạy; đồng thời động viên cán bộ, giáo viên trong khi thực hiện nhiệm vụ, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ nhằm thúc đẩy sự cố gắng vươn lên trong giảng dạy đạt hiệu quả cao. Bên cạnh việc tham gia đầy đủ các chương trình tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên, các nhà trường đã tổ chức các buổi báo cáo kinh nghiệm, hội thảo chuyên đề, hội giảng cấp trường và tích cực tham gia các buổi hội thảo, hội giảng do ngành tổ chức. Để việc đổi mới phương pháp giảng dạy, trong đó chú trọng vào việc dạy học phân hóa theo năng lực học sinh trong mỗi giáo viên đạt hiệu quả cao, ban giám hiệu các nhà trường đã chủ trương đổi mới phương pháp dạy của thầy, phương pháp học của trò... tạo nền tảng để có sự tiến bộ đích thực về chất lượng của nhà trường. Trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, ban giám hiệu các nhà trường chú trọng đến việc nâng cao kiến thức của giáo viên các bộ môn, giúp giáo viên căn cứ vào chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình; chủ động, sáng tạo trong xây dựng kế hoạch dạy học, xác định mục tiêu, thiết kế bài học theo phương pháp học tập tích cực, lấy học sinh làm trung tâm; nắm vững phương pháp dạy học, quy trình và phương pháp đặc trưng của từng bộ môn, từ đó, biết cách lựa chọn sử dụng linh hoạt hệ thống các phương pháp cho phù hợp với nội dung của tiết học. Việc tổ chức các buổi hội thảo nhằm đưa ra các chuyên đề để tổ, nhóm chuyên môn thảo luận về phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng học sinh giỏi, học sinh đại trà, phương pháp bồi dưỡng học sinh thi chuyển cấp cũng luôn được ban giám hiệu các nhà trường quan tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Mỗi giáo viên đã chủ động đổi mới phương pháp dạy học từ việc soạn bài đến việc giảng dạy trên lớp sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh, tích cực áp dụng công nghệ thông tin trong việc soạn giảng... Bên cạnh đó, ban giám hiệu các nhà trường đã khuyến khích đội ngũ giáo viên tích cực sưu tầm, mua sắm, tự làm các thiết bị phục vụ cho giảng dạy học tập tốt hơn. Để đáp ứng việc đổi mới, nhiều trường cũng đã trang bị đầy đủ, cố định các bộ máy tính, máy chiếu, đèn chiếu, bảng thông minh để các lớp luân phiên đến học. Cùng với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm đổi mới phương pháp dạy và học, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Việc đổi mới phương pháp dạy học sẽ có hiệu quả hơn khi đề cao được trách nhiệm của đội ngũ giáo viên trong môi trường sư phạm thân thiện và phát huy được vai trò tích cực học tập của học sinh và là giải pháp quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.
Với việc chỉ đạo trong việc dạy học phân hóa học sinh, giúp cho mọi học sinh được tiếp thu kiến thức theo năng lực của bản thân để bảo đảm vừa sức và phát triển, ngành GD và ĐT tỉnh phấn đấu sẽ đưa chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà ngày càng ổn định và phát triển./.
Bài và ảnh: Hồng Minh