Năm 2014, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, động viên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hăng hái thi đua lao động, sản xuất góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh ta vẫn hoàn thành và hoàn thành vượt mức 20/21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Tổng sản phẩm trong tỉnh ước đạt 16.007 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2013. GDP bình quân đầu người ước đạt 30 triệu đồng..., tạo tiền đề hoàn thành sớm chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.
Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã kiện toàn và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh, phân công các thành viên Hội đồng phụ trách, chỉ đạo và kiểm tra giám sát thực hiện công tác thi đua, khen thưởng của các khối thi đua của tỉnh nhằm phát triển sâu rộng phong trào thi đua trong các ngành, các lĩnh vực. Các khối thi đua đều tổ chức tổng kết, đánh giá phong trào thi đua của năm trước và ký giao ước thi đua trong năm mới. Do đó, các phong trào thi đua đã được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Nhiều phong trào thi đua như: “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”… được phát động sâu rộng với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, tạo không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp ở từng đơn vị, địa phương. Đặc biệt, phong trào thi đua xây dựng NTM tiếp tục nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương và nhân dân, tạo nên diện mạo mới cho khu vực nông thôn.
Giáo viên và học sinh Trường Mầm non xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) trong giờ kể chuyện. |
Bên cạnh việc thực hiện tốt các phong trào thi đua do UBND tỉnh phát động, việc triển khai công tác thi đua ở các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh đã có nhiều đổi mới; nội dung thi đua được cụ thể hoá, bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị của từng ngành, đơn vị, địa phương. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, CNVC ngành NN và PTNT tỉnh đã đóng góp gần 200 đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, qua nhiều mô hình được áp dụng vào thực tế sản xuất như tổ chức liên kết tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị vật nuôi, cây trồng và chế biến nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đưa giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2014 toàn ngành ước đạt 4.999 tỷ đồng tăng 4,1% so với năm 2013.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa lao động”, “Năng suất, chất lượng, hiệu quả” đã được cán bộ, CNVC, lao động trong các doanh nghiệp sôi nổi hưởng ứng, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Năm 2014, tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt 22.212 tỷ đồng, tăng 22,5% so với năm 2013; trong đó công nghiệp Trung ương đạt 1.331 tỷ đồng, tăng 15,6%; công nghiệp địa phương đạt 18.785 tỷ đồng, tăng 22,7%. Nhiều ngành công nghiệp của tỉnh có sự tăng trưởng khá như: dệt may, da giầy, cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng, dược phẩm… Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, việc thực hiện nội dung các phong trào thi đua xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng (thôn, xóm) tổ dân phố văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới việc tang và lễ hội”... đã trở thành thói quen, nếp sống hằng ngày của người dân, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đẩy lùi những hủ tục và tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Năm 2014, toàn tỉnh có 462.908 hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 1.604 thôn, xóm, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa; 70% cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa. Các ngành Y tế, GD và ĐT đẩy mạnh các phong trào thi đua “Hai tốt”, “Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” và thi đua thực hiện lời Bác dạy “Thầy thuốc như mẹ hiền”… Năm 2014 là năm thứ 20 tỉnh ta tiếp tục giữ vị trí là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục. Ngành Y tế thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; tổ chức giám sát, phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh: sởi, chân tay miệng, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, không để dịch lớn xảy ra. Phong trào thi đua yêu nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh được các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh phát động với tinh thần thi đua sôi nổi, quyết tâm cao. Trong quá trình triển khai, toàn lực lượng đã có nhiều biện pháp phát động, đề ra chỉ tiêu thi đua đối với từng tập thể, cá nhân; đổi mới công tác khen thưởng, ưu tiên các tập thể, cá nhân trực tiếp chiến đấu ở cơ sở; trao thưởng thành tích đột xuất ngay tại đơn vị dưới bóng quân kỳ. Do đó đã tạo chuyển biến về nhận thức, động lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị của địa phương. Phong trào thi đua trong các cơ quan Đảng, MTTQ và các đoàn thể tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, gắn liền với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào “Xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh” đã giúp đổi mới, cải tiến một cách có hiệu quả công tác chỉ đạo, thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Ủy ban MTTQ và các hội đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội CCB các cấp đã phát động nhiều phong trào thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên tham gia và đạt nhiều kết quả thiết thực, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với công tác thi đua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác xét duyệt, đề nghị khen thưởng. Đối tượng khen thưởng được mở rộng trên tất cả các lĩnh vực; từ tập thể nhỏ đến cá nhân trực tiếp lao động sản xuất; trong đó quan tâm phát hiện, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc, thành tích đột xuất trong lao động sản xuất, đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong học tập, nghiên cứu khoa học, các tập thể và cá nhân trong và ngoài nước có thành tích đóng góp cho các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, năm 2014 công tác Thi đua - Khen thưởng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Ở một số đơn vị, địa phương công tác Thi đua - Khen thưởng còn mang tính hình thức; nội dung thi đua, các tiêu chí thi đua còn chưa sát với chức năng nhiệm vụ của đơn vị. Việc bình xét thi đua của một số Khối thi đua còn có tính luân phiên, chưa tạo động lực cho phong trào thi đua phát triển. Việc chọn, xây dựng các điển hình tiên tiến ở một số ngành, địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực. Việc xét khen thưởng cho đối tượng lao động trực tiếp như: công nhân, nông dân, cán bộ làm công tác khoa học tỷ lệ chưa cao. Vì vậy đòi hỏi trong năm 2015, công tác khen thưởng cần tiếp tục đổi mới; việc khen thưởng phải thực sự căn cứ vào thành tích đạt được trong các phong trào thi đua và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, đơn vị. Có như vậy phong trào thi đua mới có sức lan tỏa trong xã hội, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển./.
Bài và ảnh: Văn Trọng