Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc đều dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược các thế hệ cán bộ, công nhân lao động ngành GTVT tỉnh ta đã dũng cảm quên mình xây dựng, bảo vệ các cung đường, phục vụ kịp thời việc vận chuyển quân, lương cho các chiến dịch; giữ cho giao thông liên lạc thông suốt. Nổi bật là hình ảnh từng đoàn dân công Nam Định với xe đạp thồ ngày đêm đi tải lương, thuốc men, thực phẩm phục vụ chiến trường, góp phần quan trọng cùng cả nước làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Trong kháng chiến chống Mỹ, khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc hòng cắt đứt nguồn chi viện cho tiền tuyến, với các khẩu hiệu: "Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm", "Địch phá ta sửa ta đi, địch lại phá ta lại sửa ta đi", "Địch phá ta cứ đi", toàn ngành GTVT cùng quân và dân trong tỉnh vừa chiến đấu, vừa lao động sản xuất xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật GTVT, đảm bảo giao thông thông suốt phục vụ vận chuyển sơ tán dân và vận chuyển quân lương chi viện cho chiến trường miền Nam. Hàng nghìn cán bộ, công nhân, viên chức (CNVC), lực lượng tự vệ, thanh niên xung phong GTVT nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Dưới mưa bom, bão đạn, cán bộ, công nhân giao thông vừa xây dựng và cải tạo, làm các tuyến đường vòng, đường tránh dự phòng cho các tuyến chính mỗi khi bị máy bay bắn phá ác liệt, vừa bám cầu, phà, bám đường, bám nhà ga, bến cảng suốt đêm ngày, phục vụ vận chuyển bộ đội, vũ khí đạn dược, lương thực, thực phẩm cho chiến trường. Những “chiến sĩ” vận tải ngày ấy không chỉ thông minh sáng tạo trong các chuyến đi chở quân lương, đạn dược cho chiến trường bằng ô tô, xà lan, thuyền… mà luôn sẵn sàng hy sinh, chịu đói khát để bảo vệ an toàn hàng hóa, gửi ra chiến trường cho bộ đội. Giai đoạn 10 năm (1965-1975) là giai đoạn lịch sử đặc biệt của ngành GTVT tỉnh nhà, là minh chứng sống động cho tinh thần quả cảm, anh dũng của cán bộ, CNVC toàn ngành sát cánh cùng quân và dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng quan trọng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hàng chục người đã anh dũng hy sinh cho “Những chuyến hàng vì miền Nam ruột thịt”, những cung đường, những chuyến phà, những cây cầu vững vàng giao thông thông suốt. Trong chiến tranh, phong trào giao thông nông thôn (GTNT) vẫn phát triển mạnh mẽ với rất nhiều sáng tạo (như sáng kiến làm cầu tre sống) để mạch máu giao thông lan tỏa khắp các miền quê, phục vụ vận chuyển vật tư, lương thực cho sản xuất và chiến đấu. Danh hiệu Anh hùng LLVT thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của Đảng và Nhà nước trao tặng là sự ghi nhận những đóng góp của các thế hệ cán bộ, CNVC lao động ngành GTVT tỉnh nhà đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Thi công tuyến Quốc lộ 38B, đoạn qua địa phận xã Đại An (Vụ Bản). |
Trong thời bình, ngành GTVT tỉnh phát huy truyền thống vẻ vang hào hùng trong kháng chiến, không ngừng phấn đấu vươn lên thực hiện nhiệm vụ, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, vừa khắc phục tình trạng lạc hậu, phát triển toàn diện hệ thống GTVT phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, gắn các hoạt động xây dựng và phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh. Toàn ngành đã tập trung đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm huyết mạch để tăng sự kết nối với giao thông quốc gia, vùng và đến các vùng kinh tế của tỉnh như các tuyến quốc lộ (QL), các tỉnh lộ (TL)... Vận dụng sáng tạo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" để đẩy mạnh xây dựng hạ tầng GTNT; đồng thời cải tạo, nâng cấp và xây dựng hệ thống công trình kho tàng, bến bãi. Trong công cuộc CNH-HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra cho ngành GTVT yêu cầu phải "đi trước một bước”. Cán bộ, CNV ngành GTVT tiếp tục phấn đấu và cống hiến trên nhiều công trình giao thông quy mô lớn, tầm cỡ, thiết lập những “mạch máu” giao thông ngày càng hoàn chỉnh. Hàng nghìn tỷ đồng từ các kênh vốn được huy động cho phát triển hạ tầng giao thông, tăng năng lực GTVT, cải thiện mạnh mẽ điều kiện đi lại của nhân dân từ thành phố đến nông thôn, tăng khả năng kết nối, hội nhập với các trung tâm, các vùng kinh tế trọng điểm. Trong đó, nhiều công trình giao thông lớn như: Tuyến QL 10 từ Quảng Ninh đến Ninh Bình đã góp phần thúc đẩy nhanh chóng quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa của tỉnh; tuyến QL 21 Nam Định - Phủ Lý; đường Lê Đức Thọ (S2) nối hai QL 10 và 21, TL 486B (56 cũ) nối Thị trấn Gôi với QL 21 (S3)... Tuyến QL 21, đoạn từ Thành phố Nam Định đi Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu); TL 490C đoạn từ Thành phố Nam Định đi Thị trấn Đông Bình (Nghĩa Hưng); tuyến QL 37B (TL 486B trước đây); các tuyến TL 485, 488C, 489; đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Hiện, đang thi công QL 38B, được nâng cấp từ tuyến đường nối 5 tỉnh vùng đông bắc Bắc Bộ (Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định). Bằng nguồn vốn chương trình WB2, WB3, WB4, JBIC, nguồn vốn địa phương, vốn của nhân dân đóng góp và của các nguồn tài trợ khác, đã cải tạo nâng cấp các tuyến đường tỉnh, đường huyện và các tuyến đường xã, liên xã. Các công trình vượt sông bằng cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu, các bến phà lớn vượt sông được đầu tư: cầu Tân Đệ, cầu Lạc Quần, cầu Hà Lạn, cầu Quần Liêu, bến phà Thịnh Long, bến phà Sa Cao - Thái Hạc, cầu phao Ninh Cường, cảng Hải Thịnh… Đi đôi với phát triển hạ tầng giao thông, lĩnh vực vận tải cũng được chú trọng phát triển nhằm phát huy tối đa năng lực giao thông, tăng cường giao lưu xã hội, lưu thông hàng hóa. Hiện, hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh đã có đủ các loại hình vận tải công cộng xe khách, taxi, xe buýt từng bước thỏa mãn nhu cầu đi lại của nhân dân, đảm bảo an toàn, thuận tiện, nhanh chóng, văn minh lịch sự. Trật tự ATGT được quan tâm thường xuyên, liên tục, kiềm chế được tốc độ gia tăng TNGT. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngành GTVT tỉnh luôn bám sát định hướng phát triển GTVT quốc gia và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, yêu cầu xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc để rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT theo mục tiêu: GTVT đi trước một bước để phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh Tổ quốc. Các dự án GTVT ngoài việc đáp ứng nhu cầu phát triển, thu hút đầu tư, còn phải bảo đảm yêu cầu xây dựng khu vực phòng thủ, đảm bảo GTVT khi chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến. GTVT ở những vị trí, địa bàn chiến lược được ưu tiên đầu tư phát triển với những yêu cầu, tiêu chí kỹ thuật cao.
Hòa trong khí thế cả nước sôi nổi kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 25 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22-12-2014), mỗi cán bộ, công nhân lao động ngành GTVT; đặc biệt những người của một thời “sống bám cầu, bám đường” không khỏi bồi hồi xúc động, tự hào về những năm tháng quên mình cho “mạch máu” giao thông luôn được liền mạch, thông suốt phục vụ những đoàn quân, đoàn xe ra chiến trường. Phát huy truyền thống đó, các thế hệ cán bộ, công nhân lao động ngành GTVT tỉnh nhà hôm nay tiếp tục nỗ lực không ngừng, đóng góp trí tuệ, sức lực để phát triển mở mang mạng lưới giao thông đến mọi địa bàn, để những “mạch máu” này đưa dẫn những nguồn lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp CNH-HĐH./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý