Trước thực trạng thị trường thực phẩm mất an toàn đang trở thành nỗi ám ảnh trong mỗi gia đình và xã hội hiện nay, cùng với hai siêu thị lớn Big C, Micom Plaza, một số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Nam Định đã mở cửa hàng kinh doanh rau sạch và thực phẩm sạch như cửa hàng rau sạch Sunday trên đường Vị Hoàng, cửa hàng rau sạch trên phố Lê Hồng Phong... Nhiều người nội trợ đã tìm đến đây với hy vọng có thể mua được mặt hàng thực phẩm an toàn mặc dù giá thành khá cao so với bên ngoài. Chị Hoàng Thanh Trang, phố Trần Nhật Duật (TP Nam Định) cho biết: “Tôi thường vào các cửa hàng rau sạch để mua thực phẩm vì hy vọng hàng hóa ở đây đều đã qua khâu kiểm định chất lượng chứ không trôi nổi và bất ổn như thị trường bên ngoài”. Hiện tại mô hình liên kết doanh nghiệp với nhà sản xuất theo hướng từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, ngoài mục đích đem lại lợi nhuận cho cả hai bên, còn nhằm cung ứng ra thị trường các loại rau đảm bảo tiêu chuẩn gồm rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và rau hữu cơ đang được một số doanh nghiệp tìm hướng phát triển. Tại một cửa hàng rau sạch trên phố Lê Hồng Phong (TP Nam Định), nguồn cung ứng rau sạch của cơ sở khá phong phú với bắp cải, củ cải, cà chua, cải ngọt, bí, su su, dưa chuột, nấm được thu mua từ một số vùng trồng rau sạch trong tỉnh như Yên Nhân (Ý Yên), Giao Phong (Giao Thủy), Hải Chính (Hải Hậu)… Ngoài ra, cơ sở còn có nguồn cung ứng rau sạch tại một số tỉnh như Lạng Sơn, Hòa Bình, Đà Lạt, Hà Nam. Các vùng trồng rau trên đều nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia hoặc đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP. Cùng với kinh doanh rau sạch, cơ sở còn kinh doanh một số thực phẩm sạch như trứng, cá mực, tôm khô, cá thu, chả mực, chả cá… Cửa hàng rau sạch Sunday nằm trên đường Vị Hoàng (TP Nam Định) của Cty TNHH Tuệ Hương là một trong số rất ít cơ sở tổ chức chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh. Hiện cơ sở đứng ra liên kết với HTXNN Yên Dương (Ý Yên) để ký kết hợp đồng với khoảng 60 hộ dân trong vùng quy hoạch rau theo tiêu chuẩn VietGAP của xã với khoảng 3,4ha đất trồng rau vụ đông như bắp cải, su hào, súp lơ, cà chua, dưa chuột, cải ngọt. Ngoài ra, cơ sở kinh doanh này cũng nhập một số loại rau hữu cơ từ vùng trồng rau sạch Trác Văn (Hà Nam) về bán trên thị trường.
Khách hàng chọn mua rau tại cửa hàng rau sạch Sunday trên đường Vị Hoàng (TP Nam Định). |
Việc phát triển mô hình kinh doanh thực phẩm sạch đã và đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, vì mới thâm nhập thị trường nên các cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch này cũng đang gặp khó khăn; một phần do sản phẩm chưa đa dạng, mặt khác do cửa hàng chưa được nhiều người biết đến. Ngoài ra, chi phí đầu tư cho sản xuất và giá thành sản phẩm rau an toàn luôn cao hơn so với các sản phẩm rau thông thường, trong khi đó mức thu nhập của người dân chưa cao. Đơn cử như cửa hàng rau sạch Sunday đang loay hoay để tìm cách đến được với người tiêu dùng với mức giá hợp lý, trong khi chi phí cho quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch không hề nhỏ… Để đa dạng hóa mặt hàng thực phẩm sạch, hiện tại cửa hàng kinh doanh thêm trứng gà, gà đồi Yên Thế, thịt lợn rừng; sắp tới cửa hàng liên kết với một đơn vị cung cấp thịt lợn sạch đã đăng ký sản xuất thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại Xuân Trường để cung ứng sản phẩm thịt lợn sạch ra thị trường. Tại cửa hàng rau sạch trên phố Lê Hồng Phong, cùng với bán lẻ để giới thiệu sản phẩm, cơ sở còn cung cấp rau cho một số trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố.
Thực phẩm sạch đang có một thị trường đầy cơ hội khai thác nhưng vẫn chỉ ở mức tiềm năng. Cùng với mặt hàng rau xanh, việc đảm bảo an toàn thực phẩm mặt hàng thịt gia súc, gia cầm cũng là vấn đề đáng bàn. Chỉ tính riêng tại Thành phố Nam Định, nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm mỗi ngày rất lớn nhưng việc quản lý giết mổ, quản lý vận chuyển, kinh doanh buôn bán động vật, sản phẩm động vật không thực hiện được. Phần lớn động vật đưa vào giết mổ chưa kiểm soát được tận gốc. Bên cạnh đó, nhận thức, kiến thức của người dân về tiêu dùng thực phẩm sạch chưa cao nên việc lựa chọn thực phẩm còn dễ dãi. Thực tế tại một số chợ trên địa bàn thành phố như chợ Hoàng Ngân, chợ Phạm Ngũ Lão, chợ Phụ Long, chợ Kênh, chợ Diên Hồng, chợ Hạ Long, chợ Năng Tĩnh, chợ Cửa Trường, chợ Văn Miếu… hằng ngày tiêu thụ số lượng lớn các mặt hàng thực phẩm, nhưng việc quản lý thực phẩm gần như bị buông lỏng. Đặc biệt, các sản phẩm thực phẩm là thịt đang lưu thông tại các chợ có rất ít thực phẩm có dấu kiểm dịch. Người mua chỉ có thể quan sát bằng mắt thường và dựa vào kinh nghiệm của bản thân để lựa chọn sản phẩm(?). Và cho dù nỗi lo bệnh tật ám ảnh nhưng người tiêu dùng không có sự lựa chọn một khi sản phẩm sạch vẫn ngoài tầm tay vì giá thành thực phẩm sạch rất cao, đặc biệt là mặt hàng rau xanh. Đơn cử như một cây cải bắp vào đầu mùa có giá từ 10-12 nghìn đồng, một cây súp lơ xanh loại nhỏ cũng có giá khoảng trên dưới 10 nghìn đồng, một cân dưa chuột có giá khoảng 17-18 nghìn đồng… Với giá thành như vậy, những người có thu nhập thấp khó có thể chuẩn bị đầy đủ cho một bữa ăn nhiều rau xanh đảm bảo an toàn.
Dù là tín hiệu tích cực nhưng việc ra đời các cửa hàng kinh doanh rau sạch cũng chỉ như “muối bỏ bể” đối với nhu cầu tiêu dùng một lượng lớn rau và thực phẩm sạch hằng ngày trên địa bàn thành phố và trên địa bàn tỉnh. Và mặc dù ngành chức năng đã có nhiều đề án với không ít nỗ lực xây dựng hệ thống nuôi trồng, cung ứng rau sạch nói riêng và thực phẩm tươi sống như thịt, cá nói chung, nhưng đến giờ thực phẩm sạch vẫn “hụt hơi” trong cuộc đọ sức với thực phẩm không an toàn./.
Bài và ảnh: Minh Thuận